Các lãnh đạo đánh giá tình hình quốc tế và khu vực diễn biến ngày càng phức tạp, tác động mạnh đến môi trường an ninh, phát triển, đặt ra cho ASEAN nhiều vấn đề phải xử lý. Hơn bao giờ hết, đoàn kết, tự cường và tự chủ chiến lược của ASEAN cần được giữ vững và phát huy trong bối cảnh hiện nay. Đây là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công, vai trò, uy tín và vị thế của ASEAN.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên họp hẹp Hội nghị cấp cao ASEAN 42.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của ngày càng nhiều vấn đề mang tính đa diện, xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, tội phạm mạng, mua bán người, tội phạm xuyên quốc gia đòi hỏi nỗ lực và phối hợp hành động của tất cả các nước. Các lãnh đạo nhất trí triển khai hiệu quả và thực chất các khuôn khổ hợp tác cả nội khối và với các đối tác, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nâng cao năng lực cho ASEAN trong ứng phó các thách thức.
Bàn về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các nước hoan nghênh những tiến triển mới, nhất trí tổ chức hoạt động cấp cao giữa ASEAN với một số đối tác nhằm đưa hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu và thiết thực. Các lãnh đạo cũng nhất trí củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN thông qua thúc đẩy hợp tác và đối thoại, nâng cao hiệu quả các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Các nước khuyến khích các đối tác tham gia xây dựng và đóng góp trách nhiệm cho hợp tác khu vực, hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng và cùng giải quyết các thách thức chung.
Trao đổi sâu rộng các vấn đề quốc tế, khu vực, lãnh đạo các nước tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông, thúc đẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; ủng hộ phát huy vai trò của ASEAN trong hỗ trợ Myanmar, thúc đẩy thực hiện hiệu quả Đồng thuận 5 điểm; chia sẻ quan ngại về hệ lụy của xung đột Nga-Ukraine, nhấn mạnh tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ sau hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, chưa bao giờ ASEAN ở vị thế tốt cũng như phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. ASEAN vừa là tâm điểm của hàng loạt sáng kiến liên kết và kết nối khu vực, đồng thời cũng là trọng điểm trong cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu đặt ra cho ASEAN là thích ứng năng động và tăng cường sức mạnh tự thân để khẳng định giá trị chiến lược. ASEAN cần củng cố đoàn kết và thống nhất, nêu cao tinh thần độc lập, tự lực, tự cường, phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm, giữ vững cân bằng chiến lược trong quan hệ với các Đối tác, tạo dựng và thúc đẩy văn hoá đối thoại, hợp tác tham vấn, xây dựng lòng tin.
ASEAN cần giữ vững lập trường nguyên tắc trong các vấn đề liên quan trực tiếp đến môi trường an ninh phát triển nêu trong các văn kiện nền tảng như Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), đặc biệt là giương cao ngọn cờ thượng tôn luật pháp quốc tế…
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ nhận định chung về thực trạng cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt, khẳng định lại điều quan trọng nhất là các nước thành viên ASEAN cần đoàn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm, tinh thần tập thể vì mục tiêu chung, hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích của hiệp hội.
Tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, Thủ tướng
Phạm Minh Chính nhấn mạnh bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm của tất cả các nước.
Thủ tướng đề nghị ASEAN, dù khó khăn, cần kiên định với mục tiêu hỗ trợ Myanmar thực hiện đầy đủ "Đồng thuận 5 điểm” vì người dân Myanmar, vì đoàn kết, uy tín và hình ảnh của ASEAN và vì sự kỳ vọng của cộng đồng quốc tế; ủng hộ Chủ tịch Indonesia và Đặc phái viên phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt ASEAN thực hiện mục tiêu trên. ASEAN cần duy trì cách tiếp cận khách quan, cân bằng, trách nhiệm trong vấn đề Nga-Ukraine, phối hợp với các đối tác, giảm thiểu tác động của xung đột với khu vực, cùng đóng góp cho hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Phiên họp sáng 11/5 đã khép lại chương trình hoạt động của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42. Ngay sau hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng Đoàn đại biểu Việt Nam rời Labuan Bajo về nước, kết thúc thành công chuyến công tác tại Indonesia.