Hoạt động lập pháp, hiệu quả giám sát của Quốc hội được nâng cao

  • Cập nhật: Thứ bảy, 26/3/2011 | 8:09:38 AM

YBĐT - Bên lề kỳ họp thứ 9 QH khóa XII, phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuyết - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa-giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH, Phó trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh Yên Bái.

- Thưa ông, với cương vị của mình, ông có thể đánh giá sơ bộ về  kết quả hoạt động của QH khóa XII?
 
Ông Nguyễn Văn Tuyết (ảnh): Nhiệm kỳ 2007-2011, QH khóa XII đã kế thừa, phát huy những thành quả, bài học kinh nghiệm của QH các khóa trước, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ cả về tổ chức và phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ theo qui định của Hiến pháp và pháp luật, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn vào những thành tựu chung của đất nước.

Kết quả nổi bật được thể hiện trên các mặt công tác như lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và công tác đối ngoại.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII chỉ có 4 năm, như vậy ít hơn 1 năm so với nhiệm kỳ trước, tuy nhiên QH đã thông qua 68 luật (4 luật dự kiến thông qua tại kỳ họp này), 12 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ QH thông qua 13 pháp lệnh và 7 nghị quyết có chứa qui phạm pháp luật. Các luật ban hành bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Qui trình lập pháp tiếp tục được đổi mới, cải tiến theo hướng nâng cao chất lượng, tính năng động, cụ thể trong văn bản pháp luật. Công tác thẩm tra dự án luật, pháp lệnh được tiến hành tích cực. Việc đóng góp ý kiến của đại biểu QH, các đoàn đại biểu QH có nhiều hình thức tập hợp lấy ý kiến tham gia tốt hơn.

Hoạt động giám sát được tăng cường, có nhiều đổi mới về cách thức tiến hành, nhất là chất vấn và giám sát chuyên đề. Hoạt động chất vấn được thực hiện theo nhóm vấn đề, nhiều người tham gia (Thủ tướng, Phó thủ tướng, các bộ trưởng…) với không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn làm rõ trách nhiệm.

Cùng với đó, QH ra nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn .Việc chất vấn còn được tiến hành tại Ủy ban thường vụ QH và các phiên giải trình tại các ủy ban của QH. Các đoàn đại biểu QH thực hiện nhiệm vụ giám sát tích cực.

Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng có chất lượng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Các kỳ họp đều tạo được không khí dân chủ, thẳng thắn và đề ra những giải pháp phù hợp- nhiều quyết vđịnh quan trọng được QH thông qua. Hoạt động đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

- Trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ QH khóa XII chỉ ra một số mặt còn hạn chế, tồn tại, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Còn nhiều hạn chế cần được làm rõ, trong đó qui trình lập pháp tuy được cải tiến nhưng vẫn chưa đồng bộ và có điểm chưa phù hợp. Trách nhiệm cơ quan trình dự án, cơ quan tham gia soạn thảo, thẩm tra, chính lý cần tiếp tục được phân định rõ ràng.

Thời gian chuyển dự án Luật từ ban soạn thảo đến ủy ban thẩm tra chưa đảm bảo tiến độ theo qui định. Về cơ chế giải quyết các kiến nghị sau giám sát cần làm rõ hơn, tránh tình trạng giám sát kiến nghị xong, còn việc thực hiện thế nào thì tùy.

Đối với việc cung cấp thông tin phục vụ QH xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước còn chưa đầy đủ, kịp thời, chưa có cơ chế sử dụng các cơ quan chuyên môn độc lập thẩm định các vấn đề khoa học, kỹ thuật, tính chính xác của số liệu trước khi cung cấp cho đại biểu QH.

- Đã có nhiều năm làm đại biểu QH ông có kiến nghị, đề xuất gì cho hoạt động cũng như xây dựng bộ máy của QH thời gian tới?

- Về 10 kiến nghị trong báo cáo tổng kết hoạt động của QH nhiệm kỳ này, tôi hoàn toàn nhất trí. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất: Công tác xây dựng luật phải tiếp tục đổi mới qui trình, qui định rõ hơn trách nhiệm, tiến độ của cơ quan trình dự án luật, tránh tình trạng đưa vào Nghị quyết của Quốc hội rồi xong lại xin rút ra khỏi chương trình.

Thứ hai: Tăng cường thực hiện hậu giám sát và có cơ chế giải quyết kiến nghị sau giám sát.

Thứ ba: Cần cung cấp thông tin đầy đủ cho đại biểu để quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia có chất lượng.

Thứ tư: Xem xét cơ cấu bộ máy của QH, nghiên cứu tách một số ủy ban của QH có phạm vi, lĩnh vực phụ trách rộng, bảo đảm chuyên sâu hơn; nâng cấp một số ban trực thuộc ủy ban thường vụ QH.

QH khóa XII đã tách 2 ủy ban thành 4 ủy ban cho thấy hoạt động hiệu quả rõ ràng hơn (Ủy ban Kinh tế-ngân sách thành Ủy ban kinh tế và Ủy ban Tài chính-ngân sách; Ủy ban pháp luật thành Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp).

Đối với các Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng, Ủy ban về các vấn đề xã hội trong lúc chưa tách được thì  cần tăng số ủy viên thường trực và số phó chủ nhiệm  như một số ủy ban tách ra đã tăng.

- Xin cảm ơn ông!

Văn Trung

Các tin khác

YBĐT - Sáng 25/3, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Chiều 24-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp mặt các nữ đại biểu QH khóa XII dự kỳ họp thứ 9 - kỳ họp cuối cùng của QH khóa XII đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.

Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2011), ngày 24/3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp thân mật đoàn đại biểu cán bộ Đoàn qua các thời kỳ.

Đại biểu Hoàng Thương Lượng nêu ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ.

YBĐT - Sáng 24/3, QH thảo luận tại tổ về báo cáo tổng kết hoạt động của QH, các cơ quan của QH nhiệm kỳ 2007- 2011.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục