Thảo luận tại tổ ở Quốc hội sáng 21/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu hai lý do phải lùi thời điểm cải cách tiền lương. Thứ nhất, theo chủ trương chung, nếu địa phương vượt thu thì để lại 50% đầu tư, còn 50% để tăng lương. Số tiền để lại khoảng 600.000 - 700.000 tỷ đồng, gần đủ để cải cách một bước tiền lương.
Tuy nhiên, vừa qua dịch bệnh bùng phát, nhất là tại TP HCM, nên phải sử dụng một số quỹ, trong đó có quỹ vượt thu để sử dụng cho công tác khám chữa bệnh, mua vật tư ở các địa phương.
Thứ hai, Chủ tịch nước cho rằng, hiện nay đời sống người dân đang khó khăn, nhất là nông dân, công nhân. Bên cạnh đó, nhiều người thiếu việc làm. Vì vậy, nếu nâng lương cho cán bộ, công chức lúc này chưa phù hợp. Vì vậy, ông là một trong những người đầu tiên đề nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ chưa tăng lương đợt này, "để phù hợp với lòng dân".
Theo Chủ tịch nước, dù việc lùi thời điểm tăng lương là cần thiết song không thể kéo dài mãi; hiện nay chưa tăng lương được cho toàn bộ cán bộ, công chức thì cần có chính sách hỗ trợ hoặc nâng lương một bước cho những người về hưu trước năm 1995. Đây là những người lương thấp, đời sống khó khăn.
Đồng thời, Chủ tịch nước đề nghị cần tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh để dành dụm nguồn lực tốt hơn, tính toán năm sau báo cáo Trung ương, Quốc hội tiếp tục cải cách tiền lương, cải thiện đời sống cán bộ, công chức và góp phần phòng chống tham nhũng. Ông cho rằng yêu cầu nâng lương "phải dựa trên cơ sở có nguồn thu, bởi không thể đi vay mà tăng lương được".
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng lúc này lùi cải cách tiền lương là "rất cần thiết". Hai năm liên tục tăng trưởng GDP thấp, việc lùi cải cách tiền lương là sự chia sẻ của những người hưởng lương với khó khăn chung của xã hội.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đề nghị Chính phủ cân đối nguồn lực để những năm tiếp theo "không bị lỡ nhịp cải cách tiền lương".
Trước đó, tháng 5/2018, hội nghị Trung ương 7 (khoá XII) đã thông qua nghị quyết cải cách chính sách tiền lương. Chính phủ sau đó ấn định thời gian bắt đầu cải cách từ 1/7/2021. Mục tiêu đề ra là, từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; trong đó tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp...
Tuy nhiên, tại hội nghị Trung ương lần thứ 13 (khóa XII), diễn ra từ ngày 5 đến 9/10/2020, Ban chấp hành Trung ương đã tán thành với kiến nghị của Ban cán sự đảng Chính phủ về việc lùi thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới, chậm một năm so với mục tiêu ban đầu, tức là từ ngày 1/7/2022 thay vì 1/7/2021.
Tại hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), tháng 10/2021, Trung ương đồng tình về cơ bản với mục tiêu tổng quát và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2022 do Ban cán sự đảng Chính phủ đề xuất, trong đó có việc lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 (khoá XII).
(Theo VnExpress)