Ngày 29/11 tới đây sẽ diễn Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV trước thềm hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: Hội thảo nhằm tiếp tục thống nhất cao trong hệ thống chính trị, trong đảng viên và sự đồng thuận trong nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa và sứ mệnh văn hóa, con người Việt Nam.
PV: Hội thảo lần này được tổ chức tại 3 điểm cầu Bắc- Trung- Nam là Hà Nội- Huế- Thành phố Hồ Chí Minh, vậy ông có thể cho biết những nhiệm vụ chính đặt ra đối với hội thảo lần này?
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa: Như chúng ta đã biết, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực văn hóa và con người. Đến thời kỳ Đổi mới, các văn kiện của Đảng, đặc biệt là văn kiện Đại hội lần thứ XIII vừa rồi, đã đặt ra vấn đề xây dựng văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam là một trong những nội dung trọng tâm, cốt lõi và cũng là khâu đột phá, có giá trị là những động lực thúc đẩy phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra của Đảng, Nhà nước là chúng ta phải nghiên cứu sâu, xây dựng được hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị chuẩn mực quốc gia Việt Nam trong thời kỳ mới. Tinh thần đó đặt ra cho hội thảo lần này là phải tiếp tục thống nhất cao trong hệ thống chính trị, trong đảng viên và sự đồng thuận trong nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa và sứ mệnh văn hóa, con người Việt Nam. Chúng ta tiếp tục nhận thức, làm tỏa sáng hơn nữa quan điểm của Đảng, Bác Hồ là "văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và "văn hóa còn, thì dân tộc còn”, văn hóa, con người là sức mạnh nội sinh để thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Bốn hệ giá trị quốc gia, về văn hóa, gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam đã được nêu trong nhiều văn kiện của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, văn kiện Đại hội lần thứ XIII và điều đó được cụ thể hóa, khẳng định trong phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào ngày 24/11/2021.
Từ đó đặt ra những yêu cầu của hệ giá trị văn hóa, vừa phải dựa trên nền tảng là những giá trị truyền thống, văn hóa và con người Việt Nam đã hình thành, hun đúc qua mấy ngàn năm lịch sử, đồng thời phải gắn với yêu cầu của thời đại mới. Đó là yêu cầu của thời kỳ Việt Nam chúng ta đẩy mạnh đồng bộ toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế hiện nay. Cho nên, chúng ta phải lý giải, phải làm rõ và không những nhận thức đúng, hiểu đúng mà còn chuyển tải những nhận thức đó thành hành động cụ thể, để đưa văn hóa, không chỉ là đầu tư cho văn hóa ngang tầm với đầu tư cho các lĩnh vực khác mà phải coi văn hóa, con người là một trong những động lực, thúc đẩy sự phát triển, sự giàu mạnh, phồn vinh và hạnh phúc của đất nước, dân tộc Việt Nam.
Nghi thức tái hiện Lễ cúng mừng mùa của người Ê Đê
PV: Đã có rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học cho rằng, chúng ta đã nghiên cứu về hệ giá trị từ rất lâu rồi, và bây giờ đang là thời điểm chín muồi để chúng ta công bố rõ những hệ giá trị này, triển khai chúng trong thực tế. Ông có đánh giá thế nào về vấn đề này, cũng như những việc chúng ta sẽ làm sau hội thảo thưa ông?
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa: Trước hết, phải khẳng định rằng, chúng ta đã có nền văn hóa hàng ngàn năm lịch sử. Chúng ta có nền văn hóa tạo nên sức mạnh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như đế quốc Mỹ để giành độc lập, thống nhất đất nước và đã có được một giá trị văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, thể hiện trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII, tổng kết 35 năm đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ. Tuy nhiên, văn hóa và con người luôn luôn vận động và phát triển theo yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới và yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Vì vậy, chúng ta phải luôn luôn hoàn thiện, đổi mới, nhưng đổi mới phải trên nền tảng của quốc gia, dân tộc, phát huy những giá trị cao quý của dân tộc Việt Nam. Và đây là thời điểm chín muồi, để chúng ta cụ thể hóa những quan điểm của Đảng thành những hệ giá trị để coi đây là những tiêu chí, là những chuẩn mực để cho mỗi tổ chức, mỗi con người nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt việc này.
Việt Nam có nền văn hóa đặc trưng, truyền thống
Đây cũng là thời điểm bước sang một giai đoạn mới trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, với các tầm nhìn đến năm 2025, đến năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng; tầm nhìn đến năm 2045 - 100 năm thành lập nước. Điều này đặt ra những vấn đề mà chúng ta phải nỗ lực phấn đấu hoàn thiện, thực hiện tốt hơn nữa và phải có những chuẩn mực. Trước hết, hoàn thiện xây dựng được những giá trị cao đẹp của con người Việt Nam và phát huy lên tầm cao mới như tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần tương thân tương ái, tinh thần đổi mới sáng tạo. Hay là những giá trị của quốc gia, đó là khát vọng về độc lập, hòa bình, thống nhất, phải được củng cố, nhất là trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay.
Và chỉ khi có những giá trị đó, chúng ta mới có điều kiện để xây dựng đất nước ta theo mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Và cũng chỉ khi đạt được những giá trị đó rồi, chúng ta mới phấn đấu như mong muốn của Bác Hồ, khát vọng của Đảng ta, đó là đem lại ấm no, hạnh phúc, bền vững cho nhân dân.
PV: Việc xác định được hệ giá trị vào thời điểm này có ý nghĩa như thế nào đối với chặng đường phát triển của đất nước trong thời gian tới, thưa ông?
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa: Chúng ta trở lại câu nói của Bác Hồ: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, "Văn hóa còn thì dân tộc còn” để thấy chúng ta đang đứng trong một thời kỳ mới. Do đó, dứt khoát chúng ta phải có một nền văn hóa đặc trưng của Việt Nam, truyền thống Việt Nam và nền văn hóa đó hội nhập quốc tế. Đây là những nền tảng, sức mạnh nội sinh mang tính quyết định để cho dân tộc trường tồn và phát triển, để đến giữa thế kỷ chúng ta đạt được mục tiêu là nước phát triển có thu nhập cao và hướng tới phồn vinh, hạnh phúc.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!/.