Phát biểu của Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Đức Duy tại Lễ tuyên dương các mô hình, điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2023

  • Cập nhật: Thứ bảy, 23/9/2023 | 12:41:50 PM

YênBái - Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2023), sáng 23/9, Tỉnh ủy Yên Bái long trọng tổ chức Lễ tuyên dương các mô hình, điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2023. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu bài phát biểu của đồng chí Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Đức Duy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tại Lễ tuyên dương!

Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Đức Duy phát biểu tại Lễ tuyên dương.
Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Đức Duy phát biểu tại Lễ tuyên dương.

Kính thưa đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam,
Kính thưa các Đ/c Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy Ban Thường vụ Quốc hội; các Đ/c đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban  Trung ương MTTQ Việt Nam.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ,
Thưa toàn thể các quý vị, đại biểu!

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đang hăng hái thi đua lập thành tích và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958-25/9/2023); hôm nay, Tỉnh ủy Yên Bái trọng thể tổ chức Lễ tuyên dương các mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2023. 

Trước hết, thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cùng toàn thể các vị đại biểu, khách quý và đại diện 65 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tuyên dương, khen thưởng đã tới dự buổi Lễ trọng thể này. Kính chúc đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, các vị đại biểu, khách quý và toàn thể các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý, thưa toàn thể các đồng chí!

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta di sản vô cùng quý giá, đó là thời đại Hồ Chí Minh; là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của Người mãi mãi là kim chỉ nam, là ánh sáng soi đường, chỉ lối cho Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta vững bước trên con đường đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trong suốt chặng đường đấu tranh cách mạng, thực hiện lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh cách mạng; năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Tỉnh Yên Bái rất vinh dự và tự hào khi được Bác nhiều lần gửi thư khen ngợi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Yên Bái vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác và chiến đấu. Đặc biệt, trong các ngày 24 và 25/9/1958, Bác đã về thăm Yên Bái, trực tiếp nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh nhà tại sân vận động thị xã Yên Bái (nay là Khu di tích lịch sử Quốc gia Lễ đài sân vận động thành phố Yên Bái). Đây là một sự kiện trọng đại, một kỷ niệm thiêng liêng, mãi mãi khắc ghi trong tâm trí, tình cảm của mỗi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. 

 
Với tình cảm đặc biệt, sự quan tâm sâu sắc, Bác đã căn dặn đồng bào phải đoàn kết, tích cực tăng gia sản xuất, thâm canh tăng vụ, thực hành tiết kiệm, thực hiện đời sống văn hóa mới. Lời Người thật giản dị, gần gũi, sinh động và dễ hiểu: Khi nêu ý nghĩa của vấn đề đoàn kết, Bác nói: "10 dân tộc tỉnh nhà như mười ngón tay, nếu xòe 10 ngón tay, như thế có dễ bẻ không? Nếu nắm chặt cả 10 ngón tay thì có bẻ được không?”.

Tiếp đến, Bác nhấn mạnh và chỉ rõ: "Đã gọi là đoàn kết thì phải biết giúp đỡ nhau như anh em một nhà. Dân tộc nhiều người phải giúp đỡ dân tộc ít người, dân tộc ít người cần cố gắng làm ruộng. Dân tộc đông người không phải giúp qua loa, cũng như dân tộc ít người không nên ngồi chờ giúp...”.

Bác còn ân cần phân tích, giảng giải, căn dặn đồng bào phải biết thực hành tiết kiệm và thực hiện đời sống văn hóa mới; Người chỉ rõ những mặt chưa tốt, chưa tiết kiệm của đồng bào; nhắc nhở đồng bào phải quyết tâm từ bỏ những hủ tục lạc hậu để cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa mới thì cuộc sống mới khá hơn, tiến bộ hơn.

Suốt 65 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Yên Bái luôn khắc ghi và kiên định thực hiện lời dạy của Bác; nhất là hơn 35 năm cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh đã bám sát và vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tư tưởng của Bác vào điều kiện thực tiễn địa phương; tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, sự chia sẻ, đồng hành của các tỉnh bạn, đoàn kết một lòng, đồng tâm, hiệp lực, khơi dậy tiềm năng, phát huy nội lực, kết hợp với huy động các nguồn lực để xây dựng và phát triển tỉnh nhà, hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh khá trong Vùng Trung du và miền núi phía Bắc như lời căn dặn của Người.

Bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, Yên Bái xác định triết lý phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, quyết tâm trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng vào năm 2030. 

Được cụ thể hóa thành 3 đột phá chiến lược, 7 nhiệm vụ trọng tâm, 19 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều được xây dựng ở mức phấn đấu cao, thuộc vào nhóm các tỉnh khá của vùng. 


Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Đức Duy trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021 - 2023.

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh; với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, cùng với tinh thần đoàn kết, năng động, chủ động, đổi mới sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực và khá toàn diện. Dự ước có 18/19 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết, còn 1/19 chỉ tiêu cần nỗ lực phấn đấu để đạt mục tiêu. 

Đặc biệt, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đều thuộc nhóm các tỉnh khá trong vùng, có những chỉ tiêu thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu trong vùng và cả nước. Mục tiêu trở thành tỉnh khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc đang từng bước được hiện thực hóa.

Kính thưa các vị đại biểu, khách quý, thưa toàn thể các đồng chí!

Học tập và làm theo Bác đã trở thành công việc thường xuyên, hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là nhu cầu tự thân, góp phần tạo dấu ấn rõ nét về thực hiện văn hóa, đạo đức trong Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh. 

Thực hiện lời dạy của Người về bài học "lấy dân là gốc”, cán bộ cần "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”, những năm vừa qua, hàng ngàn cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh đã dành ngày cuối tuần để tham gia lao động sản xuất cùng dân, dự sinh hoạt chi bộ ở cơ sở, sâu sát sát với thực tiễn, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân. Các phong trào thi đua học tập, làm theo Bác như: Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp; Chủ nhật xanh; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Xây dựng cộng đồng dân cư hạnh phúc, Trường học hạnh phúc… được lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh. 

Từ thực tiễn đó, ngay từ năm đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch về xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, xác định rõ các tiêu chí để xây dựng 10 loại hình mô hình tập thể, 03 loại hình mô hình cá nhân toàn diện, đa dạng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thực hiện Kế hoạch của Ban Thưởng vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đã quan tâm chỉ đạo sát sao việc rà soát, lựa chọn, đăng ký xây dựng mô hình và hướng dẫn, giúp đỡ các tập thể, cá nhân được lựa chọn phấn đấu trở thành điển hình tiên tiến. Nhiều đơn vị, địa phương đã có cách làm sáng tạo, xây dựng thêm các tiêu chí, các loại hình mô hình, điển hình độc đáo gắn với thực tiễn đơn vị, địa phương mình. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 7.800 tập thể, cá nhân (gồm 3.912 tập thể, 3.897 cá nhân) đăng ký xây dựng điển hình tiên tiến học tập và làm theo Bác, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2015-2020. 

Ghi nhận từ hàng ngàn tập thể, cá nhân tiêu biểu, có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong học tập và làm theo Bác, hơn 2 năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã lựa chọn trên 460 tập thể, gần 600 cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trên các lĩnh vực để kịp thời biểu dương, khen thưởng. Trong đó, có 5 tập thể, 7 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen.

Tại lễ tuyên dương trọng thể hôm nay, từ đề xuất của cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lựa chọn, suy tôn 65 tập thể và cá nhân xuất sắc, tiêu biểu trong giai đoạn 2021-2023. Đây là những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trên mọi mặt của đời sống xã hội: từ vùng thấp đến vùng cao, từ thành thị đến nông thôn; từ các cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị cho đến cộng đồng dân cư, doanh nghiệp; với những việc làm hết sức bình dị, đời thường nhưng cũng rất thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả và lan tỏa sâu rộng; thể hiện tinh thần, ý thức học tập, làm theo lời Bác từ những việc làm giản dị nhất.

Đó là mô hình thôn người Mông đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của Chi bộ thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên; mô hình tiêu biểu trong phong trào xây dựng cộng đồng dân cư hạnh phúc của Đảng bộ xã Nghĩa Lộ; mô hình giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc của Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc thị xã Nghĩa Lộ; mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng của Thôn Yên Dũng, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên và Chi bộ thôn Làng Cò, xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn… 

Đó là những cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sơ sở, tận tâm với công việc, có nhiều sáng kiến, "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm” và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; là những lương y, thầy thuốc với mô hình "Thầy thuốc tận tâm, bệnh nhân hạnh phúc”; là những chiến sĩ quân đội, công an ngày đêm tận tâm cống hiến vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Đó cũng là những bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, tổ dân phố luôn sâu sát cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân, có hơn 15 năm cống hiến cho cộng đồng như chị Đào Thị Chiến - Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố số 4, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái; chị Trần Thị Ngọc Lan - Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận Chi bộ 2, Đảng bộ thị trấn Trạm Tấu; hay Bí thư Chi bộ Hờ A Trừ, sinh năm 1992, vào đảng từ năm 20 tuổi và đã có 6 năm là vị Bí thư chi bộ ở thôn vùng cao đặc biệt khó khăn thuộc xã xa nhất của huyện Văn Chấn.

Đó còn là những thầy, cô giáo là hạt nhân của phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt”, hết lòng vì học sinh thân yêu, điển hình như cô giáo Hoàng Thị Vỵ - thôn Ngòi Khang, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, dù đã được nghỉ hưu nhưng vẫn miệt mài đóng góp cho sự nghiệp giáo dục với việc dạy dỗ và chăm sóc tự nguyện, miễn phí cho các trẻ em khuyết tật. Là những nghệ nhân ngày đêm trăn trở, tâm huyết với việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, khôi phục nét văn hóa truyền thống bị mai một, thất truyền như chị Hà Thị Thanh Tịnh, Hội viên Hội người cao tuổi xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên; anh Vàng A Lâu - bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải.

Chúng ta cũng không thể không kể đến những phụ nữ "Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; những người nông dân nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu; những hộ gia đình dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng sẵn sàng hiến đất đai, ruộng, vườn cùng vật kiến trúc có giá trị để xây dựng nông thôn mới; những công nhân không ngừng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; những đồng bào công giáo đoàn kết, gắn bó lương - giáo, sống "tốt đời, đẹp đạo”, tích cực đóng góp xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh…

 Bên cạnh những tập thể, cá nhân được tôn vinh tại buổi lễ hôm nay, còn có rất nhiều tấm gương điển hình, tiên tiến, tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực, ở khắp các địa bàn, khu vực, thuộc mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh mà chúng ta luôn trân trọng, ghi nhận và biểu dương.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tôi trân trọng ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương thành tích đầy tự hào của các tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh toàn tỉnh, đặc biệt là đại diện 65 tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến vinh dự có mặt trong Lễ tuyên dương hôm nay; Xin nhiệt liệt chúc mừng toàn thể quý vị và các đồng chí! 

Kính thưa các vị đại biểu, khách quý, thưa toàn thể các đồng chí!

Thấm nhuần lời dạy của Bác: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn trăm bài diễn văn tuyên truyền”; lấy điển hình để tuyên truyền, giáo dục và nhân lên nhiều điển hình mới là một nội dung quan trọng để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị. 

Tôi tin tưởng rằng, 65 mô hình, điển hình tiên tiến được tuyên dương hôm nay sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, không ngừng vươn lên, cống hiến nhiều hơn nữa, đạt những thành tích cao hơn nữa; xứng đáng là tấm gương sáng, là hạt nhân dẫn dắt, lan tỏa mạnh mẽ, nhân rộng thêm nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng, hiệu quả trong toàn Đảng bộ và trong xã hội. 

Nhân dịp này, tôi đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đưa việc học tập và làm theo Bác ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả; để tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người luôn là nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội; để việc học tập, làm theo Bác luôn là nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Kính thưa các vị đại biểu, thưa toàn thể đồng chí!

Tự hào với những thành quả của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã đạt được sau 65 năm làm theo lời Bác, cùng với việc phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển; chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng, không ngừng đổi mới sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, hiện thực hóa ước nguyện của Bác Hồ Kính yêu, cùng cả nước vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.

Một lần nữa, kính chúc đồng chí Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, các quý vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!

Các tin khác

Tại Lễ tuyên dương các mô hình, điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2023, đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã có bài phát biểu quan trọng với cán bộ, đảng viên và nhân dân về đẩy mạnh học tập và làm theo Bác. Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu!

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2023), sáng nay - 23/9, Tỉnh ủy Yên Bái đã long trọng tổ chức Lễ tuyên dương các mô hình, điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2023.

Ngày 23/9, Đoàn công tác của Quốc hội do đồng chí Tòng Thị Phóng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm trưởng đoàn đã đến đã dâng hương Bác tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ và đặt vòng hoa, dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ đang an nghỉ tại Khu Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia Căng - Đồn Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ.

Nhân dân Nam Bộ nổi dậy kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh tư liệu

Cuộc chiến đấu của quân và dân Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai (1945-1954), thể hiện quyết tâm bảo vệ chính quyền và nền độc lập mới giành được; đồng thời để lại nhiều kinh nghiệm quý, trong đó nổi bật là nghệ thuật tổ chức, sử dụng và phát huy sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang tại chỗ ngay từ những ngày đầu kháng chiến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục