Lễ thượng cờ đầu cầu Hiền Lương
- Cập nhật: Chủ nhật, 1/5/2011 | 9:48:03 AM
Sáng 30-4, tại Khu Di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức lễ Thượng cờ; tiếp nhận đá chủ quyền và cây bàng trái vuông Trường Sa.
Tỉnh Quảng Trị tiếp nhận đá chủ quyền Trường Sa và cây bàng quả vuông tại lễ thượng cờ đầu cầu Hiền Lương.
|
Lễ Thượng cờ diễn ra tại Kỳ đài lịch sử mà suốt 20 năm quân và dân cả nước đã bảo vệ lá cờ như bảo vệ chính trái tim Tổ quốc. Trong không khí trang nghiêm lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên đỉnh cột cờ Hiền Lương, mở đầu cho các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao chào mừng Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và 39 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1-5-1972 - 1-5-2011).
Sau lễ thượng cờ là lễ tiếp nhận đá chủ quyền và cây bàng quả vuông Trường Sa, do Bộ Tư lệnh Hải quân và Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện đảo Trường Sa trao tặng Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị.
Nhân dịp này, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Hội đua thuyền truyền thống trên dòng sông Bến Hải.
* Sáng 30-4, Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức trọng thể lễ viếng và truy điệu anh Lý Tự Trọng - người đoàn viên TNCS đầu tiên, tại Nhà tang lễ TP Hồ Chí Minh. Trước đó, di hài anh Lý Tự Trọng đã được tìm thấy giữa lòng TP Hồ Chí Minh vào đúng những ngày tháng 4 lịch sử.
Ðến viếng anh Lý Tự Trọng có các đoàn đại biểu của T.Ư Ðoàn, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Thành ủy, HÐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, tỉnh Hà Tĩnh, các ban, ngành, đoàn thể và đông đảo đoàn viên, thanh niên, đội viên, sinh viên, học sinh TP Hồ Chí Minh, cùng đại diện dòng tộc và bà con quê hương Hà Tĩnh.
Anh Lý Tự Trọng (tên thật Lê Hữu Trọng), quê làng Việt Xuyên, xã Thạch Minh (Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Năm 14 tuổi, anh được tổ chức chọn sang Quảng Châu, Trung Quốc học tập và được Bác Hồ đưa vào nhóm 'Thiếu niên tiền phong Việt Nam', một tổ chức thanh thiếu niên Cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam, và được Bác Hồ đổi tên là Lý Tự Trọng. Giữa năm 1929, Lý Tự Trọng được cử về hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 8-2-1931, tại cuộc mít-tinh, diễn thuyết, tuyên truyền về cách mạng của Thành ủy Sài Gòn, khi bị mật thám và cảnh sát của thực dân Pháp vây bắt, để cứu đồng chí mình, Lý Tự Trọng đã bắn chết tên thanh tra mật thám Pháp, và bị giặc bắt. Kẻ thù giam cầm, tra tấn anh rất dã man và ngày 21-11-1931, Lý Tự Trọng hy sinh khi mới 17 tuổi đời.
Sau lễ truy điệu, chiều 30-4, di hài anh Lý Tự Trọng sẽ được đưa từ TP Hồ Chí Minh, nơi anh đã chiến đấu và hy sinh anh dũng, về với quê hương đất mẹ núi Hồng, sông La mà lúc sinh thời anh từng mong ước được đặt chân. Ngày 4-5, di hài anh Lý Tự Trọng sẽ được an táng tại quê nhà Việt Xuyên, Thạch Hà, Hà Tĩnh.
(Theo NDĐT)
Các tin khác
YBĐT - Công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp tại huyện vùng cao Mù Cang Chải( Yên Bái) đang bước vào giai đoạn cuối cùng trên tinh thần dân chủ, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm. Tất cả đã sẵn sàng cho ngày hội lớn.
YBĐT - Ngày 29/4, Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc (3/5/1946 - 3/5/2011).
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự lễ kỷ niệm tại TP Hồ Chí Minh / Tập thể chiến sĩ cách mạng Nhà tù Hỏa Lò đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân / Ðại lộ Ðông - Tây được mang tên Võ Văn Kiệt / Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Nhận lời mời của Phó Tổng thống Cộng hòa Nam Phi Kgalema Motlanthe và Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu Irene Natividad, ngày 29/4, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và các thành viên đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam đã lên đường thăm chính thức Cộng hòa Nam Phi và dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 21 tại Istanbul từ ngày 30/4-7/5/2011.