Cán bộ bị kỷ luật, uy tín giảm sút nên rời khỏi bộ máy

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/3/2023 | 9:38:04 AM

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân về dự thảo nghị định mới thay thế các nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Phóng viên Tiền Phong trao đổi với TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, về những vấn đề lớn được đưa ra.

TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Vi phạm do tư lợi, nên tinh giản trước tiên

- Điểm đáng chú ý tại dự thảo nghị định mới về tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ đề nghị bổ sung trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian bị kỷ luật ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo thì "tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế” và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý cho phù hợp. Ông thấy sao về phương án này?

Theo tôi, nên như thế. Tại sao? Tại vì khi đã bị kỷ luật, hình ảnh của anh trong cơ quan, đơn vị không còn nữa, uy tín bị giảm sút, không còn nguyên giá trị như trước đây nữa. Khi người ta đã xem xét đến mức độ kỷ luật, điều đó cho thấy trong quá trình làm việc, anh đã rất yếu kém rồi. Việc rời bỏ vị trí, tinh giản biên chế trong trường hợp này là cần thiết. Ngoại trừ trường hợp anh bị kỷ luật khi chịu trách nhiệm liên đới thì có thể xem xét. Còn các trường hợp bị kỷ luật do chính anh tạo ra thì nên về trước, nên tự nguyện tinh giản biên chế, đó là ưu tiên số 1.

Thứ hai, đối với những người không có chuyên môn, nghiệp vụ, lại không có năng lực thực tiễn cũng nên cho nghỉ, động viên người ta nghỉ. Bởi dù muốn làm gì đi chăng nữa, trước tiên anh phải có hiểu biết về chuyên môn, nghiệp vụ. Nếu không có, làm sao anh làm tốt được. Cạnh đó, cán bộ công chức, viên chức không tâm huyết, không có trách nhiệm với công việc, chỉ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” có khi lại làm cản trở sự phát triển của cơ quan đơn vị. Những trường hợp như vậy cũng cần phải tinh giản, tạo động lực cho cơ quan, đơn vị phát triển.

- Cũng có ý kiến băn khoăn vì không ít trường hợp năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có nhiều công lao đóng góp, nhưng cũng có thể mắc khuyết điểm, vi phạm dẫn đến bị kỷ luật. Nếu tinh giản biên chế trong trường hợp này cũng quả đáng tiếc, nhiều người lo ngại như vậy sẽ dẫn đến chảy máu chất xám?

Tôi cũng lo ngại về điều này. Chính vì vậy, trong từng trường hợp cụ thể, cần đánh giá một cách thận trọng, công tâm, khách quan để đưa ra quyết định cho phù hợp, nếu không sẽ dẫn đến tinh giản biên chế sai đối tượng. Thông thường, người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá cũng có thể sẽ mắc phải những khuyết điểm. Nhưng cần lưu ý rằng, với những vi phạm, khuyết điểm xảy ra do yếu tố khách quan, không vì lợi ích cá nhân, thì nên xem xét, tiếp tục giữ họ lại công tác. Không để "chảy máu chất xám” là ở những trường hợp như vậy.

Thế nhưng với những người có chức vụ, nếu vi phạm khuyết điểm dù rất nhỏ thôi, nhưng anh lại mang yếu tố vụ lợi, tư lợi cá nhân, làm hại đến lợi ích tập thể, lợi ích nhà nước, thì phải cho ra khỏi bộ máy. Cái đó không thể gọi là "chảy máu chất xám” được. Vào bộ máy, giữ chức vụ nào đó lại chỉ vào để dựa dẫm, tham nhũng vặt thì không phải là chất xám. Còn với những người có năng lực sáng tạo, nhưng vì lương không đủ sống mới phải làm thêm bên ngoài, đó không phải khuyết điểm gì, mà phải có cơ chế, tìm cách giữ chân họ.

Rồi những người thẳng thắn, dám đấu tranh vì quyền lợi tập thể, nhưng có khi đấu tranh lại thành tránh đâu. Những trường hợp như vậy cũng không nằm trong diện tinh giản biên chế. Có khi người ta làm đơn xin nghỉ, nhưng anh phải quyết tâm vận động để họ ở lại, vì họ là người tài thực sự. Bởi có thể người ta muốn nghỉ chỉ vì một lý do nào đó, chẳng hạn thấy ác cảm với cách điều hành của người đứng đầu.

Điều quan trọng khi tinh giản biên chế, cho nghỉ trước tuổi là phải công khai, minh bạch. Vai trò của người đứng đầu cũng như cấp uỷ, chính quyền, công đoàn cũng phải rất mạnh, trên cơ sở đánh giá một cách khách quan, công tâm.

2 phương án trợ cấp

- Điểm đáng lưu ý khác là hai phương án trợ cấp thêm cho các trường hợp tinh giản biên chế được Bộ Nội vụ đưa ra. Với mỗi tháng nghỉ trước, cán bộ, công chức được trợ cấp 1 tháng lương cơ sở hoặc 1/2 tháng lương hiện hưởng, ông ủng hộ phương án nào trong hai phương án trên?

Có hai vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Nếu trả được trợ cấp cao hơn cho người lao động theo phương án 2 sẽ rất tốt. Bởi như vậy sẽ khuyến khích được người ta tinh giản biên chế, nghỉ trước tuổi; điều đó cũng tạo cho người ta cơ hội kiếm việc làm, ổn định cuộc sống cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu và hưởng lương hưu theo chế độ. Đó là phương án rất tốt, nếu làm được sẽ rất hiệu quả.

- Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở chỗ nguồn lực ở đâu để thực hiện? Đó là một vấn đề. Điều này cũng được cơ quan soạn thảo, Bộ Nội vụ chỉ rõ. Chi trả mức cao hơn cho người lao động cũng đồng nghĩa với việc ngân sách chi trả lớn, vậy thì nguồn lực ở đâu để thực hiện?

Mặt khác, nếu đưa ra chủ trương tốt như vậy, nhưng lại cứ giao cho địa phương, nhưng địa phương lại không có nguồn lực thực hiện, hoặc nơi có, nơi không, dẫn đến mâu thuẫn, người lấy trước, người lấy sau, gây mất công bằng, bình đẳng. Do vậy, việc này cần phải thống nhất chủ trương lấy nguồn lực từ ngân sách trung ương, không để địa phương tự lo.

Bên cạnh đó, cũng phải quy định rõ trong vòng bao nhiêu ngày, ví dụ trong vòng 1 tháng có quyết định, phải trả đủ tiền cho tôi và phải lấy một lần. Tại sao? Vì như thế người ta mới có vốn liếng để tạo việc làm mới. Còn nếu cứ trả rải rác mỗi tháng 1,8 triệu đồng, hoặc nửa tháng lương hiện hưởng, thì người ta chỉ dùng vào chi phí ăn ở hằng ngày mà không làm được gì khác. Việc này phải tính toán phương án rất kỹ.

- Để chủ trương này thực sự mang lại hiệu quả, theo ông, điều quan trọng nhất ở đây là gì?

Điều quan trọng nhất, khi đã ra quyết định là phải có tiền, còn nếu không có tiền thì đừng làm. Đến an sinh xã hội, giao cho địa phương để chống dịch trước đây mà địa phương có, địa phương không, nơi trả được, nơi không. Đến bây giờ còn giải quyết chưa xong tồn tại. Đừng đưa ra một tuyên ngôn, nói thì rất hay, nhưng tổ chức thực hiện buộc phải có nguyên tắc. Tôi ủng hộ cả hai phương án ban soạn thảo đưa ra, nhưng phải giải quyết được điều căn cơ đó.

"Với những trường hợp khi vi phạm, có khuyết điểm do yếu tố khách quan, không vì lợi ích cá nhân, thì nên xem xét, tiếp tục giữ họ lại công tác. Còn với những người có chức vụ, nếu vi phạm khuyết điểm dù rất nhỏ thôi, nhưng lại có yếu tố vụ lợi, tư lợi cá nhân, làm hại đến lợi ích tập thể, lợi ích nhà nước, thì phải cho ra khỏi bộ máy”. TS. Bùi Sỹ Lợi 

Mặt khác, cũng phải giáo dục, tuyên truyền, vận động trong cán bộ, công chức, viên chức phải thấu rõ được mục tiêu, ý nghĩa của tinh giản biên chế, cải cách tiền lương. Bên cạnh đó, những người bị kỷ luật phải ưu tiên tinh giản trước như tôi vừa đề cập. Vì đã có khuyết điểm thì anh ở lại làm cái gì. Trong khi đó, người có năng lực, tận tâm với công việc có khi lại về, vì dòng chảy hiện nay đang có sự dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư.

Vấn đề quan trọng là tinh giản biên chế, giảm nhẹ bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo ra động lực phát triển. Muốn vậy, người có trí tuệ, có năng lực sáng tạo phải được giữ lại. Còn nếu giữ người kém, đẩy người tốt ra khỏi bộ máy sẽ để lại những hệ luỵ. Lâu nay tình trạng này xảy ra không ít. Do vậy, cần khắc phục cho được tình trạng không làm chuyển biến nhận thức, không tạo ra sự đồng thuận, không khách quan, minh bạch, công khai, dẫn đến mâu thuẫn, rồi có khi lại làm thụt lùi, mất đi ý nghĩa, mục tiêu của tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan, đơn vị.

- Cảm ơn ông!

Điều quan trọng khi tinh giản biên chế, cho nghỉ trước tuổi là phải công khai, minh bạch. Vai trò của người đứng đầu cũng như cấp uỷ, chính quyền, công đoàn cũng phải rất mạnh, trên cơ sở đánh giá một cách khách quan, công tâm.


(Theo TPO)

Các tin khác

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Văn Chấn/ Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, đối thoại với phụ nữ/ Khen thưởng 138 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2022/ Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy dự sinh hoạt chi bộ cơ sở tại huyện Trạm Tấu/ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh tham dự Ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc và Lễ hội Hoa ban tại Điện Biên/ Công an tỉnh Yên Bái bốc thăm ngẫu nhiên chọn cán bộ để xác minh tài sản, thu nhập… là những tin tức thời sự nổi bật trong tỉnh tuần qua.

Tiếp tục chương trình công tác tại huyện Trạm Tấu, chiều 12/3, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã dự sinh hoạt chi bộ thường kỳ tháng 3 tại thôn Tàng Ghênh, xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu.

Sáng 12/3, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia chương trình “Ngày cuối tuần cùng dân”, tham gia trồng 1,1 ha cây khoai sọ nương cùng người dân thôn Mù Thấp, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu.

Ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã thôi giữ trọng trách tại Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục