Việt Nam kêu gọi các nước tuân thủ đầy đủ chuẩn mực theo Công ước UNCLOS

  • Cập nhật: Thứ bảy, 14/12/2024 | 8:56:36 AM

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79, Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực và nghĩa vụ pháp lý theo UNCLOS.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại phiên thảo luận.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại phiên thảo luận.

Trong các ngày 10-12/12 (giờ địa phương), tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 đã tổ chức phiên thảo luận toàn thể thường niên về đại dương và luật biển, đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) có hiệu lực với sự tham dự của đông đảo đại diện các quốc gia thành viên Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế, khu vực.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định UNCLOS - "Hiến pháp của Đại dương” - là thành tựu quan trọng và có tác động lớn nhất của quá trình pháp điển hóa luật pháp quốc tế hiện đại, tạo thành khung pháp lý toàn diện quy định quyền và nghĩa vụ của mọi quốc gia trong các hoạt động sử dụng biển, quản lý các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; cung cấp hệ quy phạm đầy đủ để các nước tiến hành phân định các vùng biển, xác định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và triển khai hoạt động tại các vùng biển, đồng thời giải quyết những tranh chấp, khác biệt trong giải thích và áp dụng Công ước.

Để đối phó với những thách thức mới, đa chiều hiện nay trong quản trị biển và đại dương, Đại sứ Đặng Hoàng Giang kêu gọi các nước tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận đa phương, củng cố hơn nữa vai trò của các cơ chế quốc tế và khu vực trong lĩnh vực này, đẩy mạnh xây dựng và thông qua các văn bản thực thi mới nhằm thúc đẩy tuân thủ UNCLOS trong từng lĩnh vực hợp tác biển cụ thể.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực và nghĩa vụ pháp lý theo Công ước; hành động của từng quốc gia, trong đó có việc đưa ra các yêu sách biển, triển khai các hoạt động trên biển và hợp tác quốc tế về biển phải phù hợp với UNCLOS.

Đồng thời, Đại sứ Đặng Hoàng Giang bày tỏ mong muốn các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, đưa ra cam kết và hành động mạnh mẽ hơn, dành thêm nguồn lực và thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển nhằm hướng tới thực hiện đầy đủ các tiêu chí của Mục tiêu Phát triển Bền vững 14 (SDG 14) vào năm 2030.

Năm 2024 cũng đánh dấu chặng đường tròn 30 năm kể từ ngày Việt Nam phê chuẩn và bước vào thực thi UNCLOS.

Trong 3 thập kỷ qua, với tư cách là một quốc gia thành viên tích cực và có trách nhiệm của Công ước, Việt Nam đã đạt những thành tự đáng kể trong quá trình thực thi UNCLOS như ban hành luật pháp quốc gia, hoàn thành phân định biển với hầu hết các nước và quản lý tài nguyên biển phù hợp với các quy định của UNCLOS.

Việt Nam đồng sáng lập Nhóm bạn bè của UNCLOS tại Liên hợp quốc với gần 120 quốc gia thành viên và đã tích cực điều phối các hoạt động thúc đẩy tuân thủ và bảo vệ tính toàn vẹn của UNCLOS.

Việt Nam cũng tham gia thích cực vào các thủ tục xin ý kiến tư vấn Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) và Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) về nghĩa vụ quốc gia trong vấn đề biến đổi khí hậu theo luật pháp quốc tế và UNCLOS, đồng thời giới thiệu ứng cử viên vào vị trí Thẩm phán ITLOS nhiệm kỳ 2026-2035 với mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc thúc đẩy thực thi Công ước trên phạm vi toàn cầu.

Việt Nam luôn coi trọng các hoạt động kinh tế biển trong chiến lược bảo đảm tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước, cũng như cam kết sẽ tích cực tham gia chuẩn bị và có đóng góp thực chất tại Hội nghị Đại dương lần thứ 3 của Liên hợp quốc về thực hiện SDG 14 năm 2025.

Về tình hình Biển Đông, Đại sứ Đặng Hoàng Giang bày tỏ quan ngại về việc nhiều hoạt động, vụ việc căng thẳng trên thực địa gần đây ở Biển Đông làm ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh khu vực, đi ngược lại các quy định của UNCLOS.

Nhấn mạnh lập trường nguyên tắc của Việt Nam ủng hộ giải quyết mọi tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đề nghị các quốc gia liên quan thực hiện đầy đủ và thiện chí các nghĩa vụ theo UNCLOS, thực hiện đầy đủ và hiệu quả nội dung Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thực hiện kiềm chế, xây dựng lòng tin, giải quyết hoà bình các tranh chấp, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý.

Việt Nam luôn tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển trong việc ban hành nội luật về biển phù hợp với UNCLOS, đồng thời yêu cầu tôn trọng chủ quyền và các quyền hợp pháp của các quốc gia ven biển khác.

Việt Nam tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ DOC và tích cực cùng các nước tiếp tục thảo luận, hướng tới hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển đông (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Cùng ngày, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 đã thông qua Nghị quyết tổng hợp thường niên về đại dương và luật biển với 118 nước đồng bảo trợ, trong đó có Việt Nam.

UNCLOS được thông qua ngày 10/12/1982 và chính thức có hiệu lực từ ngày 16/11/1994. Việt Nam là một trong 107 quốc gia đầu tiên ký và sau đó phê chuẩn Công ước vào ngày 23/6/1994. Hiện nay, UNCLOS có 170 thành viên.

(Theo Vietnam+)

Các tin khác
Ba lĩnh vực: Ngân hàng; Y tế; Thông tin và truyền thông được chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Từ trái qua phải: Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hoà Bình  (Ảnh: Vietnamnet)

Ngày 13/12/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Xuân đặt câu hỏi với lãnh đạo huyện về công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ

Huyện Lục Yên vừa tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo huyện với hội viên nông dân và đoàn viên thanh niên trên địa bàn năm 2024 chủ đề: “Nông dân và thanh niên Lục Yên với chuyển đổi số và phát triển văn hóa - xã hội” với sự tham gia của 150 đại biểu là hội viên nông dân và đoàn viên thanh niên.

Tổng Bí thư Tô Lâm.

Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả” đã yêu cầu đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát. Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư gợi cho chúng ta suy nghĩ: Vì sao phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và việc làm này có ý nghĩa ra sao trong việc tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục