Ngày làm việc thứ ba, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XII:

Chính phủ trình hai dự án luật, báo cáo kết quả năm năm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/5/2008 | 12:00:00 AM

Ngày 8-5, kỳ họp thứ ba, QH khoá XII vào ngày làm việc thứ ba. Buổi sáng, với sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, các đại biểu đã nghe đại diện Chính phủ trình hai dự án Luật, báo cáo về kết quả năm năm triển khai thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11 về “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý” và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của QH về các dự án luật, báo cáo nói trên của Chính phủ.

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng trình bày thì lần này chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thật cần thiết, vướng mắc, bức xúc và những vấn đề phát sinh khi thực hiện Luật sĩ quan năm 1999; Bảo đảm tính hợp pháp và nhất quán với các văn bản Luật hiện hành, đồng thời thể hiện rõ tính đặc thù trong tổ chức xây dựng và thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ sĩ quan quân đội; Bổ sung, sửa đổi để làm rõ trách nhiệm, quyền lợi và chính sách đối với sĩ quan trong tình hình mới.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung 15/51 điều (các điều 1, 11, 13, 15, 16, 18, 19, 25, 29, 31, 35, 37, 38, 40, 44); bãi bỏ một số khoản, điểm, từ ngữ ở một số điều cho phù hợp các quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Thí dụ, Điều 1 quy định sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam bổ sung: Giấy chứng minh sĩ quan do Chính phủ quy định; Điều 11 quy định về chức vụ của sĩ quan bổ sung chức vụ: chính uỷ, chính trị viên, bộ đội biên phòng, binh chủng; Điều 13 quy định tuổi phục vụ của sĩ quan tại ngũ tăng đều hai tuổi…

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và an ninh của QH do ông Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban trình bày cho biết, đa số ý kiến thành viên Uỷ ban tán thành với Tờ trình về sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung lần này. Về những vấn đề cụ thể như: chức vụ cơ bản của sĩ quan (khoản 1 Điều 11), cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan (Điều 15) trong Ủy ban còn có những ý kiến khác nhau.

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý (năm 2000) do Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh trình bày, thì phạm vi sửa đổi, bổ sung lần này gồm bổ sung bảy điều mới; sửa đổi, bổ sung 11 điều và bãi bỏ một điều. Cụ thể là bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống ma tuý của một số bộ, ngành; nhiệm vụ cơ quan chuyên trách phòng, chống ma tuý của Bộ đội Biên phòng; Cảnh sát biển, Hải quan nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma tuý.

Quy định cụ thể hơn các biện pháp, hình thức, thời gian cai nghiện cho người nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng và các biện pháp phòng, chống tái nghiện.

Quy định nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong phòng, chống tệ nạn ma tuý, đặc biệt đề cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở.

Quy định cụ thể về các điều kiện bảo đảm của Nhà nước, chính quyền các cấp và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phòng, chống tệ nạn ma tuý; trong đó quy định về nguyên tắc các biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma tuý cho phù hợp yêu cầu hiện nay.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban về các vấn đề xã hội của QH do Chủ nhiệm Trương Thị Mai trình bày, đã nhận xét, dự án Luật này phù hợp đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống ma tuý, bảo đảm sự thống nhất với hệ thống pháp luật và các quy định về thủ tục, trình tự soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng tại phiên họp này, Bộ trưởng Lao động-thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo kết quả năm năm triển khai thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11 về: Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý.

Báo cáo khẳng định, Nghị quyết số 16/2003/QH11 của QH đã mở ra một hướng đi mới trong công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma tuý. Thực hiện Đề án quản lý sau cai là thể hiện quan điểm nhân văn, nhân đạo hết sức tốt đẹp của Đảng, Nhà nước đối với những người đã có thời kỳ lầm lạc, sa vào tệ nghiện ma tuý. Hàng vạn người đã được cai nghiện; học tập nâng cao trình độ văn hoá, rèn luyện nhân cách; được học nghề, nâng cao tay nghề hỗ trợ tạo việc làm, bảo đảm điều kiện tái hoà nhập cộng đồng (ở TP Hồ Chí Minh, một số học viên còn được theo học đại học từ xa). Người nghiện ma tuý không bị kỳ thị, phân biệt đối xử mà được chữa trị, học tập, rèn luyện làm lại cuộc đời.

Trong thời gian thực hiện Nghị quyết của QH, nhìn chung tại bảy địa phương, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh đã kiềm chế được tốc độ gia tăng người nghiện mới, giảm tình trạng tội phạm hình sự; tình hình an ninh trật tự xã hội ở từng địa phương tốt hơn, góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội; đồng thời góp phần ngăn chặn sự lây lan nhanh đại dịch HIV/AIDS trong nhóm người nghiện ma tuý cũng như ngoài cộng đồng xã hội.

Tại TP Hồ Chí Minh, sau gần năm năm triển khai thực hiện Nghị quyết, tội phạm hình sự đã giảm từ 16.000 vụ thời kỳ 1999-2000 xuống còn 9.000 vụ những năm 2006-2007; tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao từ 66% năm 2003 xuống 45% năm 2006; số người nghiện mới trong năm 2007 và quý I-2008 giảm mạnh.

Về mặt kinh tế-xã hội, với hàng vạn người ở các địa phương tham gia Đề án sau cai, trong thời gian từ bốn năm đến năm năm đã tiết kiệm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng/năm, (nếu tính bình quân mỗi người nghiện một ngày sử dụng một liều ma tuý với giá 50.000 đồng thì chỉ riêng TP Hồ Chí Minh đã đỡ tốn phí gần 3.000 tỷ đồng/năm). Như vậy số tiền đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho công tác cai nghiện ma tuý của TP Hồ Chí Minh chỉ chiếm 1/3 số tiền tiêu phí cho sử dụng ma tuý của các đối tượng (1.000/3.000 tỷ đồng).

Việc triển khai Nghị quyết số 16/2003/QH11 đã thúc đẩy thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác cai nghiện. Trước hết là làm chuyển biến nhận thức, quan điểm và tạo sự đồng thuận của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, bản thân người nghiện và gia đình họ trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai.

Báo cáo cũng nêu rõ những tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết này, như: thời gian triển khai Nghị quyết 16/2003/QH11 không đồng nhất ở bảy địa phương nên đa số các địa phương chưa kịp triển khai thực hiện những mục tiêu của Đề án sau cai nghiện thì thời gian hết hiệu lực của Nghị quyết đã sắp tới. Tại một số địa phương, công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế, do đó một số cơ quan, đoàn thể, quần chúng nhân dân, bản thân người nghiện và gia đình họ chưa nhận thức đầy đủ nên chưa thật sự vào cuộc.

Sau khi nêu các bài học kinh nghiệm được rút ra qua năm năm thực hiện Đề án, Báo cáo kiến nghị QH cho phép được bảo lưu thời gian của những trường hợp đã đưa người sau cai tham gia Đề án đến khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma tuý có hiệu lực; đồng thời luật hoá Nghị quyết 16/2003/QH11 và sửa đổi một số quy định của các văn bản pháp luật có liên quan.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban về các vấn đề xã hội của QH kiến nghị QH xem xét ban hành Nghị quyết cho phép các địa phương được tiếp tục thi hành các quyết định quản lý người sau cai nghiện đã ban hành trước ngày 1-8-2008 (ngày Nghị quyết số 16 hết hiệu lực thi hành) cho đến thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý có hiệu lực; xem xét quy định vấn đề cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý trên cơ sở tiếp thu kết quả tổng kết năm năm thi hành Nghị quyết 16 nói trên của QH.
 
(Theo NDĐT)

Các tin khác

Ngày 25/4, đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các Ban của HĐND tỉnh đã có buổi giám sát thực hiện một số chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 theo các nghị quyết của HĐND tỉnh Yên Bái tại huyện Lục Yên.

Đồng chí An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Bí thư Đảng ủy Quân sự huyện tặng Đại hội bức cờ thêu mang dòng chữ:

Sáng 25/4, lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Yên Bình tổ chức Đại hội Thi đua quyết thắng (TĐQT) giai đoạn 2019 - 2024. Đây là đơn vị vinh dự được Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Yên Bái chọn làm điểm để rút kinh nghiệm tổ chức trong toàn LLVT tỉnh.

Đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu định hướng tuyên truyền thời gian tới.

Sáng 25/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị báo cáo viên Tỉnh ủy định kỳ tháng 4. Đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Bàn Văn Thêm - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Yên Bình trao nhà Đại đoàn kết cho hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Khe Ngang, xã Yên Thành.

Nhiệm kỳ 2019 - 2024, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Yên Bình đã tích cực hướng hoạt động về cơ sở thông qua các phong trào, mô hình, cách làm hay, sáng tạo, để lại nhiều dấu ấn đậm nét, góp phần quan trọng đưa Yên Bình về đích huyện nông thôn mới sớm trước 2 năm so với mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục