Đây là những tác phẩm tiêu biểu về nội dung và hình thức, có tính phát hiện, phản ánh những vấn đề nóng bỏng, hiệu quả tác động xã hội tốt. Nhiều vấn đề tác động sâu rộng đến dư luận xã hội, phát huy tốt vai trò phát hiện, phản biện, đấu tranh, phê phán cũng như biểu dương, xây dựng của báo chí.
Được đánh giá là một tác phẩm đặc biệt về nội dung và hình thức thể hiện, có những số liệu, hình ảnh chưa từng công bố, phim tài liệu Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh, Biên niên sử truyền hình của Báo Nhân Dân đã được Hội đồng giải báo chí Quốc gia quyết định trao giải Đặc biệt. Đây cũng là giải đặc biệt đầu tiên sau 15 năm tổ chức giải báo chí Quốc gia.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết: "Quan trọng hơn là có những vấn đề rất khó, rất nhạy cảm mà lần đầu tiên công bố và được nói công khai ở trên Đài quốc gia bằng một bộ phim chính luận tư liệu. Do vậy, có thể nói rất nổi bật. Đặc biệt, là ý nghĩa sâu sắc, tác dụng to lớn, độ lan tỏa rộng và sâu của tác phẩm này trong đời sống xã hội, Hội đồng chung khảo đã đề nghị lên Hội đồng Giải quốc gia trao giải đặc biệt cho tác phẩm này”.
Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh, Biên niên sử truyền hình còn là bộ phim tài liệu đồ sộ về một phần rực rỡ của đất nước trong thời đại Hồ Chí Minh (từ khi thành lập Đảng tới năm 2020), đã được thực hiện bởi gần 10 ekip làm phim trong hơn 1 năm tác nghiệp ở cả trong và ngoài nước. Với 90 tập, khán giả được tiếp cận góc nhìn lịch sử đa chiều, chân thực xuyên suốt đã lan tỏa và tác động mạnh mẽ tới công chúng.
Khán giá Nguyễn Văn Trung, quận Cầu Giấy tâm đắc: "Tôi thấy rất nhiều tư liệu phong phú ở nhiều góc độ khác nhau, tức là phía của chúng ta nói về chúng ta, về Bác, về Đảng Cộng sản Việt Nam và những người khác, có thể là đối thủ của chúng ta nói về chúng ta. Như thế tôi cũng thấy rất tâm đắc bởi ở đây không phải một chiều mà nhiều chiều, đánh giá theo nhiều góc độ, mới thấy được sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam chúng ta”.
Hội đồng giải Báo chí Quốc gia đã quyết định trao 9 giải A cho các tác phẩm: "Đại dịch COVID-19 - thách thức và cơ hội” của báo Nhân dân; Pháp luật về quốc phòng - hợp hiến, hợp lý và hợp lòng dân của Báo Quân đội nhân dân; BRíu Pố và chuyện nêu gương của Đài phát thanh, truyền hình Quảng Nam; Rừng giữ đất quê hương của Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi; Phá rừng quy mô lớn ở Kon Tum của Đài Truyền hình Việt Nam; Vinh quang trên tuyến đầu của Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội; Hiếu và Minh của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa; Báo chí chung tay làm sạch chính mình của Báo Điện tử VietnamNet và tác phẩm Trốn thuế qua cổng thanh toán quốc tế của báo Lao động.
Đây là những tác phẩm có tính phát hiện, phản ánh những vấn đề nóng bỏng, hiệu quả tác động xã hội tốt. Nhiều vấn đề nêu ra đã được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết.
Loạt bài Pháp luật về quốc phòng - hợp hiến, hợp lý và hợp lòng dân của Báo Quân đội nhân dân ra đời trong bối cảnh các lực lượng chống phá đả kích, xuyên tạc việc Quốc hội thông qua các luật, nghị quyết liên quan tới lĩnh vực Quốc phòng, nhằm kích động những người chưa hiểu rõ về bản chất của vấn đề để làm giảm uy tín, làm xói mòn niềm tin cũng như tình cảm của nhân dân với Quân đội nhân dân và với Quốc hội Việt Nam.
