Phát huy vai trò, trách nhiệm đại biểu Quốc hội, hoàn thành xuất sắc trọng trách mà nhân dân giao phó
- Cập nhật: Thứ hai, 3/1/2011 | 8:23:01 AM
YBĐT -Ôn lại chặng đường lịch sử 65 năm qua, chúng ta ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của 61 vị đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái từ khóa I đến khóa XII.
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh với các đại biểu Quốc hội Yên Bái tại kỳ họp Quốc hội khóa XII.
|
Ngày 3.9.1945, một ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Ngày 8.9.1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội.
Công việc chuẩn bị Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện giặc ngoài thù trong; tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn; vừa kháng chiến ở miền Nam vừa phải giải quyết những nhiệm vụ rất cấp bách hàng ngày đặt ra; vừa thực hiện sách lược tạm thời hòa hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc vừa phải đấu tranh chống lại những hành động phá hoại điên cuồng của chúng.
Trong điều kiện như thế, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước ta thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giành độc lập dân tộc hết sức quyết liệt, xác lập tính hợp pháp, củng cố chính quyền cách mạng non trẻ.
Với tinh thần dân tộc dâng cao chưa từng có sau Cách mạng Tháng Tám, nhân dân cả nước đã đón nhận và chuẩn bị cuộc Tổng tuyển cử như ngày hội lớn của mình. Tin Hồ Chủ tịch ra ứng cử ở Thủ đô đã làm nức lòng nhân dân Hà Nội và cả nước.
Ngày 6.1.1946, tại Hà Nội, nơi có Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ứng cử, nhân dân Thủ đô đã hăng hái tham gia Tổng tuyển cử, bất chấp sự phá hoại của kẻ thù. Riêng các tỉnh phía Nam, cuộc bầu cử đã diễn ra dưới bom đạn rất ác liệt của kẻ thù. Nhiều nơi, nhân dân phải đổi cả xương máu để thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình. Tại Tây Nguyên, trước ngày Tổng tuyển cử, thực dân Pháp đã ném bom khủng bố dân chúng, tấn công vào làng Ra Đê cách Buôn Ma Thuột 19 km nhưng cuộc bầu cử vẫn được tiến hành. Trừ tỉnh Tây Ninh chiến sự diễn ra ác liệt, không thực hiện bầu cử được còn tất cả các tỉnh phía Nam đều tiến hành cuộc bầu cử với tuyệt đại đa số cử tri đi bỏ phiếu.
Cuộc Tổng tuyển cử đã hoàn toàn thắng lợi với tỷ lệ 89% số cử tri đi bỏ phiếu. Nhân dân cả nước đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội, thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, của độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; là kết quả của sự gắn bó máu thịt và niềm tin sắt đá của toàn thể nhân dân Việt Nam đối với Đảng, Bác Hồ và chính quyền cách mạng non trẻ; đánh dấu bước phát triển đặc biệt quan trọng đầu tiên về thể chế dân chủ của nước ta.
Sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng với sự ra đời của bản Hiến pháp tiến bộ năm 1946 đã mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một hệ thống chính quyền có đầy đủ địa vị pháp lý để đại diện cho nhân dân về đối nội và đối ngoại.
Đó là thành quả của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam gần 9 thập kỷ, trực tiếp là 15 năm đấu tranh dưới ngọn cờ độc lập - tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) lãnh đạo; là hiện thực sinh động về thể chế Nhà nước cộng hòa dân chủ, một loại hình Nhà nước pháp quyền cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Cuộc Tổng tuyển cử thành công, bầu ra Quốc hội đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa là thành quả vừa là yêu cầu đặt ra bức thiết của cách mạng Việt Nam. Đó là Quốc hội lập quốc, Quốc hội của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước và của đại đoàn kết toàn dân tộc.
Quốc hội đã hội tụ được ý chí cách mạng, tinh thần yêu nước, tinh thần dũng cảm của nhân dân cả nước. Đất nước ta có một Quốc hội, một nhà nước thống nhất, nhà nước của dân, do dân, vì nhân dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thắng lợi này đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của nhân dân với Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; khẳng định tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội nồng nàn và son sắt của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân các dân tộc Yên Bái nói riêng với tương lai của cách mạng Việt Nam.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, Quốc hội luôn quan tâm đến công tác lập pháp; quy trình xây dựng pháp luật đã được quan tâm cải tiến; vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình xây dựng pháp luật được nâng cao. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về các dự án luật, pháp lệnh được coi trọng và có nhiều đổi mới nhằm phát huy trí tuệ của nhân dân cả nước.
65 năm qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 4 Hiến pháp, 275 luật và bộ luật, 207 pháp lệnh. Quốc hội đã xem xét, ban hành 170 nghị quyết, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về tổ chức bộ máy và nhân sự các cơ quan nhà nước, về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, các vấn đề bảo đảm an ninh - quốc phòng, công tác đối ngoại... nhằm điều chỉnh các mặt hoạt động của xã hội cho phù hợp với tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước trong từng thời kỳ cách mạng.
