Bên cạnh kiến nghị những vấn đề mà kỳ họp Quốc hội tới đây sẽ thảo luận như dự thảo luật khám chữa bệnh sửa đổi, cải cách tiền lương, nhà ở xã hội, vấn đề sách giáo khoa... thì công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực vẫn là một vấn đề được cử tri tâm huyết góp ý.
Tại hội nghị, ông Vương Hữu Phú (cử tri quận Ba Đình) cho rằng: "Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực kéo dài mà các đoàn đại biểu quốc hội địa phương chưa giám sát, chưa kiến nghị giải quyết vấn đề đó".
Theo ý kiến cử tri, vẫn còn tình trạng cán bộ lạm quyền, lộng quyền, cơ quan cấp dưới ban hành những quy định vượt thẩm quyền chưa phù hợp. Cử tri đề nghị cần tăng cường các giải pháp để kiểm soát quyền lực. Quốc hội cần nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế chính sách kiểm soát quyền lực bởi vì không có kiểm soát quyền lực hoặc kiểm soát quyền lực yếu thì quyền lực tất yếu bị lạm dụng phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích nhóm. Cử tri cho rằng, kiểm soát quyền lực nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước, cơ chế, chính sách, pháp luật, đồng thời, phát hiện kịp thời, không để xảy ra những hậu quả đáng tiếc, không phải xử lý nhiều cán bộ như vừa qua.
Về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, việc kiểm soát quyền lực ở cấp dưới, của cấp dưới vẫn phải quan tâm nhiều hơn nữa.
"Có khi có quyền trong tay mà không có ai giám sát tự tung, tự tác, muốn làm gì thì làm. Thậm chí bè cánh với nhau, móc ngoặc với nhau để mà trở thành lợi ích nhóm là vô cùng nguy hiểm" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm đại biểu Quốc hội trong việc lắng nghe tiếp thu những ý kiến tâm huyết xác đáng của cử tri, phải thật sự xứng đáng với niềm tin mà nhân dân gửi gắm.
"Tôi phải nói cái này vì không phải ai cũng hiểu hết, vì nhiều khi cứ tưởng mình là đại biểu Quốc hội nghe là oách lắm đấy, nhưng có khi xa dân, không nắm được tâm tư, nguyện vọng của dân, không nắm vững đường lối của Đảng, ra là bàn ào ào đi, giơ tay biểu quyết có khi sai một ly đi một dặm. Những điều các bác có ý kiến nhắn nhủ hôm nay hay căn dặn hôm nay, chúng tôi phải phát biểu trước Quốc hội theo tinh thần lắng nghe ý kiến của dân. Như vậy mới gọi là Quốc hội của dân, do dân và vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng; Đảng ta là đảng cầm quyền và chỉ có một đảng, không có đa đảng", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Một lần nữa, Tổng Bí thư khẳng định mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ là cơ chế hoạt động được luật pháp quy định và có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực lẫn nhau giữa ba cơ quan lập pháp - hành pháp và tư pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng, không được quyền anh, quyền tôi, không được "cua cậy càng, cá cậy vây", vì Việt Nam không có tam quyền phân lập, chỉ do một đảng cầm quyền lãnh đạo.
(Theo VTV)