Tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống mua bán người: Làm rõ vấn đề trước khi thông qua

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/3/2011 | 3:48:42 PM

YBĐT - Buôn bán người đã trở thành một vấn nạn gây bức xúc trong toàn xã hội trong những năm gần đây. Tình hình tội phạm buôn bán người diễn ra tương đối phổ biến, có chiều hướng gia tăng cùng với những tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp.

Từ tình hình thực tiễn, Quốc hội (QH) đã tập trung xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật chuyên biệt, bảo đảm có hiệu lực pháp lý cao. Dự thảo Luật phòng, chống mua bán người đã được Bộ Tư pháp xây dựng trình QH tiếp tục thảo luận, cho ý kiến chỉnh sửa vào sáng 23/3 và dự kiến biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 9 này. 

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, từ hoạt động nghiên cứu và khảo sát thực tiễn về công tác phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn mua bán người, Bộ Tư pháp thấy rằng, dự án Luật cần có phạm vi điều chỉnh tương đối toàn diện, quy định một cách tập trung, thống nhất những vấn đề có tính nguyên tắc, làm định hướng cho công tác phòng, chống mua bán người.

Do vậy, dự thảo Luật đã xác định 7 nhóm vấn đề lớn hết sức quan trọng cần được điều chỉnh. Cụ thể là: Phạm vi điều chỉnh; các nguyên tắc, chính sách về phòng, chống mua bán người; quyền, nghĩa vụ của nạn nhân và các hành vi bị cấm.

Vấn đề phòng ngừa mua bán người, trong đó chú trọng nhóm các biện pháp phòng ngừa chung như: tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về phòng, chống mua bán người, hoạt động quản lý an ninh trật tự, kiểm soát an ninh biên giới cũng như nhóm các biện pháp phòng ngừa thông qua hoạt động của một số cơ quan, tổ chức và sự tham gia của cá nhân, gia đình trong việc phòng ngừa mua bán người.

Một số vấn đề khác cần nghiên cứu sửa đổi là phát hiện, xử lý hành vi mua bán người, hành vi liên quan đến mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành các biện pháp hỗ trợ nạn nhân và các biện pháp hỗ trợ này cũng chính là một trong những nội dung hết sức quan trọng mà dự thảo Luật này điều chỉnh, trong đó tập trung quy định những biện pháp, hình thức hỗ trợ, xác định cụ thể các chế độ hỗ trợ, đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ và cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ cho nạn nhân. 

Cùng với đó là qui định trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ và địa phương trong phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người...

Tại kỳ họp thứ tám, QH đã thảo luận tại tổ để đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật phòng, chống mua bán người. Kỳ họp này, QH tiếp tục thảo luận tại hội trường lấy ý kiến của đại biểu về nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật. Về tên gọi của dự án luật, đa số các đại biểu nhất trí như dự thảo, tuy còn một vài ý kiến băn khoăn đã được lãnh đạo Bộ Tư pháp giải trình.

Theo đó, việc lấy tên luật “phòng, chống mua bán người” là hợp lý, bởi “mua bán người” mang tính bao quát hơn, thể hiện đơn lẻ, không có tổ chức, còn “buôn bán người” chỉ hàm ý mang tính thương mại, chuyên nghiệp. 

Có ý kiến cho rằng, các nội dung đưa ra trong dự thảo Luật là cần thiết và đúng trọng tâm của công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.

Tuy nhiên, như tên gọi của luật, thì đây là luật quy định về các biện pháp phòng ngừa và chống mua bán người, nhưng nội dung của dự thảo luật chủ yếu quy định về các biện pháp phòng ngừa, trong khi đó nội dung chống mua bán người lại quá mờ nhạt và chỉ được quy định dưới dạng nguyên tắc chung mà ở các luật khác đã quy định.

Vì vậy, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc và bổ sung một số nội dung quy định về biện pháp chống mua bán người cho đầy đủ và hợp lý hơn. Đồng thời, để bảo đảm tính thuyết phục, cần nhấn mạnh thêm về tinh thần chung của Luật là chú trọng công tác phòng ngừa.

Để làm rõ mối tương quan giữa phòng- chống. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp: “Trọng tâm của dự luật là phòng, đồng thời có qui định về xử lý hình sự, hành chính, kỷ luật đầy đủ. Về tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân dự luật qui định cấp huyện sẽ là khâu cuối cùng trong qui trình tiếp nhận, giải quyết, hỗ trợ nạn nhân, nhằm tránh đùn đẩy rắc rối khi thực hiện”. 

Trên cơ sở các qui định của dự luật được xây dựng, việc phòng chống mua bán người trước hết phải từ trong mỗi gia đình, nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý thành viên. Ngoài xã hội cần làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức đoàn thể, nhất là các cấp hội phụ nữ phải tham gia quyết liệt trong việc phòng chống.

Đặc biệt, những băn khoăn bày tỏ của các đại biểu QH, trong đó nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu QH tỉnh Yên Bái tại phiên thảo luận ở tổ trước đó sẽ góp phần xây dựng dự luật một cách chặt chẽ, hiệu quả, bảo đảm sẽ được thông qua tại phiên họp này.      

 Huy Văn

Các tin khác

YBĐT - Ngày 22/3, Đảng bộ Văn phòng UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2010- 2015 cho cán bộ, đảng viên, công chức trong toàn Đảng bộ.

Đó là ý kiến của ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách của QH, khi trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp QH về tình hình thực hiện kế hoạch ngân sách trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vừa qua có nhiều biến động.

Ngày 22-3, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thân mật đoàn Hạ viện Indonesia do ông Pramônô Guybôgô, Phó Chủ tịch Hạ viện, dẫn đầu đang ở thăm, làm việc tại Việt Nam.

Ngày 22/3, tại Hà Nội, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII khối các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục