Thành tựu 20 năm tái lập tỉnh tạo nền tảng cho Lào Cai phát triển bền vững
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/9/2011 | 9:39:44 AM
Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Lào Cai đã đạt được thành tựu to lớn và rất quan trọng, ghi mốc son mới trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của địa phương hơn 100 năm qua.
|
Ngày 1/10/1991, thực hiện Nghị quyết Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9, tỉnh Lào Cai chính thức đi vào hoạt động. Khi mới tái lập tỉnh, do ảnh hưởng của chiến tranh biên giới và sự trì trệ trong chuyển đổi cơ chế kinh tế, tổng sản phẩm quốc dân của tỉnh rất thấp, hệ thống hạ tầng thấp kém và thiếu thốn, đời sống kinh tế - xã hội vô cùng khó khăn, an ninh trật tự nông thôn, nhất là trên tuyến biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiềm ẩn nhiều dấu hiệu mất ổn định chính trị.
Kiên trì đường lối đổi mới của Đảng, huy động mọi nguồn lực cho xây dựng và phát triển, đẩy mạnh củng cố hệ thống chính trị, sau 4 kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các khóa X, XI, XII, XIII, GDP bình quân đầu người của tỉnh từ 680 nghìn đồng/năm 1991 đã tăng lên 16,2 triệu đồng, gấp 20 lần; thu ngân sách địa phương từ 39 tỷ đồng tăng lên trên 2.106 tỷ đồng, hộ đói nghèo 54,8% giảm xuống còn 16,8%, cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm cho hộ nghèo; đầu tư nước ngoài rất thấp, đến nay đã đạt 485 triệu USD; giá trị xuất, nhập khẩu từ 1 triệu USD đã tăng lên 1 tỷ USD.
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ vượt bậc, năm 2005 đạt chương trình phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và xóa mù chữ, năm 2007 đạt kế hoạch phổ cập giáo dục trung học cơ sở; hệ thống mạng lưới y tế quốc gia được tăng cường, đã có 75% số xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, nhiều năm liên tục không để xảy ra dịch bệnh lớn, dịch bệnh được kiểm soát.
Quốc phòng - an ninh không ngừng được củng cố. Năm 2007 là tỉnh đầu tiên trên tuyến biên giới Việt - Trung hoàn thành việc phân giới cắm mốc, quan hệ kinh tế đối ngoại rộng mở, đến nay đã có quan hệ kinh tế với hàng chục doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ.
Chính quyền các cấp được tăng cường, công tác cải cách hành chính đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhiều năm xếp thứ hạng cao, năm 2009 xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, năm 2010 vươn lên đứng thứ hai trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu.
Bài học thành công trong lãnh đạo xây dựng lại Lào Cai trong suốt hai thập niên qua là tài sản rất quý báu, là nền móng cho việc tiếp tục củng cố vị thế Lào Cai trong chặng đường tiếp theo.
Trước hết là bài học về sự đoàn kết thống nhất cao trong cấp ủy, chính quyền từ tỉnh xuống đến cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối đổi mới, cụ thể hóa trong Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh suốt 4 kỳ Đại hội. Sự năng động, sáng tạo trong cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở, trước hết là những cán bộ chủ chốt dám nghĩ, dám làm, luôn gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Là vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào thực tiễn địa phương, xác định rõ nhiệm vụ chính trị - ổn định đời sống nhân dân; khai thác lợi thế để phát triển những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, những khó khăn thách thức và tiềm năng, thế mạnh, những khâu đột phá để đề ra chiến lược phát triển lâu dài và thường xuyên bổ sung cụ thể cho kế hoạch phát triển từng thời kỳ.
Đó là bài học lớn trong triển khai 7 chương trình trọng tâm với 29 đề án chuyên đề trong suốt 10 năm đầu thế kỷ XXI; về khai thông biên giới và tăng cường hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong xu thế hội nhập của đất nước, để trở thành cầu nối trên tuyến hành lang kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai (Việt Nam) - Côn Minh (Trung Quốc).
Bài học về cải cách hành chính, thu hút đầu tư, tạo sức hấp dẫn các doanh nghiệp trong phương châm "Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển", tạo sự thông thoáng trong sản xuất, kinh doanh và cải cách hành chính.
Bước vào giai đoạn mới, với thế và lực đã được dày công vun đắp, kế thừa kinh nghiệm triển khai thắng lợi chương trình trọng tâm với các đề án, nghị quyết chuyên đề, phát huy hiệu quả các chương trình, dự án nhiều năm trước đã thực hiện, sớm có các giải pháp khắc phục khó khăn vốn có của tỉnh vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc.