Vị thế, vai trò của Quốc hội ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng và đem lại nhiều thành quả lớn trong xây dựng và bảo vệ vững chắc nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ôn lại chặng đường lịch sử 65 năm qua, chúng ta ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp quan trọng của nhân dân các dân tộc và cử tri tỉnh Yên Bái đã thực hiện quyền, nghĩa vụ của người công dân; hăng hái, tích cực tham gia đi bầu cử, lựa chọn bầu ra các đại biểu Quốc hội ứng cử tại tỉnh, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình, đủ tiêu chuẩn tham gia Quốc hội các khóa.
Đặc biệt, chúng ta ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của 61 vị đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái từ khóa I đến khóa XII. Bằng tâm huyết và trách nhiệm của mình, các vị đại biểu Quốc hội đã hoàn thành trọng trách to lớn do nhân dân giao phó; tham gia tích cực vào các hoạt động của Quốc hội; thực hiện tốt chức năng lập hiến, lập pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; thực hiện quyền giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội của tỉnh đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của địa phương.
Trong những năm qua, cùng với những đổi mới và thành quả đạt được trong xây dựng, tổ chức bộ máy nhà nước, bộ máy chính quyền các cấp ở tỉnh Yên Bái đã từng bước được củng cố; đổi mới phương thức hoạt động; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong điều hành, quản lý Nhà nước.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và trực tiếp là Tỉnh ủy Yên Bái, hoạt động của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp đã có những bước tiến quan trọng trong việc chỉ đạo và điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Để đạt được những kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái qua các thời kỳ.
Trong những năm qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái các khóa đã có nhiều đổi mới để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; phương thức hoạt động gắn liền với cơ sở; nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của dân; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết Quốc hội và nghị quyết hội đồng nhân dân các cấp.
Đồng chí Hoàng Thương Lượng - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tặng quà cho các già làng, trưởng bản huyện Mù Cang Chải.
Nhiệm kỳ khóa XII, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức 9 cuộc giám sát tập trung theo chuyên đề và nhiều cuộc giám sát thường xuyên; gửi hơn 40 ý kiến, kiến nghị quan trọng tới Quốc hội, Chính phủ để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho địa phương; phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội tham gia 19 cuộc giám sát tại địa phương; phối hợp với ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức 15 cuộc tiếp xúc cử tri tại 130 điểm, trên 17.000 lượt đại biểu tham dự và chú trọng đến cử tri ở thôn, bản; đóng góp trí tuệ với đại biểu Quốc hội cả nước trong 8 kỳ họp xây dựng 64 luật và bộ luật, 15 pháp lệnh, 18 nghị quyết và tham gia quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Tại các kỳ họp của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia đầy đủ các phiên họp và tập trung nghiên cứu tài liệu, đã có trên 120 lượt ý kiến tham gia vào các báo cáo của Chính phủ, dự án luật trình tại các kỳ họp của Quốc hội và đã gửi 19 ý kiến chất vấn đến Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương cũng như tham gia chất vấn trực tiếp tại hội trường. Tuy còn một số tồn tại song trong tổ chức và hoạt động, sự phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị các cấp, các ngành trong tỉnh những năm qua đã để lại nhiều kinh nghiệm bổ ích cho các bước phát triển tiếp theo.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các vị đại biểu Quốc hội với chức năng, nhiệm vụ được giao đã tham gia đầy đủ, có hiệu quả các mặt công tác tại cơ quan mình và các hoạt động khác của địa phương; tham dự đầy đủ các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định; tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước do tỉnh phát động và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chú trọng tham gia tốt các hoạt động xã hội tại địa phương.
Là đại biểu dân cử đại diện cho cử tri trong tỉnh và của cả nước, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ tại các kỳ họp và các hoạt động khác của Quốc hội; thực hiện đầy đủ, có hiệu quả nhiệm vụ được giao, được cử tri và nhân dân trong tỉnh tín nhiệm cao, góp phần tích cực và tăng cường xây dựng hệ thống chính trị, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bước sang năm 2011 - năm đầu chúng ta thực hiện kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020). Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng tỉnh Yên Bái bền vững và phát triển, đòi hỏi các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các cơ quan dân cử của tỉnh phải có những nỗ lực hơn nữa, đổi mới hơn nữa về nội dung và phương thức hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực, xứng đáng với lòng tin của nhân dân, thực sự là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Kỷ niệm 65 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam, chúng ta quyết tâm phát huy truyền thống vẻ vang của tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nắm chắc thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, phát huy mọi nguồn lực, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong khu vực!
Hoàng Thương Lượng - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Ngày 31/12, đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đã đến thăm và chúc tết Đảng bộ, chính quyền xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn và kiểm tra tiến độ thi công dự án xây dựng nhà máy khai thác, chế biến tuyển tinh quặng sắt ở thôn Làng Mỵ, xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn do Công ty phát triển số 1 Hải Dương đầu tư.
Nhân dịp Việt Nam kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010 ngày 31/12/2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi thông điệp đến các nhà lãnh đạo và nhân dân các nước ASEAN, các nước Đối tác của ASEAN và bạn bè quốc tế.
YBĐT - 65 năm qua, ngành KH&ĐT tỉnh Yên Bái đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ KH&ĐT, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Ngành được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2000...