Sáng 24/5, tại phiên thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nêu ý kiến cho rằng cần có quy phạm pháp luật ở tầm luật để điều chỉnh thống nhất các chính sách dân tộc, làm công cụ pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc.
Hệ thống pháp luật về công tác dân tộc thiểu số hiện "nằm rải rác” ở hơn 300 văn bản…
Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, quan điểm về chính sách dân tộc luôn được đổi mới, hoàn thiện qua các bản Hiến pháp. Đặc biệt, Điều 5 Hiến pháp 2013 đã thể hiện tinh thần rất mới, đó là bên cạnh việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho đồng bào phát triển toàn diện, Hiến pháp 2013 cũng xác định Nhà nước phải tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.
"Quan điểm và tinh thần mới này của Hiến pháp 2013 cần được thể chế hóa để đi vào thực tiễn cuộc sống”, đại biểu đoàn Lạng Sơn nhấn mạnh.
Khẳng định thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân tộc và miền núi, đại biểu Nghĩa dẫn chứng cho biết, ngay từ năm 2005, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 26/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã xác định: "Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân tộc theo hướng tăng cường đoàn kết đồng bào các dân tộc trên cơ sở đại đoàn kết toàn dân tộc".
Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới cũng yêu cầu: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngày 18/11/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Đề án Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là sự kiện mang tính lịch sử cho sự phát triển của vùng dân tộc thiểu số và miền núi, là lần đầu tiên đồng bào dân tộc có được văn bản do Quốc hội ban hành, tích hợp đầy đủ nhất các chính sách đầu tư phát triển cho đồng bào nhiều năm qua.
Nghị quyết số 88/2019/QH14 cũng yêu cầu Chính phủ: Tổ chức rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách dân tộc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản có liên quan không còn phù hợp.
Tuy nhiên, theo rà soát của Ủy ban Dân tộc, hệ thống quy phạm pháp luật về công tác dân tộc thiểu số hiện đang nằm rải rác ở hơn 300 văn bản, chủ yếu là văn bản ở cấp Chính phủ, cấp bộ với 52 nghị định, 11 nghị quyết của Chính phủ, 118 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hơn 50 thông tư của các Bộ trưởng.
Trong số các văn bản nêu trên, đại biểu Nghĩa cho biết Nghị định số 05 ngày 14/1/2011 của Chính phủ là văn bản điều chỉnh toàn diện nhất về công tác dân tộc nhưng cũng đã được áp dụng hơn 10 năm, chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các chính sách mới liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thẩm quyền ban hành luật là của Quốc hội
Trên cơ sở các căn cứ chính trị, pháp lý cũng như thực tiễn, đại biểu Nghĩa cho rằng cần có quy phạm pháp luật ở tầm luật, điều chỉnh thống nhất các chính sách, làm công cụ pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc.
Dẫn Điểm e, khoản 1, Điều 15 của Luật Ban hành Văn bản quy phạm phát luật quy định: "Quốc hội ban hành luật để quy định Chính sách dân tộc”, đại biểu Nghĩa cũng cho biết, trên thực tế, Dự án Luật Dân tộc đã được soạn thảo từ năm 1993, tuy nhiên đến nay đã gần 30 năm, đã qua nhiều lần dự thảo, nhiều lần xin ý kiến nhưng vẫn chưa được trình Quốc hội.
Bên cạnh đó, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cũng mới chỉ có nhiệm vụ Nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định danh mục thành phần, tên gọi các dân tộc Việt Nam mà chưa có Dự án Luật về công tác công dân tộc.
Nhấn mạnh việc sớm ban hành Luật về công tác dân tộc là nguyện vọng chính đáng của cử tri và đồng bào các dân tộc thiểu số, đại biểu Nghĩa đề nghị Chính phủ sớm tổng kết việc thực hiện Nghị định số 05 ngày 14/1/2011 của Chính phủ và các quy định liên quan để lập hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật về công tác dân tộc.
Đồng thời, đại biểu Nghĩa cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa Dự án Luật về công tác dân tộc vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 hoặc chậm nhất là năm 2024 để xem xét, thông qua trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Nếu Dự án Luật về công tác dân tộc được xây dựng, ban hành, đại biểu Nghĩa cũng cho rằng đạo luật này cần thể hiện rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh; có tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn, đồng thời phải có tính ổn định và tính khả thi cao.
"Việc Quốc hội ban hành luật về lĩnh vực dân tộc cũng là kinh nghiệm lập pháp ở các quốc gia có nhiều dân tộc cùng sinh sống như: Philippines, Ba Lan, Séc, Hungary, Croatia...", đại biểu Nghĩa cho biết thêm.
(Theo Nhân dân)