Với quan điểm tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững, nông nghiệp, nông thôn luôn giữ vai trò trọng tâm, phát triển công nghiệp làm chủ đạo, thương mại - dịch vụ - du lịch làm mũi nhọn. Lấy văn hóa, giáo dục làm nền tảng và động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Coi trọng phát triển, tăng trưởng kinh tế đi đôi với cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường củng cố an ninh - quốc phòng; đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho phát triển, mở rộng đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo trên, xác định mục tiêu quyết tâm đến năm 2015 xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh khá của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là địa bàn quan trọng về hợp tác và giao lưu kinh tế quốc tế của vùng và cả nước... tạo tiền đề vững chắc để đến năm 2010, trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
Để cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo, trong những năm tới, Lào Cai sẽ tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là trọng tâm, là nhân tố quyết định thành công mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, khu vực chiếm trên 80% dân số, địa bàn chiến lược có nguồn nhân lực dồi dào.
Kết hợp chặt chẽ việc gắn xây dựng nông thôn mới và đào tạo nghề cho nông dân; xây dựng hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội để phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân; nhanh chóng tạo ra các yếu tố bên trong vững mạnh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp bình quân đạt 6,5%/năm; đến năm 2015: tổng sản lượng lương thực đạt 245 nghìn tấn, có 35 xã đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Phát triển công nghiệp làm chủ đạo, là nền tảng tạo ra sự tăng trưởng cao, thúc đẩy sự phát triển các khu vực kinh tế nông nghiệp, thương mại dịch vụ, tạo thêm nhiều việc làm mới, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang làm công nghiệp, dịch vụ, biến tiềm năng, lợi thế của tỉnh về khai thác, chế biến khoáng sản sâu thành cơ sở vật chất để tăng thu ngân sách cho đầu tư phát triển.
Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến sâu về khoáng sản, chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ gắn với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tăng giá trị của sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ngoài các khu công nghiệp hiện có như: Đông Phố Mới, Bắc Duyên Hải, Tằng Loỏng và Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư thêm 2 - 3 khu công nghiệp và cụm tiểu thủ công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa, tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động phi nông nghiệp, thu hút đầu tư phát triển.
Quy hoạch và khai thác, chế biến sâu các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, lợi thế cạnh tranh của tỉnh Lào Cai như: Apatít, sắt, đồng, fenspat, vàng... để sản xuất phân bón, hóa chất, luyện kim, hình thành tổ hợp sản xuất từ khai thác khoáng sản - chế biến nguyên liệu khoáng - chế biến sản phẩm tiêu dùng và sản xuất, trên cơ sở đó phát triển công nghiệp phụ trợ.
Đẩy mạnh chế biến nông, lâm sản: gỗ, chè, hoa quả, thực phẩm. Hình thành và phát triển các khu kinh tế tổng hợp, các khu kinh tế cửa khẩu. Phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.200 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 18%, tỷ trọng giá trị công nghiệp - xây dựng đạt 41,1% trong tổng GDP.
Đẩy mạnh phát triển và từng bước nâng cao chất lượng các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, được coi là mũi nhọn phát triển, phát triển dịch vụ gắn chặt với việc đảm bảo môi trường bền vững; là chức năng hậu cần của nền kinh tế, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tạo môi trường hấp dẫn thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Trong đó tập trung vào các ngành dịch vụ Lào Cai có thế mạnh, nhiều lợi thế, đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu trong nước đang có nhu cầu. Với vị trí cầu nối trên tuyến hành lang kinh tế trong nước nối với Côn Minh và vùng Tây Nam Trung Quốc giàu tiềm năng; tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, nghiên cứu và dự báo thị trường để đẩy mạnh xuất, nhập khẩu, du lịch qua cửa khẩu Quốc tế Lào Cai tại Hồ Kiều và Kim Thành.
Tận dụng tối đa lợi thế so sánh về vị trí địa kinh tế để tổ chức khai thác tối đa khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, trọng tâm là Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành, cảng cạn (ICD) Lào Cai, Khu Công nghiệp Đông Phố Mới, Bắc Duyên Hải. Quảng bá, nâng cao thương hiệu khu du lịch Sa Pa, Bắc Hà và các điểm du lịch trong tỉnh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành thương mại - dịch vụ đạt 15%/năm; thu hút 1,2 triệu lượt khách du lịch vào năm 2015.
Cùng với phát triển các ngành kinh tế, nhiệm vụ xây dựng đô thị, nâng cao chất lượng đô thị, thúc đẩy nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là hết sức quan trọng. Sớm rà soát, bổ sung các quy hoạch đô thị: Thành phố Lào Cai, thị trấn Sa Pa, Phố Lu và các trung tâm huyện lỵ; xây dựng quy hoạch chung đô thị Lào Cai đến 2020, tầm nhìn đến 2030; triển khai đồng bộ hạ tầng ở các đô thị quan trọng (thành phố Lào Cai, thị trấn Sa Pa, Phố Lu, Bắc Hà...).
Xây dựng thành phố cửa khẩu biên giới Lào Cai hiện đại, sạch đẹp, văn minh. Triển khai xây dựng nông thôn mới theo hướng toàn diện, bền vững, tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng, địa phương mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Lào Cai. Tập trung vào các nội dung cơ bản: Quy hoạch, phát triển hạ tầng kinh tế, văn hoá, phát triển sản xuất, văn hoá, xã hội gắn với đảm bảo chất lượng môi trường, xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Lấy văn hóa, giáo dục làm nền tảng và động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Giáo dục phổ thông là nền tảng, đào tạo nghề là then chốt trong chiến lược nâng cao chất lượng, số lượng nguồn nhân lực. Sớm xây dựng Trường Đại học Lào Cai, quan tâm tới nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, duy trì vững chắc chất lượng phổ cập giáo dục đã đạt được, phấn đấu đến năm 2015, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, từng bước phấn đấu xây dựng hệ thống giáo dục từ trường mầm non đến trường phổ thông trung học đạt chuẩn quốc gia. Coi trọng và đẩy mạnh đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề cho người lao động.
Chăm lo xây dựng hệ thống y tế từng bước hiện đại, hoàn chỉnh đồng bộ từ tỉnh xuống đến cơ sở, chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển văn hóa, thể thao, thông tin, truyền thông.
Tích cực triển khai và thực hiện có hiệu quả các chính sách giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững, nhất là trên địa bàn 3 huyện nghèo: Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 25% theo tiêu chí mới. Coi phát triển, tăng trưởng kinh tế đi đôi với cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, bảo đảm cho sự phát triển bền vững.
Tăng cường củng cố an ninh - quốc phòng; đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển; mở rộng đối ngoại. Xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Phấn đấu trong những năm tới hoàn thành thắng lợi các mục tiêu về duy trì và phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, nâng cao vị thế mới của Lào Cai là cầu nối trên tuyến hành lang kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh, là địa bàn quan trọng về hợp tác và giao lưu kinh tế quốc tế không chỉ của vùng trung du, miền núi phía Bắc, khu vực Bắc bộ, mà còn là cầu nối để các vùng, miền trong nước hợp tác với các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông (GMS). Tạo bước chuyển biến mạnh hơn, hiệu quả hơn trong triển khai và thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các thế hệ người Lào Cai đã không quản hy sinh trong chiến đấu, cần cù trong lao động sản xuất, năng động trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, bài học xây dựng lại tỉnh Lào Cai sau 20 năm tái lập tỉnh (1991 - 2011) sẽ là nền tảng cho sự bứt phá phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.
Sát cánh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc, chiến sĩ các lực lượng vũ trang Lào Cai sẽ phát huy nội lực, tăng cường hợp tác, tận dụng vận hội mới để đẩy nhanh tốc độ phát triển, xây dựng quê hương Lào Cai giàu mạnh, vững vàng trên biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
NGUYỄN VĂN VỊNH - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lao Cai
Các tin khác
YBĐT - Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2/2/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” đã đem lại những kết quả và chuyển biến rõ nét.
YBĐT - Chiều 29/9, huyện Văn Chấn (Yên Bái) tổ chức gặp mặt 356 bí thư chi bộ chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở khối xã, thị trấn năm 2011 và kỷ niệm 64 năm thành lập Đảng bộ huyện Văn Chấn (30/0/1947 - 30/9/2011). Đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái tới dự.
YBĐT - Cử tri một số địa phương ở Yên Bái mong rằng: Quốc hội cần phát huy chức năng giám mạnh hơn trong việc thực chính sách pháp luật của các cơ quan, Nhà nước, nhất là đối với các dự án đầu tư công.
YBĐT - Sáng 29/9, tại tỉnh Yên Bái, Cục Chính trị Quân khu II phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Sơ kết 2 năm thực hiện Quy chế phối hợp hoạt động công tác dân vận giữa Cục Chính trị Quân khu với Ban Dân vận 9 tỉnh trên địa bàn.