Thế nhưng, gần 3 năm sau, bằng sự nỗ lực của hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc trong xã, đến tháng 9-2021, Sơn Lương đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và tháng 10 cùng năm, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Có được kết quả đó, cho đến tận bây giờ, người dân trong xã vẫn truyền tai nhau về những đóng góp hết sức quan trọng của đồng chí Phạm Nguyên Bình, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lương.
Đồng chí Phạm Nguyên Bình là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Chấn lựa chọn, luân chuyển từ huyện về xã nhằm tăng cường năng lực lãnh đạo, quản lý cho cấp ủy, chính quyền cơ sở; đồng thời giúp cán bộ được tôi rèn, thử thách, tạo nguồn phát triển về sau.
Vào tháng 1-2019, khi đang giữ cương vị Phó chánh văn phòng Huyện ủy Văn Chấn, đồng chí Bình được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lương. Bấy giờ, sản phẩm cần đạt được mà Huyện ủy Văn Chấn "khoán" cho cán bộ này là trong 3 năm phải nỗ lực đưa Sơn Lương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, Ban Thường vụ Huyện ủy cam kết, khi anh Bình hoàn thành nhiệm vụ sẽ được xem xét, đề nghị bổ nhiệm giữ vị trí công tác cao hơn.
Nhận nhiệm vụ mới ở một địa bàn hết sức khó khăn, với nhiều đặc thù về dân tộc, văn hóa, tập quán... hơn nữa, thời điểm anh Bình nhận công tác còn có tác động khách quan là xã vừa hứng chịu đợt mưa lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Thế nhưng, vượt lên tất cả, Bí thư Đảng ủy Phạm Nguyên Bình đã cùng tập thể cấp ủy tìm đất tái định cư cho bà con; rà soát, di dời các hộ dân ở vùng nguy cơ cao đến nơi an toàn; tích cực khắc phục hậu quả mưa lũ, từng bước ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Nhờ tạo được sự đồng thuận, đoàn kết trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nên các chủ trương Đảng ủy xã Sơn Lương ban hành đều nhanh chóng đi vào thực tiễn, giúp diện mạo nông thôn mới trên địa bàn chuyển biến tích cực, rõ nét. Đến khi Sơn Lương đạt chuẩn nông thôn mới, cũng là lúc Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện lời hứa với cán bộ, thống nhất đề nghị với cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vị trí công tác cao hơn đối với đồng chí Phạm Nguyên Bình.
Câu chuyện nêu trên chỉ là một trong hàng trăm trường hợp cán bộ ở Yên Bái được luân chuyển về cơ sở đã phát huy được tinh thần trách nhiệm; thể hiện rõ sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, góp phần lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng địa bàn nơi đến công tác ngày càng giàu đẹp, phát triển. Đây chính là kết quả của việc nhất quán chủ trương "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái, được triển khai từ năm 2018 đến nay.
Theo đó, khi triển khai một chủ trương, một nhiệm vụ, mặt công tác trọng yếu, nhất là nhiệm vụ khó và mới, cấp ủy đảng sẽ tổ chức giao nhiệm vụ cho cá nhân thực hiện. Để tiện cho công tác đánh giá kết quả, cấp ủy, tổ chức đảng lượng hóa nhiệm vụ thành các sản phẩm cụ thể bắt buộc cán bộ phải hoàn thành trong một khoảng thời gian xác định.
Theo lãnh đạo tỉnh Yên Bái, tổ chức đảng không làm thay chính quyền, đoàn thể, nhưng việc giao nhiệm vụ của cấp ủy đảng cấp trên đối với tổ chức đảng cấp dưới và cán bộ, đảng viên là phần việc cần được thực hiện đồng bộ, rộng khắp. Cách làm này vừa giúp cán bộ, đảng viên phát huy tốt năng lực, sở trường công tác, cống hiến; vừa tạo ra các sản phẩm cụ thể, giúp đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên thực chất, sát, trúng.
(Theo Quân đội nhân dân)