Giải Diên Hồng lần thứ ba - năm 2025 do Văn phòng Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và HĐND thành phố Hà Nội tổ chức.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự lễ trao giải.
Tham dự Lễ trao giải có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Về phía thành phố Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ trao giải.
Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phát huy kết quả qua 2 lần tổ chức, năm nay, sau hơn 11 tháng phát động, Ban tổ chức đã tiếp nhận được 4.079 tác phẩm dự thi của 163 cơ quan báo chí. So với 2 mùa giải trước, số lượng tác phẩm dự thi lần thứ ba đã tăng đáng kể, thể hiện sự quan tâm, hưởng ứng của các nhà báo và các cơ quan báo chí; khẳng định sự hấp dẫn và uy tín của Giải Diên Hồng.
Tại Lễ trao giải hôm nay có 83 tác phẩm xuất sắc được trao thưởng gồm: 8 Giải A; 15 Giải B; 20 Giải C; 40 Giải khuyến khích. Đây là những tác phẩm với sự tìm tòi, mới mẻ, sáng tạo, hấp dẫn, thuyết phục, được độc giả đón nhận và Hội đồng chấm giải đánh giá cao.
Đặc biệt, các bài viết đã nêu bật được nỗ lực, quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các mặt công tác của Quốc hội trong năm 2024, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đời sống của nhân dân và sự phát triển của đất nước.
Điểm nhấn là đổi mới công tác lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đó là chuyển tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển với tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”...
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chuẩn bị chu đáo, tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIV. Đồng thời, chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, tạo tiền đề cho công cuộc đổi mới và phát triển mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
"Tôi mong rằng, các cơ quan báo chí, các nhà báo tiếp tục đồng hành cùng Quốc hội, chuyển tải kịp thời những hoạt động nổi bật của Quốc hội cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là đổi mới công tác lập pháp” - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tới đây sẽ tổ chức 2 diễn đàn về xây dựng pháp luật và hoạt động giám sát của Quốc hội. Bên cạnh đó, các phóng viên tiếp tục tìm tòi, phát hiện những bất cập, vướng mắc trong quá trình xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật; những vấn đề cấp bách của người dân, doanh nghiệp để phản ánh tới Quốc hội, HĐND, từ đó có giải pháp tháo gỡ, giải quyết kịp thời.
Đặc biệt, báo chí cần lan tỏa tinh thần tích cực, khát vọng, ý chí quyết tâm mới, khí thế mới trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong giai đoạn mới; nhất là những thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng là chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như một lời hiệu triệu, thúc giục tinh thần hành động, đổi mới sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; về đổi mới mô hình tổ chức tổng thể của cả hệ thống chính trị với mức độ, quy mô của một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy cán bộ.
Cùng với đó là thông điệp về phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, mọi người phải biết sử dụng, biết tự bảo vệ mình và nhất định phải phổ cập chuyển đổi số trong toàn dân. Thông điệp về cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, mang tính thức tỉnh sâu sắc, không chỉ vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của bản thân, gia đình, xã hội mà còn vì trách nhiệm với thế hệ tương lai. Đây là những vấn đề mà cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân phải thực hiện ngay, thực hiện hiệu quả trong thực tế.
Hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm Ngày thành lập nước, 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam; 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, đồng chí Trần Thanh Mẫn tin tưởng rằng, các nhà báo tiếp tục phát huy lòng yêu nghề với tâm sáng, bút sắc, trí bền, tiếp tục gắn bó với các cơ quan dân cử để sáng tạo được nhiều hơn nữa các tác phẩm báo chí có giá trị, đóng góp nhiều hơn nữa cho Quốc hội, HĐND để ngày càng hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xứng đáng với sự tin cậy của cử tri và nhân dân cả nước.
Báo cáo tại lễ trao giải cho thấy, các tác phẩm được lựa chọn vào vòng chấm chung khảo bảo đảm cân đối về vùng miền, đa dạng về đề tài (lập pháp, giám sát tối cao, thực tiễn cuộc sống, đổi mới thể chế…) và có chất lượng cao về nội dung, thông điệp cũng như hình thức thể hiện.
Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, thể hiện tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại và sự làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của các tác giả, nhóm tác giả. Mùa giải năm nay có sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
Trong đó, số lượng các cơ quan báo chí địa phương tích cực tham gia Giải đã tăng hơn mùa trước; chất lượng tác phẩm được thu hẹp khoảng cách giữa trung ương và địa phương ở loại báo hình, báo điện tử, báo in rất rõ nét. Qua đó, cho thấy sự quan tâm của báo giới nói riêng cũng như dư luận nói chung đối với hoạt động của Quốc hội và HĐND.
Tại Lễ trao giải, Ban tổ chức đã trao Bằng khen của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho 20 tập thể có nhiều đóng góp cho thành công của Giải báo chí Diên Hồng 2025. Ban tổ chức cũng trao thưởng 8 Giải A; 15 Giải B; 20 Giải C; 40 Giải khuyến khích. Báo Hànộimới đoạt Giải Khuyến khích với loạt bài "Kinh nghiệm lập pháp nhìn từ Luật Thủ đô năm 2024.
Tại lễ trao giải, đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Chỉ đạo đã phát động Giải Diên Hồng lần thứ tư - năm 2026 với chủ đề 80 năm Quốc hội Việt Nam. Lễ trao Giải Diên Hồng lần thứ tư - năm 2026 sẽ được tổ chức vào đầu tháng 1-2026, đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2026).
(Theo HNMO)