Hôm nay, đại biểu Quốc hội thảo luận về lùi thời điểm cải cách tiền lương

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/10/2021 | 7:30:19 AM

Một trong những nội dung các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ hôm nay (21.10) là: Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024 (trong đó có nội dung lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).

Hình ảnh khai mạc Kỳ họp 2, Quốc hội khoá XV vào sáng 20.10 tại Hội trường Diên Hồng.
Hình ảnh khai mạc Kỳ họp 2, Quốc hội khoá XV vào sáng 20.10 tại Hội trường Diên Hồng.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, sáng nay (21.10), đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về 3 nội dung:

Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).

Vào đầu giờ chiều, Quốc hội làm việc tại hội trường. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Một nội dung khác trong phiên làm việc tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Cuối giờ chiều, đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Cảnh sát cơ động và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

* Đề xuất sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch

Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đồng ý với đề xuất của Chính phủ về việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để ưu tiên chi cho nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.

 Bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, ưu tiên hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Chiều 20.10, thẩm tra báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đề cập đến một số đề xuất của Chính phủ về việc thu-chi ngân sách.

Ông Nguyễn Phú Cường đánh giá, năm 2021 nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19. Đảng, Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều chính sách quan trọng, trong đó có các chính sách tài chính nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết thể hiện quyết tâm tập trung nguồn lực ngân sách nhà nước cho phòng chống dịch; nhiều cơ chế, chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, chi hỗ trợ trực tiếp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đời sống nhân dân. 

Đánh giá về tình hình thu ngân sách nhà nước năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước ước vượt dự toán. Tuy nhiên, nhiều khoản thu quan trọng không đạt hoặc vượt thấp so với dự toán; nếu loại trừ các khoản tăng thu từ đất, tài nguyên thì số thu nội địa không đạt dự toán; cơ cấu thu chưa vững chắc.

Về tình hình chi, tính từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đến nay, tổng số kinh phí đã cấp là 30,85 nghìn tỉ đồng để chi cho công tác phòng, chống dịch.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách lưu ý Chính phủ cần báo cáo cụ thể về số vaccine được hỗ trợ, viện trợ, công khai việc sử dụng Quỹ vaccine; Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, đi đôi với bảo đảm chất lượng, an toàn, đáp ứng kịp thời với các biến chủng COVID mới xuất hiện.

Cũng theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, do còn nhiều nhiệm vụ chi phòng chống dịch dự kiến phát sinh lớn, tác động đến cân đối thu, chi ngân sách nhà nước, nên đề nghị Chính phủ có giải pháp bảo đảm cân đối ngân sách. Đồng thời trong những tháng cuối năm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bám sát tình hình, có phương án chủ động bố trí nguồn khi phát sinh nhiệm vụ. 

Việc thực hiện cải cách tiền lương từ 1.7.2022 là khó khả thi

Về công tác điều hành ngân sách nhà nước năm 2021, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội có một số đề xuất, trong đó có việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch COVID-19.

Đánh giá về đề xuất này, ông Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản nhất trí với đề xuất. Tuy nhiên, đề nghị việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương phải đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả và có thời hạn sử dụng cụ thể.

 Đối với đề xuất về cải cách tiền lương, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, căn cứ tình hình dịch bệnh hiện nay, việc thực hiện cải cách tiền lương từ 1.7.2022 là khó khả thi. Theo đó, nhất trí với phương án Chính phủ trình.

Để có điều kiện cho việc triển khai trong những năm tiếp theo, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ tính toán, chú trọng hơn nữa việc cân đối nguồn lực để bảo đảm thực hiện Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, góp phần bảo đảm đời sống người hưởng lương, nhất là đối tượng có mức lương thấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng cho rằng cần ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch; bố trí hợp lý, hiệu quả dự phòng ngân sách, dự trữ quốc gia; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

 Với tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19 tới phát triển, mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng. Vì vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, việc quyết tâm, chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng là rất cần thiết.
(Theo LĐO)

Các tin khác
Đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ngày 26/4/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ như sau:

Các chiến sĩ Tiểu đoàn Yên Ninh năm xưa giáo dục truyền thống thông qua những kỷ vật thời chiến cho thế hệ trẻ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta vào những năm 1967 - 1968 có thể nói là cam go, khốc liệt nhất. Với khẩu hiệu: "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, "Tất cả cho tiền tuyến”, chỉ trong 2 năm 1967 - 1968, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã xây dựng 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh với gần 3.000 quân lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam.

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Trần Phú.

Sáng 26/4, tại Di tích Lịch sử quốc gia thành An Thổ (xã An Dân, huyện Tuy An), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (1/5/1904-1/5/2024).

Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục