Nếu như các huyện, thị phía Tây của tỉnh đang là điểm đến thân thiện, hấp dẫn với du khách thập phương cả trong và ngoài nước thì Văn Chấn chính là vùng lõi của tâm điểm ấy.
Không chỉ bởi vị trí địa lý, bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo với những vòng xòe nổi tiếng, những cây chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi trên đỉnh Suối Giàng, với hương nếp thơm Tú Lệ cùng nét duyên dáng của các cô gái Thái e ấp, gọi mời bên cánh đồng Mường Lò lớn nhất, nhì Tây Bắc đương kỳ trĩu hạt, nặng bông…, Văn Chấn còn tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới trong phát triển kinh tế - xã hội bằng nội lực của cán bộ, đảng viên, bằng quyết tâm, đoàn kết, đồng thuận từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài của cả hệ thống chính trị với sự gương mẫu, sáng tạo, đột phá của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân…
Văn Chấn có đủ bản lĩnh, tự tin để kỳ vọng về một tương lai tươi sáng, bởi những kết quả đã đạt được của Đảng bộ huyện sau 75 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, đặc biệt là những thành tựu trong 10 năm trở lại đây.
Đó chính là khoảng thời gian mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đồng lòng bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) với quyết tâm chính trị cao nhất.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện luôn đạt trên 12%, kinh tế tăng trưởng theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong huyện giảm còn 10%, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 36 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với năm 2015.
Đến nay, toàn huyện đã có 9 xã đạt chuẩn NTM và xã Tân Thịnh đạt chuẩn NTM nâng cao. Kết quả đó đã thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn cũng như cuộc sống của người dân từ vùng thấp tới vùng cao của huyện. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Giờ thì chẳng riêng Thượng Bằng La, Đồng Khê… nỗ lực thực hiện các nhóm tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, tiến tới xây dựng NTM kiểu mẫu mà thực hiện Đề án "Xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, năm 2021 vừa qua, thêm 3 xã đặc biệt khó khăn của huyện là: Sơn Lương, Tú Lệ và Minh An cũng đã cán đích NTM nhờ thực hiện triệt để nguyên tắc: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện phấn đấu có thêm 11 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số đạt chuẩn NTM mới toàn huyện lên 17 xã, có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa qua đã xác định rõ mục tiêu phải thực hiện thành công 3 khâu đột phá theo định hướng chung của tỉnh và 5 chương trình trọng tâm của huyện với 19 nhiệm vụ cụ thể trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đó sẽ là đòn bẩy để nông thôn Văn Chấn ngày thêm khởi sắc, là động lực để những chủ thể NTM quyết tâm hơn trong việc hoàn thành, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM của huyện nhà.
Phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân, tiềm năng, thế mạnh của huyện và những chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP...
Đồng thời, khuyến khích nhân dân phát triển diện tích quế, cây ăn quả có múi, chè Shan và hỗ trợ đồng bào vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn chăn nuôi đại gia súc theo hướng bán chăn thả thông qua việc quan tâm, tạo điều kiện thành lập các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã và hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm.
Từ năm 2020 đến nay, Văn Chấn đã triển khai Đề án trồng cây măng sặt trên diện tích 250 ha và trồng 200 ha cây mắc ca xen chè tại 5 xã, thị trấn: Nậm Búng, Gia Hội, Đồng Khê, thị trấn Nông trường Liên Sơn và thị trấn Sơn Thịnh.
Dự kiến đến năm 2023, diện tích cây mắc ca của huyện sẽ đạt 400 ha. Cùng với nhiều dự án lớn hoàn thành đi vào sản xuất hiệu quả như: Nhà máy Thủy điện Văn Chấn công suất 57 MW, Nhà máy sản xuất tinh dầu quế Sơn Lương, Công ty TNHH Y học cổ truyền Đông dược Thế Gia, Công ty NipponZuky và gần 60 công ty, cơ sở chế biến chè, mỗi năm đóng góp trên 80 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Cùng với đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, Văn Chấn đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng và phát triển đảng viên để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng cơ sở.
Nhờ đó, đến nay 100% thôn, bản, tổ dân phố của huyện đều đã có chi bộ đảng hoạt động. 8 tháng đầu năm 2022, Đảng bộ huyện đã kết nạp được 125 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên đang sinh hoạt ở 52 tổ chức cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ lên trên 7.500 đồng chí.
Để Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã cụ thể hóa và gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng với Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong đó, nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện, phấn đấu đến năm 2025 đưa Văn Chấn trở thành huyện NTM.
Đó cũng là mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 mà Đảng bộ huyện đã xây dựng được trên 300 mô hình điển hình tiên tiến học tập và làm theo Bác trên tất cả các lĩnh vực, góp phần lan tỏa những cách làm mới, sáng tạo, giúp Văn Chấn thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2020 - 2025 mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đề ra.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, năng suất vụ đông xuân của huyện đạt 58,12 tạ/ha, sản lượng 15.707 tấn, bằng 100% kế hoạch; sản lượng hoa quả tươi đạt 8.000 tấn bằng 55% kế hoạch; tổng diện tích rừng đã trồng đạt 2.394 ha, bằng 76% kế hoạch; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,44% so với cùng kỳ…
Đặc biệt, huyện đã đón 91.370 lượt khách du lịch với tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 70 tỷ đồng, bằng 76% kế hoạch, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ, góp phần nâng tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng 41% so với cùng kỳ. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp thể hiện mức độ hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính trong huyện đạt 99%.
Đảng bộ mạnh, kinh tế phát triển, chất lượng và hiệu quả giáo dục của huyện cũng được nâng lên rõ rệt, nhất là giáo dục vùng cao. Đến nay, huyện Văn Chấn có 34/66 trường đạt chuẩn mô hình "Trường học hạnh phúc”.
Công tác chăm sóc y tế nâng cao sức khỏe cho người dân không ngừng được cải thiện. Huyện đã tổ chức tiêm mũi 4 cho nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên, đạt 41,3%, tiêm mũi 2 cho nhóm đối tượng từ 5 đến dưới 12 tuổi, đạt 49,5% và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống, thích nghi với dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới.
Tới thăm và làm việc tại huyện Văn Chấn vào trung tuần tháng 9/2022, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao tinh thần đoàn kết, vượt khó, đạt được những thành quả quan trọng của Đảng bộ, chính quyền nhân dân huyện Văn Chấn thời gian qua.
Đồng thời, chỉ đạo huyện tiếp tục quán triệt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, bám sát các nghị quyết của Trung ương, triển khai áp dụng phù hợp thực tế, lồng ghép các nguồn lực hợp lý để có những bước tiến mới trong phát triển kinh tế - xã hội và có điều kiện chăm lo cho đời sống của nhân dân các dân tộc được tốt hơn.
Kỳ vọng về một tương lai tươi sáng, với phương châm "Đoàn kết - Kỷ cương - Trí tuệ - Phát triển”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ, cùng các địa phương trong tỉnh chung tay xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng phát triển theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
ĐƯA NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG
Thực hiện Nghị quyết số 22 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025, Đảng bộ huyện Văn Chấn đã xây dựng và chủ động ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, hàng năm, Đảng bộ huyện chỉ đạo đơn vị chức năng đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo như: đẩy mạnh áp dụng các mô hình, phương pháp giáo dục tiên tiến để tổ chức các hoạt động tại các nhóm, lớp mầm non; bước đầu vận dụng mô hình giáo dục theo định hướng STEM vào các hoạt động của trường mầm non, tận dụng các phòng học tiên tiến dạy trẻ mầm non làm quen với Tiếng Anh; tổ chức nâng cao chất lượng dạy học, đẩy mạnh triển khai chương trình dạy học Tiếng Anh cấp tiểu học; tổ chức dạy học môn Tin học tự chọn ở 3 đơn vị trường với 27 lớp, 860 học sinh; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, trường học gắn với thực tiễn như: trường học nông trại, trường học du lịch, trường học hạnh phúc…
Năm học 2021 - 2022, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo thực hiện mô hình "Trường học hạnh phúc” tới 14 đơn vị trường trên địa bàn huyện. Hết năm 2021, 100% các đơn vị trường trong toàn huyện đã đạt trên 50% các tiêu chí về trường học hạnh phúc.
Đồng thời, tiếp tục sắp xếp mạng lưới trường lớp, quy mô giáo dục hợp lý, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Bảo tồn chữ Nôm của đồng bào dân tộc Dao, xã Nậm Búng tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS huyện Văn Chấn năm học 2020 - 2021.
Đến nay, huyện duy trì 6 cơ sở ngoài công lập với 7 nhóm trẻ, 125 cháu, đạt tỷ lệ 1,93%; tiếp tục thực hiện sắp xếp các trường nội trú, bán trú, trường có học sinh bán trú đảm bảo hợp lý về quy mô, phù hợp về điều kiện cơ sở vật chất, tình hình thực tế tại địa phương, có phương án cụ thể đối với từng đơn vị khi có điều chỉnh thay đổi về chế độ chính sách của học sinh để nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục huyện còn đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, bảo đảm về chất lượng. Đến nay, toàn ngành hiện có 1.698 viên chức và lao động, trong đó số biên chế có mặt so với số biên chế được giao đạt 92,72%; biên chế hiện có so với định mức đạt 83,81%; số cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên đạt 78,87%; tỷ lệ cán bộ giáo viên có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên đạt 93,8%.
Đối với công tác đổi mới quản lý giáo dục và đào tạo, huyện chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục và đào tạo; tích cực đổi mới và đảm bảo công tác kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện nền nếp, hiệu quả. 100% các đơn vị trường học trên địa bàn huyện đã sử dụng hòm thư công vụ với tên miền @vanchan.edu.vn; 100% các đơn vị trường có Website, Fanpage riêng để tuyên truyền, trao đổi các thông tin của đơn vị, của ngành.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của các đơn vị hầu hết sử dụng thành thạo các phần mềm phục vụ cho công tác quản lý và giảng dạy…
Theo đó, 26/26 xã, thị trấn trong huyện đã triển khai phòng họp trực tuyến và có ít nhất 1 điểm cầu; phấn đấu đến năm 2025 thực hiện triển khai mô hình "Phòng họp không giấy tờ” tại các nhà trường trên địa bàn huyện.
Công tác khuyến học, khuyến tài cũng được huyện quan tâm chỉ đạo đơn vị chức năng tăng cường các giải pháp xây dựng xã hội học tập như: xây dựng mô hình học tập gắn với nội dung của cuộc vận động "5 không, 3 sạch”.
Kết quả, đến nay đã có 23.314/30.506 gia đình được công nhận gia đình học tập, bằng 76,42%; 57/109 dòng họ học tập, bằng 52,29%; 107/112 số cơ quan, đơn vị đạt đơn vị học tập, bằng 95,54%; có 154/219 thôn, bản, tổ dân phố đạt cộng đồng học tập, bằng 70,32%; có 14/24 xã, thị trấn được công nhận đạt "Cộng đồng học tập” mức khá trở lên, tăng thêm 2 đơn vị so với năm 2020.
Việc duy trì nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh gắn với xây dựng nông thôn mới được ngành Giáo dục chú trọng thực hiện.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 22 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, thời gian tới, Đảng bộ huyện Văn Chấn tiếp tục chỉ đạo đơn vị chức năng tập trung đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục; nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo; tiếp tục sắp xếp mạng lưới trường lớp, quy mô giáo dục hợp lý, hiệu quả đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; phát triển đội ngũ, nâng cao năng lực của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học; nâng cao hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý giáo dục - đào tạo; duy trì nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
NÂNG TẦM SẢN PHẨM OCOP
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã nhận được nhiều sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã…, tạo ra được những sản phẩm OCOP cho năng suất, chất lượng cao, dần chiếm lĩnh được thị trường.
Đối với huyện Văn Chấn, vốn có nhiều thế mạnh về các vùng đặc sản như hoa quả, chè, dược liệu, du lịch…, nên việc tạo được các sản phẩm chất lượng cao, xây dựng thương hiệu mạnh cho các sản phẩm đã được triển khai rất thành công.
Giới thiệu sản phẩm OCOP tại Công ty TNHH sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia, tổ dân phố Thác Hoa 3, thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn.
Hiện, Văn Chấn đang có 19 sản phẩm OCOP, trong đó 10 sản phẩm đạt 4 sao và 9 sản phẩm 3 sao; huyện đã xây dựng được kế hoạch cụ thể, chi tiết, khoa học nhằm nâng tầm sản phẩm, phát triển cả về số lượng và chất lượng các sản phẩm OCOP.
Theo đó, huyện tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như: định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…
Trên cơ sở đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, các quy định an toàn thực phẩm và môi trường…
Qua đó, Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia và phát huy tiềm năng, thế mạnh của các chủ thể kinh tế trong việc nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu kinh tế theo hướng liên kết.
Các sản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng và bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm....
Đặc biệt, Văn Chấn là địa phương có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế nông nghiệp, có nhiều sản phẩm chủ lực đặc trưng, diện tích lớn. Về sản xuất kinh doanh, trên địa bàn huyện có 1 công ty TNHH sản xuất dược liệu, 1 hợp tác xã (HTX) dược liệu, 1 HTX sản xuất lúa gạo, 5 HTX sản xuất cam và 51 cơ sở đang hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh chè (5 công ty cổ phần, 17 công ty TNHH, 15 doanh nghiệp tư nhân, 14 HTX), cùng một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, phát triển khá toàn diện theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, như: vùng sản xuất cây ăn quả, vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn, rau nguyên liệu phục vụ chế biến...
Mặt khác, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, HTX còn tăng cường đầu tư hoàn thiện hệ thống nhà xưởng, trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh, đảm bảo vệ sinh môi trường; sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khách hàng khó tính, tiến tới xây dựng các sản phẩm OCOP, tạo nên những sản phẩm có giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường.
Thực tế cho thấy, OCOP là một chương trình mới, mang tính cộng đồng cao, thiết thực, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh có cơ hội tiếp cận nhu cầu thị trường, từ đó cải tiến công nghệ, mẫu mã, chất lượng, bao bì, giảm chi phí, xây dựng giá cả cạnh tranh với hàng ngoại cùng chủng loại, tăng doanh thu bán hàng thông qua việc tham gia các phiên chợ, góp phần tăng tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, hợp tác nhiều hơn với các cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương để làm đại lý phân phối, từng bước phát triển thị trường tiêu thụ.
Tại huyện Văn Chấn, nhiều sản phẩm đặc trưng trước đây sản xuất theo phương thức truyền thống, khi tham gia vào Chương trình OCOP đã được chuẩn hóa, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng.
Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP, thứ hạng sao in, dán trên bao bì sản phẩm, nâng tầm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối sản phẩm hiện đại...
Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư, hướng đến thị trường xuất khẩu, huyện Văn Chấn tập trung các giải pháp tiếp tục thông tin, tuyên truyền nội dung chương trình OCOP, bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP; đào tạo, tập huấn cho cán bộ, cơ sở sản xuất chi tiết bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; xây dựng hồ sơ tham gia Chương trình OCOP.
Trong thực hiện chu trình OCOP đối với các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, huyện sẽ có giải pháp tư vấn, hỗ trợ cải tiến, nâng cấp sản phẩm phù hợp với chu trình OCOP, bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và điều kiện của cơ sở sản xuất.
Đối với sản phẩm OCOP đề nghị nâng hạng sao, tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi, phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại; tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể thực hiện tốt nội dung, hoạt động của chương trình; phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm OCOP; tập trung hoàn thiện, nâng cấp những sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới…
Thanh Hương - Ngọc Sơn - Thiên Cầm