Tác phẩm giúp công chúng hiểu rõ bản chất âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, nâng cao tinh thần cảnh giác. Nhà báo Nguyễn Chiến Thắng, đại diện cho nhóm tác giả cho biết: "Khi nhóm chúng tôi triển khai đề tài này đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ Ban Biên tập Báo QĐND cũng như từ các cơ quan đơn vị liên quan ở trong và ngoài quân đội, của bạn bè đồng nghiệp và của cử tri nhân dân... Cho nên là nhóm tác giả chúng tôi mới hoàn thành nhiệm vụ mà bạn đọc gần xa đón nhận, đồng thời có nhiều phản hồi tích cực gửi về cho tòa soạn”.
Đi vào mảng đề tài gai góc, nhóm tác giả Liên Liên, Đức Minh, Đài Truyền hình Việt Nam với loạt phóng sự điều tra Phá rừng quy mô lớn ở Kon Tum đã có nhiều ngày "ăn núi, nằm rừng” bí mật bám đuổi theo bước chân lâm tặc. Nhiều lần phải mật phục trong rừng sâu, đêm tối đầy nguy hiểm để đưa tới người xem những thước phim chân thực, báo động tình trạng phá rừng đang diễn ra vô cùng phức tạp và ngang nhiên. Sau khi loạt bài phát sóng, cơ quan chức năng đã khởi tố 6 đối tượng.
Tác giả Liên Liên kể lại: "Chúng tôi mất từ 8-9 tiếng đi bộ liên tục mới có thể vào được rừng sâu để có những cảnh nhìn thấy lâm tặc đang hạ gỗ, thì phải đi rất sâu. Nghe thì rất rõ tiếng cưa gỗ rồi, nhưng tìm được lâm tặc cực kỳ khó, vì trong rừng sâu thảm cỏ rất dày, nên phải trườn rất sát họ chúng tôi mới quay được cảnh lâm tặc đang cưa gỗ. Sau nhiều đêm ở trong rừng, để làm sao được an toàn, chúng tôi phải đi một nhóm, chia nhiều tốp và nếu có chuyện gì xảy ra thì phải mỗi người một ngả. Chứ không có cách nào hết vì đó là nơi mà không có sóng điện thoại, không có bất cứ hỗ trợ nào nếu mình gặp bất trắc”.
Giải báo chí Quốc gia lần thứ 15 này, Đài Tiếng Nói Việt Nam vinh dự được nhận 3 giải B, 1 giải C và một giải Khuyến khích. Loạt bài điều tra: Cuộc tranh luận công hàm tại Liên Hợp Quốc: Chiến lược Tứ Sa và những tính toán nguy hiểm của Trung Quốc của nhóm tác giả Vũ Hồ Điệp, Đỗ Việt Nga, Phan Thanh Tùng, Trần Thúy Ngọc, Ban Thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam được nhận giải B là đề tài khó, nhạy cảm. Tuy nhiên, bằng nhiều cuộc làm việc với các nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước, cùng với việc tìm kiếm, cập nhật tiếp cận tài liệu từ nhiều nguồn, loạt bài không chỉ vạch rõ những tính toán sâu xa của Trung Quốc - từ yêu sách Đường Lưỡi Bò đến chiến lược Tứ Sa; mà còn phản ánh quan điểm rõ ràng của các quốc gia không chấp nhận những hành vi sai trái, không tuân thủ Luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Loạt bài mang tính thời sự nóng hổi đã tác động mạnh tới công chúng trong và ngoài và nhận được sự ủng hộ chính nghĩa của các nước trên thế giới.
Nhà báo Trần Thúy Ngọc, Ban Thời sự cho biết: "Vấn đề đầu tiên đó chính là chất liệu, đó chính là những diễn biến rất nổi bật năm 2020 khi mà hơn 20 quốc gia đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối yêu sách phi lý của Trung Quốc trong chiến lược Tứ Sa, tạo thành cuộc chiến pháp lý chưa từng có tiền lệ trên biển Đông. Ngay từ đầu nhóm của chúng tôi đã thống nhất, loạt bài của chúng tôi sẽ không chỉ phản ánh cuộc chiến pháp lý đó mà ngay bản thân tác phẩm cũng sẽ là tiếng nói trong cuộc chiến này với những luận điểm, luận cứ và các dẫn chứng cụ thể”.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Lễ tổng kết và trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 15 đã không diễn ra vào ngày Báo chí Việt Nam 21/6 như thường lệ mà được tổ chức trọng thể vào 24/10, dịp Đại hội lần thứ 11 Hội Nhà báo Việt Nam tại Hà Nội.
(Theo VOV)