Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2011)

Hồ Chí Minh và cuộc hành trình của thời đại

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/6/2011 | 8:31:59 AM

Đêm 5-6, TPHCM phối hợp cùng các địa phương Hà Nội, Cao Bằng, Nghệ An, Đồng Tháp tổ chức cầu truyền hình với chủ đề “Hồ Chí Minh - Cuộc hành trình của thời đại”.

Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao đổi với các đại biểu tại lễ kỷ niệm.
Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao đổi với các đại biểu tại lễ kỷ niệm.

Tham dự cầu truyền hình, phía Hà Nội có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm...

Tầm nhìn hơn người

Chương trình cầu truyền hình qua 5 điểm cầu đã khái quát lại cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những hy sinh, cống hiến của Người cho đất nước. Đặc biệt chương trình tập trung  phân tích động lực thật sự khiến người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành kéo dài cuộc hành trình 30 năm qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Cuộc hành trình đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết tiên phong của thời đại giúp Người tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.

Trong chương trình, các vị khách mời đã phân tích rõ những quyết sách tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng khó khăn nhất của cách mạng Việt Nam. Những câu hỏi và ý kiến trao đổi trong chương trình cũng cho thấy tinh thần nhiệt huyết của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành 100 năm về trước, luôn soi rọi cho thế hệ trẻ hôm nay con đường bảo vệ và xây dựng đất nước.

Nhìn nhận về tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày bôn ba tìm đường cứu nước ở nước ngoài, nhà sử học người Pháp Alain Ruscio cho rằng: Một trong những việc làm mà Hồ Chí Minh trong hàng ngũ của Đảng Xã hội và sau này là Đảng Cộng sản Pháp muốn thực hiện là thu hút sự chú ý của các đồng chí người Pháp vì tầm quan trọng của cuộc đấu tranh của các dân tộc ở châu Phi và châu Á. Ông là người đầu tiên đưa ra ẩn dụ so sánh chủ nghĩa đế quốc với con bạch tuộc hai vòi và cần phải cắt cả hai vòi đó. Ông nói với các đồng chí của mình là cần phải đập tan hệ thống này trên các thuộc địa. Và, ông trở thành người mở đầu cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Tại suối Lênin - một địa danh của cách mạng Việt Nam - địa phương đầu tiên mà Nguyễn Ái Quốc đã chọn khi trở về nước, ông Nông Hải Pín, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Cao Bằng, tâm sự: Về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện ngay việc tập hợp và bồi dưỡng, giáo dục phong trào quần chúng cho cán bộ. Từ đây, phong trào quần chúng đã len vào tận thôn xóm. Mặt trận Việt Minh là sợi dây nối liền chặt chẽ giữa Đảng và dân. Bác khẳng định yếu tố “Lấy dân làm gốc”, chính là yếu tố quan trọng. Từ đó đến nay, 54 dân tộc đã đoàn kết xung quanh Đảng và đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Kỷ vật đặc biệt

Trong tình yêu thương của Bác dành cho đất nước, tình cảm đối với miền Nam là một tình cảm rất đặc biệt. Bởi Bác thương “miền Nam đi trước về sau”, “miền Nam thành đồng Tổ quốc”. Nhân dân cả nước tham gia cầu truyền hình và khán giả xem đài đã xúc động với một kỷ vật đặc biệt được Chủ tịch Hồ Chí Minh cất giữ trong chiếc hộp sơn mài đặt tại vị trí trên cao, rất trang trọng tại phòng làm việc của Bác. Đến khi Bác đi xa, những người phục vụ mới biết trong đó là bức ảnh ghi nhận quân và dân tỉnh Đồng Tháp đứng trang trọng xung quanh ngôi mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong cơn mưa tầm tã, tại đầu cầu truyền hình tỉnh Đồng Tháp, trong khuôn viên di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, ông Võ Hồng Nhân, Bí thư Thị ủy Cao Lãnh từ năm 1972 đến 1975, đã bồi hồi kể: Tấm ảnh được chụp vào khoảng năm 1954. Thời điểm đó, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc và ta có 100 ngày để thực hiện việc chuyển quân. Tỉnh ủy Long Châu Sa đã chỉ đạo Tiểu đoàn 311 xây dựng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Đến tháng 10-1954, công trình hoàn thành. Sau đó, các chiến sĩ Tiểu đoàn 311 cùng nhân dân làng Hòa An chụp ảnh bên phần mộ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc để làm kỷ niệm và mang tấm ảnh này ra Bắc tặng Bác Hồ. Nhân dân Hòa An, Cao Lãnh vừa chiến đấu chống kẻ thù, vừa bảo vệ an toàn phần mộ của cụ Phó bảng đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất nước nhà…

Đó là một trong muôn vàn câu chuyện về tình cảm sâu nặng của miền Nam đối với Bác Hồ, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Một khúc ca vừa hùng tráng, vừa trữ tình, đẹp như non sông gấm vóc của miền Nam nước ta, đẹp như lòng yêu nước của đồng bào miền Nam và đồng bào cả nước đối với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân Việt Nam”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin rất lớn vào đội ngũ thanh niên. Người luôn cho rằng thế hệ trẻ sẽ là đội ngũ kế thừa xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Thay mặt thế hệ trẻ hôm nay, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Võ Văn Thưởng khẳng định: Kính trọng Bác, học tập Bác, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ tổ chức vận động giáo dục để đoàn viên thanh niên nêu cao lòng yêu nước, trách nhiệm công dân, nỗ lực học tập, lao động, rèn luyện. Mỗi một đoàn viên thanh niên dù trong vị trí nào cũng phải vượt qua trở ngại để hoàn thành tốt nhất công việc của mình, góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Ba trọng tâm phải làm

Hiện nay, toàn Đảng toàn quân và toàn dân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện lời dạy của Người, mong ước của Người. Chúng ta có nhiều việc phải làm nhưng tôi muốn nhấn mạnh 3 trọng tâm chúng ta phải làm. Thứ nhất, chúng ta phải giữ vững ổn định chính trị xã hội của đất nước. Phải giữ vững thành quả cách mạng của biết bao thế hệ đồng bào đồng chí đã ngã xuống mới có được hôm nay. Có được ổn định chính trị xã hội thì mới xây dựng đất nước. Thứ hai, phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là bài học quý báu, là truyền thống quý báu của Đảng ta, của dân tộc ta. Chúng ta phải tăng cường khối đại đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế, đoàn kết tạo nên sức mạnh to lớn về tinh thần và vật chất để chúng ta giành thắng lợi. Thứ ba, mỗi người dân VN dù già hay trẻ đều phải ý thức đầy đủ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình, phải đoàn kết, ra sức lao động lao động cật lực, lao động với hiệu quả cao, lao động với sự năng động và sáng tạo. Phải xây dựng nguồn nhân lực đủ mạnh, rộng khắp trên hầu khắp các lĩnh vực mà đất nước yêu cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng. Mỗi người chúng ta phải luôn luôn học tập và rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(Theo SGGP)

Các tin khác

Trong ngày cuối cùng của diễn đàn, sau bài phát biểu, đại tướng Phùng Quang Thanh (ảnh) đã trả lời thẳng thắn nhiều câu hỏi liên quan tới những diễn biến gần đây ở biển Đông và chính sách quốc phòng của Việt Nam.

YBĐT - Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh công bố kết quả cuộc bầu cử đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2011 -2016; kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam; hơn 8.000 thí sinh hoàn thành chương trình thi tốt nghiệp THPT năm học 2010 - 2011; UBND tỉnh tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng ngày quốc tế đa dạng sinh học, ngày Môi trường thế giới và năm Quốc tế về rừng... là những sự kiện đáng chú ý đã diễn ra trong tuần qua.

Ngày 26/5/2011, ba tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi tàu Bình Minh 02 đang khảo sát địa chấn trong vùng thềm lục địa của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Guido Westerwelle, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Đức.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam luôn mong muốn cùng Đức thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác hai nước ngày càng sâu rộng, hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục