Sự đồng lòng của nhân dân là thước đo niềm tin

  • Cập nhật: Thứ tư, 31/8/2022 | 10:45:14 AM

Trong hơn 10 năm, hiếm có “cuộc chiến” nào lại nhận được sự đồng lòng, ủng hộ lớn lao từ nhân dân như cuộc chiến chống “giặc nội xâm” tham nhũng, tiêu cực. Những kết quả từ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt được thời gian qua, không chỉ là những con số vụ án, vụ việc, số cán bộ bị xử lý cán bộ, hay số tiền thu hồi được, mà nền tảng, giá trị hơn là niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ngày càng trở nên bền vững.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Giá trị lớn nhất là niềm tin

Từ khi được thành lập đến nay, Đảng ta luôn quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nội dung cốt lõi, trọng tâm. Đặc biệt, kể từ khi Ban Chấp hành Trung ương quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (nay là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực) trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban chỉ đạo thì công tác này nhận được sự quan tâm lớn của nhân dân. Trong 10 năm qua, không có "cuộc chiến” nào lại được nhân dân đồng lòng ủng hộ lớn lao như "cuộc chiến” chống "giặc nội xâm”. Tham nhũng, tiêu cực, không chỉ gây bức xúc, mệt mỏi cho người dân, mà nó còn "bào mòn” thành quả phát triển của đất nước, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

"Mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ rằng: Đảng ta là đảng cầm quyền; Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đảng phải luôn luôn dựa vào Dân, lắng nghe Dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; việc gì có lợi cho Dân thì phải hết sức làm và làm cho bằng được; ngược lại, việc gì có hại cho Dân thì phải hết sức tránh. Việc gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm. Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”, trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 30/6. 

Với tinh thần "không có vùng cấm”, "không có "ngoại lệ”, "bất kể đó là ai", hay "ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”, niềm tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng phát động ngày càng được củng cố. Nhân dân đồng lòng, ủng hộ các quyết sách của Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến "không khoan nhượng” này. Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cũng nhiều lần khẳng định, trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có vai trò to lớn của nhân dân, không có sức mạnh nào to lớn bằng sức mạnh của nhân dân.

Những kết quả to lớn mà Đảng và Nhà nước đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, không chỉ dừng lại ở những con số: Hàng trăm vụ án, vụ việc được kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý; hàng ngàn bị cáo bị truy tố, xét xử nghiêm minh; hàng trăm cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật; hàng chục ngàn tỷ đồng, hàng triệu m2 đất được thu hồi về cho Nhà nước mà kết quả có tính căn cốt, nền tảng, giá trị hơn tiền bạc là niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng được nâng lên rõ rệt.

Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thể hiện ý chí cách mạng tiến công, quyết tâm chính trị rất cao của Đảng; ý Đảng hòa quyện với lòng dân. Nhân dân bày tỏ niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước và tấm gương mẫu mực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. "Nhân dân tin tưởng sâu sắc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, tiếp tục thể hiện bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, nêu gương để quy tụ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta một lòng, một dạ, một ý chí chiến đấu và từng bước giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh cam go, gian khó với tệ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nói tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Đồng lòng cho giai đoạn mới

Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng nhưng không vì thế mà tham nhũng có thể thuyên giảm trong "một sớm, một chiều”. Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc chiến dài hơi, đòi hỏi sự kiên trì, liên tục, không ngừng, không nghỉ. Bởi tham nhũng vốn là căn bệnh của quyền lực, "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực; trong khi đó, với con người "vật chất luôn có lực hấp dẫn rất lớn”. Khi cán bộ ngồi trên chiếc ghế quyền lực để lợi ích cá nhân, "lợi ích nhóm” trỗi dậy sẽ gục ngã trước trước những "viên đạn bọc tiền”. Thực tế đó đã được chứng minh, qua hàng loạt các vụ tham nhũng, tiêu cực gần đây bị phát hiện, xử lý. Bất chấp những khó khăn của đất nước, của người dân và doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều quan chức trong bộ máy, từ Trung ương cho đến địa phương đã cấu kết với doanh nghiệp để trục lợi thông qua việc nghiên cứu, mua sắm kít test Việt Á, qua các "chuyến bay giải cứu”.

Tuy nhiên, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định, việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, thì phải làm, và kiên quyết làm.

Với tinh thần đó, việc xử lý các cán bộ liên quan đến vụ việc Việt Á, vụ "bay giải cứu” đã được thực hiện một cách quyết liệt. Chỉ tính riêng vụ Việt Á, lực lượng chức năng đã khởi tố 25 vụ án, 95 bị can, trong đó có 2 Ủy viên Trung ương bị cách chức, miễn nhiệm, khởi tố là ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN). Còn theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, tăng 20 trường hợp so với cùng kỳ năm trước.

Tại phiên họp thứ 22 mới đây của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, chưa bao giờ xử lý mạnh mẽ, nghiêm minh hành vi tham nhũng, tiêu cực như vừa qua. Đồng thời, Tổng Bí thư cũng nói rằng: Không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm "nhụt chí", "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, làm "chậm" sự phát triển đất nước; mà hoàn toàn ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Qua đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh". Cũng theo Tổng Bí thư, việc quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh một lần nữa đã thể hiện quyết tâm cao của Trung ương trong việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến địa phương trong giai đoạn mới, theo tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".

(Theo TPO)

Các tin khác

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2022), sáng 31/8, đoàn đại biểu Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và đại diện các tầng lớp nhân dân do đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái làm trưởng đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Lễ đài Sân vận động thành phố Yên Bái và viếng các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ trung tâm tỉnh.

Lãnh đạo Tỉnh đoàn tặng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Yên Bái lần thứ XX, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Đại hội được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo tổ chức đại hội điểm cấp huyện và tương đương.

Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái lần thứ XV, nhiệm kỳ 2022 - 2027 là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của tuổi trẻ Yên Bái. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị Đại hội đang được tích cực triển khai. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm - Bí thư Tỉnh đoàn về nội dung này.

Ngày 30/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định ân giảm án tử hình xuống tù chung thân cho 10 bị án, trong đó có 2 bị án là người nước ngoài.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Đại hội.

Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI đã thông qua báo cáo kết quả công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ nhiệm kỳ Đại hội X (2017-2022), phương hướng nhiệm vụ, nhiệm kỳ Đại hội XI (2022-2027). Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ làm Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa XI.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục