60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên đã phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo, phấn đấu vươn lên, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Diện mạo kinh tế - xã hội có nhiều đổi mới; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ từ trung tâm huyện, xã đến tận thôn; kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, sản xuất nông nghiệp, thương mại, du lịch; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.
Ngày 16/12/1964 đánh dấu sự ra đời của huyện Văn Yên - một sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, là sự hợp nhất của 19 xã thuộc huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái và 6 xã thuộc huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Với tổng diện tích tự nhiên gần 1.400 km2, huyện Văn Yên có 25 đơn vị hành chính, dân số gần 133.000 người với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống; dân tộc Kinh chiếm trên 50%, các dân tộc khác chiến gần 50%; trong đó, đa phần là dân tộc Dao, Tày và dân tộc Mông.
Những năm đầu thành lập, huyện Văn Yên đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức: địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng lạc hậu, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn. Ngay sau ngày thành lập, trong không khí sục sôi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tất cả vì miền Nam ruột thịt, cùng với quân và dân cả nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Văn Yên vừa trực tiếp chiến đấu để bảo vệ quê hương vừa thi đua lao động sản xuất, đóng góp sức người sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Với khẩu hiệu: "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Văn Yên đã đóng góp trên 10 ngàn tấn thóc, hàng trăm tấn thực phẩm, trên 3.000 tấn quế xuất khẩu, tiễn đưa gần 3.800 thanh niên lên đường nhập ngũ, huy động 2 triệu ngày công đào hầm, sửa đường phục vụ chiến đấu, trên 5.000 dân công đi vận chuyển lương thực, vũ khí… Nhiều người con ưu tú của quê hương Văn Yên đã anh dũng ngã xuống, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi đất nước thống nhất, Văn Yên bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ, sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân. Thành công của Văn Yên không chỉ đến từ sự nỗ lực, cố gắng mà còn từ tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sự quyết liệt của toàn Đảng bộ, chính quyền.
Với phương châm hành động "Đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, kỷ cương, hiệu quả” và quan điểm chỉ đạo "không kêu khó, không kêu khổ, chỉ bàn tiến, không bàn lùi, càng khó khăn càng phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa”, huyện Văn Yên đã có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành; cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Trung ương, của tỉnh bằng các nghị quyết, đề án chuyên đề phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Với sự tâm huyết, cống hiến, trách nhiệm của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, Đảng bộ huyện Văn Yên từ khi thành lập đến nay đã trải qua 16 kỳ đại hội. Mỗi kỳ đại hội là một sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc của huyện. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Đảng bộ huyện đạt kết quả tích cực, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng không ngừng được nâng lên; bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục được đổi mới và ngày càng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) năm 2011, các xã của huyện Văn Yên mới đạt bình quân 5 tiêu chí. Nhờ thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM cùng nhiều chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh, huyện, Văn Yên đã huy động toàn thể hệ thống chính trị - xã hội tham gia XDNTM, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn; cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp; đời sống văn hóa, xã hội, tinh thần của người dân được nâng lên.
Đặc biệt, đã khơi dậy được sự đồng thuận của toàn thể cộng đồng dân cư nông thôn, tạo sự lan tỏa và phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tinh thần chủ động, sáng tạo của từng cá nhân, từng tập thể; nhờ đó, đã xuất hiện nhiều nhân tố mới, nhiều gương điển hình tiên tiến, các mô hình làm kinh tế giỏi, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân Văn Yên.
Hành trình 14 năm xây dựng huyện NTM, 25 xã, thị trấn của Văn Yên, nơi đâu cũng in dấu chân của những cán bộ luôn gần dân, sát dân, động viên nhân dân chung sức, đồng lòng, quyết tâm XDNTM một cách thực chất và bền vững. Các phong trào riêng có cũng đã xuất hiện đầu tiên liên tục trên vùng đất quế qua từng năm: "2 chung 5 cùng 1 đích đến”; "Dịch rào hiến đất”; "Lắng nghe dân nói và xây dựng văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường sống”; "Dòng họ, thôn không còn hộ nghèo, hướng tới xã không còn hộ nghèo”; "Ngày thứ 7 cùng dân”; "Ngày cuối tuần cùng doanh nghiệp”; "110 ngày đêm nỗ lực cán đích huyện NTM”; " 5 không, 5 sạch”….
Từ những chủ trương đúng đắn hợp "ý Đảng, lòng dân”, NTM bừng sáng khắp các làng quê ở Văn Yên; cơ sở vật chất được đầu tư khang trang; ánh sáng điện lưới quốc gia đã về khắp các thôn; con em đồng bào các dân tộc được cắp sách tới trường… Có thể nói, bức tranh NTM ở Văn Yên chưa bao giờ bừng sáng đến vậy.
Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch tích cực, từng bước thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về cây trồng, vật nuôi, gắn với thu hút doanh nghiệp, tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm; tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp.
Thu ngân sách luôn luôn ở nhóm dẫn đầu của tỉnh, năm 2024 đạt 385 tỷ đồng, tăng gấp 6,4 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,93%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 57,3 triệu đồng, thuộc tốp các huyện dẫn đầu tỉnh. Huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa; trong đó, vùng thâm canh lúa với diện tích 3.000 ha. Huyện cũng có tới gần 60.000 ha quế, là thủ phủ quế lớn nhất nước.
Cây quế dược ví như ‘vàng xanh’ như báu vật của đại ngàn với thu nhập bình quân mỗi năm trên 1.000 tỷ đồng. Huyện đã xây dựng thành công Chỉ dẫn địa lý quế Văn Yên với sản lượng khai thác quế vỏ đạt 10.000 tấn; sản lượng tinh dầu quế đạt 300 tấn, sản lượng gỗ quế khoảng 110.000 m3. Các sản phẩm từ quế rất phong phú như: tinh dầu quế, quế bột, quế điếu, quế thanh… và quế Văn Yên đã khẳng định thương hiệu, vươn xa hiện có mặt tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các cụm công nghiệp của huyện Văn Yên được hình thành, bước đầu thu hút được các doanh nghiệp vào khai thác. Đặc biệt là lợi thế từ việc quy hoạch và sự phát triển hệ thống giao thông, mà trọng tâm là trục đường cao tốc đã và đang đưa huyện Văn Yên trở thành trung tâm kết nối của các huyện thị trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, các thành phần kinh tế có bước phát triển khá. Toàn huyện hiện có 345 doanh nghiệp, 151 hợp tác xã, 755 tổ hợp tác cùng hàng nghìn hộ kinh doanh cá thể.
Nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các HTX đã đầu tư dây chuyền sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến, chế biến sâu; giá trị sản xuất bình quân trên diện tích đất nông nghiệp của huyện đã đạt trên 51 triệu đồng/ha, tăng 1,4 lần so với năm 2011. Kinh tế phát triển đã thực sự là động lực, là đòn bẩy cho các hoạt động văn hóa, xã hội ở Văn Yên đạt kết quả ngày càng cao hơn. Giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực và Văn Yên luôn là điểm sáng về chất lượng giáo dục của tỉnh nhà.
Năm học 2023, huyện đứng đầu 9 huyện, thị, thành phố về kết quả thi học sinh giỏi, kể cả cấp THCS và cấp THPT; có 47/63 trường học đạt chuẩn quốc gia. Trung tâm Y tế huyện đạt chuẩn hạng 2; 25/25 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế. Nhiều năm liền, xếp hạng cải cách hành chính của huyện luôn đứng ở tốp đầu các địa phương.
Đặc biệt, Văn Yên là một trong những địa phương tiên phong, mạnh dạn đi đầu trong toàn tỉnh về chuyển đổi số. Toàn huyện dự ước có trên 55.000 công dân số, đạt gần 68% so với tổng số công dân trong độ tuổi lao động.
Ghi nhận những thành tích, đóng góp của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và kiến thiết, xây dựng quê hương, Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho huyện danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân’, "Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”, "Huân chương Độc lập hạng Nhì”, "Huân chương Độc lập hạng Ba”, "Huân chương Lao động hạng Nhì” cùng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý khác. Liên tục các năm 2022 và 2023, huyện Văn Yên vinh dự được biểu dương, khen thưởng ở mức cao nhất do đã có thành tích xuất sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm theo chương trình hành động của Tỉnh ủy Yên Bái.
Luyện Hữu Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Văn Yên