Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) đề nghị giữ nguyên mô hình trung tâm y tế huyện là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc sở y tế

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/5/2023 | 12:46:45 PM

YênBái - Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) đề nghị giữ nguyên mô hình trung tâm y tế huyện là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc sở y tế như hiện nay, không giao UBND cấp huyện trực tiếp quản lý trung tâm y tế huyện.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu thảo luận tại hội trường.


Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 29/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận đã tham gia thảo luận.

Đại biểu bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. 

Đại biểu cho rằng, báo cáo đã đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được, chỉ ra được những khó khăn, tồn tại, vướng mắc; phân tích kỹ các nguyên nhân, rút ra được những bài học kinh nghiệm trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng như việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trong thời gian qua; đồng thời đã có những đề xuất, kiến nghị, giải pháp căn cơ, bài bản, toàn diện tới Quốc hội, Chính phủ, bộ, ban, ngành và các địa phương.

Tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Quốc Luận cho biết: Tại Khoản 9 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết có ghi: "Thực hiện việc giao UBND cấp huyện trực tiếp quản lý trung tâm y tế huyện, đồng thời phát huy vai trò và trách nhiệm quản lý chuyên môn của ngành y tế”. 

Đại biểu Luận đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét lại quy định này vì các lý do sau:

Thứ nhất, thực tế thời gian qua cho thấy, việc thực hiện quy định trung tâm y tế huyện là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc sở y tế được đa số tỉnh áp dụng (theo báo cáo của Đoàn giám sát có 60/63 tỉnh, thành phố đang áp dụng) và được đánh giá là mô hình có hiệu quả, thuận lợi trong quản lý hệ thống, chỉ đạo xuyên suốt theo ngành dọc. 

Thứ hai, có sự linh hoạt trong điều phối nhân lực, nguồn lực giữa các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, giữa tuyến tỉnh với tuyến huyện, giữa huyện nọ với huyện kia, giải quyết kịp thời các nhiệm vụ cấp bách, nhờ đó mà đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng chống dịch, đảm bảo hiệu quả trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; 

Thứ ba, thuận lợi trong việc thực hiện luân phiên, luân chuyển cán bộ chuyên môn y tế từ tỉnh đến huyện; thuận lợi và thống nhất trong đào tạo, chuyển giao kỹ thuật giữa  tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến xã nhằm nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở; thống nhất được việc triển khai các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế trên toàn tỉnh. 

Thứ tư, có sự đồng nhất về chủng loại trang thiết bị y tế được đầu tư, Sở Y tế có thể thực hiện dễ dàng việc điều chuyển trang thiết bị giữa các đơn vị, giữa các huyện phù hợp với khả năng, nhu cầu sử dụng cũng như phân tuyến kỹ thuật của mỗi đơn vị ở từng giai đoạn khác nhau, tránh lãng phí nguồn lực. 

Thứ năm, công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong cả nước, trong đó chuyển đổi số y tế cũng đang được quan tâm, triển khai, việc ứng dụng công nghệ thông tin để người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận thuận lợi hơn với các dịch vụ y tế chất lượng cao là một trong những ưu tiên của chuyển đổi số y tế, như: khám chữa bệnh, hội chẩn từ xa, sổ sức khỏe điện tử…, cần có sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành để đảm bảo liên thông, hệ thống dữ liệu, do vậy, chỉ có thể là thống nhất mô hình quản lý theo ngành dọc mới đảm bảo được các điều kiện nêu trên.

Thứ sáu, nếu thực hiện giao UBND huyện quản lý trung tâm y tế huyện sẽ  khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước, việc chỉ đạo về chuyên môn sẽ không sát sao, thuận lợi như khi trung tâm y tế trực thuộc sở y tế; khó khăn trong điều động, luân chuyển nhân sự y tế và đội ngũ lãnh đạo, quản lý giữa các trung tâm y tế; khó khăn trong điều phối, huy động nguồn lực giữa các huyện khi giải quyết nhiệm vụ cấp bách, không điều tiết được trang thiết bị, vật tư, hóa chất, đặc biệt là khi cần thiết phải dự phòng để đáp ứng nhiệm vụ đột xuất, cấp bách.

Đại biểu nêu ví dụ, việc mua hóa chất dự phòng cho công tác phòng dịch thì chỉ mua dự phòng một phần, vì dự phòng chung cho toàn tỉnh. Nếu đơn vị trung tâm y tế thuộc UBND huyện thì đơn vị nào cũng phải dự phòng và có nơi không sử dụng đến hoặc dự phòng thiếu, trong khi đó, việc điều tiết giữa các đơn vị cực kỳ khó khăn vì ở 2 địa bàn khác nhau, 2 đơn vị quản lý hành chính khác nhau nhưng nếu trực thuộc sở y tế thì việc điều tiết sẽ rất thuận lợi…. 

Mặt khác, việc đầu tư nguồn lực giữa các trung tâm y tế huyện không đồng nhất giữa huyện có điều kiện và huyện không có điều kiện, dẫn đến việc mất công bằng cho người dân trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, việc đấu thầu mua sắm tập trung trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm, kít test (mà sở y tế là chủ đầu tư) để phân bổ cho các trung tâm y tế cũng gặp nhiều khó khăn so với mô hình hiện nay.

Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi nội dung này trong dự thảo Nghị quyết theo hướng giữ nguyên mô hình trung tâm y tế huyện là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc sở y tế như hiện nay, không giao UBND cấp huyện trực tiếp quản lý trung tâm y tế huyện như trong dự thảo Nghị quyết. 

"Trường hợp cần thống nhất mô hình tổ chức trong cả nước, tôi đề nghị quy định trong Nghị quyết theo hướng Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo sắp xếp, tổ chức thống nhất mô hình ngành y tế tại địa phương trong phạm vi cả nước, để đảm bảo phù hợp về thẩm quyền theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ” - đại biểu Luận nêu ý kiến.

Hoàng Sâm - Minh Quang (lược ghi)

Tags Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận mô hình trung tâm y tế sự nghiệp y tế công lập trực thuộc thảo luận kỳ họp thứ 5

Các tin khác
Quốc hội sẽ dành cả ngày thảo luận về nội dung giám sát.

Lương không đủ sống, tăng giá điện, cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, 1 triệu tỷ đồng tồn trong ngân quỹ… là những vấn đề nổi bật, được các đại biểu Quốc hội quan tâm, phản ánh.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An.

“Quốc hội nghiên cứu sửa Nghị quyết 85/2014/QH13 để có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa, kỹ lưỡng, chặt chẽ cho công tác lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và HĐND”.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại Hội nghị nghe báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm định Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: T.L)

Quy hoạch tỉnh Yên Bái đã xác định hình thành 2 trung tâm động lực tăng trưởng, 3 vùng kinh tế, 4 trụ cột tăng trưởng, 6 trục liên kết động lực và 12 ý tưởng đột phá.

Ông Đoàn Xuân Quý (thứ 3, từ trái sang) - Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.

Đảng bộ xã An Thịnh sẽ tăng cường chỉ đạo đôn đốc UBND xã, Ủy ban MTTQ xã, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, các chi bộ thôn tích cực định hướng, theo dõi, giúp đỡ các mô hình, gương ĐHTT hoạt động đạt hiệu quả cao hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục