Tròn 2 tháng khi cơn bão số 3 (Yagi) đi qua, dẫu vẫn còn bộn bề bao việc phải làm, phải lo song cấp ủy, chính quyền và mỗi người dân xã Nga Quán, huyện Trấn Yên lại càng thêm tin tưởng, quyết tâm sớm phục hồi kinh tế - xã hội, ổn định đời sống và sản xuất, đảm bảo an sinh. Đồng hành cùng địa phương và người dân là sự quan tâm của tỉnh, của huyện cùng các chính sách hỗ trợ toàn diện, kịp thời, nhất là sự chung tay góp sức của cộng đồng, các tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cũng như kiều bào ta ở nước ngoài.
Bão số 3 để lại cho Nga Quán hậu quả nặng nề: 1 công trình thủy lợi cùng hệ thống đê bị sạt lở, hư hỏng nặng; hệ thống giao thông bị ách tắc, cô lập do sạt lở đất ở nhiều điểm; trên 130 ha lúa, hoa màu bị mất trắng; 16 hộ bị thiệt hại nặng về nhà ở trị giá 6 tỷ đồng; 350 hộ có nhà ở bị ngập và mất tài sản, ước thiệt hại 25 tỷ đồng, 47 hộ bị sạt lở taluy; tổng thiệt hại gần 80 tỷ đồng. Hồng Thái - thôn cuối của xã và cũng là thôn úng trũng có 136 hộ thì gần 70 hộ bị ngập và sạt lở đất.
Bà Nguyễn Thị Hằng - Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Khó khăn hơn nhiều thôn khác bởi địa bàn Hồng Thái bị cô lập. Những ngày bão lũ, do sạt lở đất, gần 1 km đường liên xã Nga Quán - Cường Thịnh bị vùi lấp 2 điểm đầu thôn và cuối thôn khiến hoạt động cứu trợ của thôn rất khó khăn, chủ yếu phải đi bộ vượt đồi sang xã Minh Quán để tiếp nhận nhu yếu phẩm. Công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ đến giờ vẫn còn rất vất vả do hệ thống đường giao thông bị ảnh hưởng nặng; đê vỡ, địa bàn thôn thuộc vùng trũng bị bồi lấp, ngập úng nên khó khôi phục sản xuất ngay trong một sớm một chiều.
Điều khiến cán bộ, đảng viên chúng tôi quyết tâm hơn, trách nhiệm hơn và nhân dân phấn khởi, yên lòng là sự quan tâm, luôn sát cánh cùng nhân dân của cấp ủy, chính quyền địa phương. Chúng tôi rất cảm động vì trong những ngày cô lập ấy, đích thân đồng chí Chủ tịch UBND huyện Trần Ngọc Thư đã vượt đồi vào từng khu dân cư của thôn nắm bắt tình hình, động viên bà con cùng với sự hỗ trợ kịp thời, vô điều kiện của những đoàn thiện nguyện, tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm ở mọi miền Tổ quốc.
Bà Phùng Thị Đức, 80 tuổi ở thôn Hồng Thái là 1 trong 5 hộ có nhà ở bị hư hỏng nặng được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh với mức 30 triệu đồng/hộ. Nhà bà cũng là một trong những hộ người cao tuổi được chính quyền xã ưu tiên tập trung nhân lực hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai ngay trong đợt đầu.
Trong ngôi nhà đã được xây sửa lại, an toàn hơn với bức tường chắn phía sau nhà khá kiên cố, độ cao taluy cũng đã được hạ thấp, bà Đức xúc động: "Trong khó khăn hoạn nạn, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ quý giá và kịp thời nhất từ chính quyền các cấp và sự sẻ chia "tương thân, tương ái” của cộng đồng. Điều đó càng khiến chúng tôi thêm tin tưởng vào Đảng của Bác Hồ và hạnh phúc được là người Việt Nam. Còn khỏe mạnh, tôi còn tham gia đóng góp cho công tác của người cao tuổi ở thôn, xã”.
Chủ tịch UBND xã Nga Quán Phạm Thăng Long khẳng định: "Nga Quán vẫn còn rất nhiều việc phải làm sau bão lũ để đảm bảo an sinh cho nhân dân, nhất là phục hồi kinh tế - xã hội địa phương. Bằng nhiều nguồn lực và mọi phương tiện được huy động, đến thời điểm này, xã đã khắc phục được khoảng 80% hậu quả của thiên tai, đời sống nhân dân cơ bản ổn định”.
Khôi phục sản xuất nông nghiệp trên địa bàn là việc cần kíp nhưng phải có tính chiến lược. Xã đã làm việc với Công ty TNHH Tân Phú để tìm giải pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp do hệ thống kênh mương bị bồi lấp với lượng bùn, phù sa dày từ 0,8 - 1 mét, cao hơn mặt ruộng, không thể dẫn nước tưới tiêu và khả năng cao phải tính đến giải pháp nâng mương. Trong chăn nuôi và thuỷ sản, rất cần huyện xem xét phương án hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại sớm để người dân nhanh phục hồi phát triển kinh tế.
Nhìn lại công tác khắc phục hậu quả thiên tai, tính đến 20/10/2024, Nga Quán đã nhận được nguồn lực cứu trợ từ các cấp, các nhà hảo tâm là 2,8 tỷ đồng tiền mặt, 47 tấn gạo, 51 tấn hàng hóa nhu yếu phẩm. Thật ấm lòng khi địa phương vẫn đang tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ để sớm phục hồi kinh tế - xã hội. Công tác an sinh xã hội ở Nga Quán cũng có thể coi là điểm sáng bởi cách làm năng động, linh hoạt của địa phương và còn bởi chính quyền đồng tâm, lòng dân đồng thuận.
Hiện nay, nhân dân xã Nga Quán tích cực gieo trồng ngô và các loại cây rau màu đợt 2 vì đợt 1 hỏng hoàn toàn do đợt lụt lần 2 ngay sau bão số 3. Nguồn giống huyện hỗ trợ và xã kêu gọi được từ nguồn xã hội đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho nhân dân khôi phục sản xuất.
|
Minh Thúy