Tăng chi đầu tư cho các tỉnh nghèo
- Cập nhật: Thứ bảy, 29/10/2011 | 2:16:45 PM
YBĐT - Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trước đó, nhiều vị đại biểu là bộ trưởng đã đăng đàn cho ý kiến và giải trình thêm nhiều vấn đề còn nhiều băn khoăn của các đại biểu QH.
Ông Nguyễn Công Bình - đại biểu QH tỉnh Yên Bái phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận tại hội trường.
|
Phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận tại hội trường cuối tuần qua, đại biểu Quốc hội (QH) tỉnh Yên Bái - Nguyễn Công Bình cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2011; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2012.
Ông Bình cho rằng, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 11 với các giải pháp đúng đắn nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Qua 7 tháng thực hiện, mặc dù tăng trưởng kinh tế có chậm lại nhưng lạm phát đã giảm. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Nghị quyết 11 cũng có những khó khăn nhất định trong hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tình trạng người lao động thiếu việc làm, tăng hơn so với thời gian trước, nhất là ở các tỉnh miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, đã có tác động trực tiếp làm giảm số thu ngân sách.
Về chi ngân sách Nhà nước năm 2011, Chính phủ chưa thể hiện rõ về yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế. Thực tế, tình trạng bình quân, dàn trải, chia cắt, thiếu liên kết vùng và thiếu tập trung chưa được cải thiện đáng kể. Đó là do hiệu quả quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước chưa nghiêm, kỷ luật tài chính còn lỏng lẻo và thiếu đồng bộ. Để thực hiện tháng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, và kế hoạch 5 năm 2011- 2015 mà QH đã thảo luận, đại Nguyễn Công biểu Bình cho rằng việc phân bổ ngân sách Nhà nước hàng năm và tình đến trong cả giai đoạn cần rõ các khoản chi để thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế cũng như được phản ánh trong cơ cấu chi ngân sách.
Từ thực tiễn cũng như nguyện vọng của cử tri tỉnh miền núi nguồn thu thấp và còn nhiều khó khăn, ông Nguyễn Công Bình tham gia ý kiến: Về nguyên tắc phân bổ ngân sách T.Ư, ngoài việc tăng chi cho con người, cho an sinh xã hội, các đối tượng chính sách xã hội, cán bộ cơ sở, vùng kinh tế động lực thì quan tâm hơn đến đầu tư cho các tỉnh nghèo ở vùng Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ và 62 huyện nghèo; tăng chi cho nông nghiệp nông thôn, nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới để giảm bớt chênh lệnh về điều kiện sản xuất, sinh hoạt giữa các vùng miền, vừa tạo cơ sở chính trị vững chắc và từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Đối với quản lý Nhà nước về ngân sách, nên có một ủy ban để tham mưu giúp việc cho Chính phủ để chỉ đạo tất cả các tập đoàn, tổng công ty. Chủ trương tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty được đại biểu đồng tình và cho rằng Chính phủ không nên chậm trễ triển khai nhưng cũng không để tái hiện Vinashin như trước đây. Các địa phương có nguồn thu thấp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai cần được tăng thêm mức dự phòng ngân sách bằng 5% tổng chi ngân sách (hiện nay là 3%) để giúp các địa phương chủ động hơn trong phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng về Quốc phòng- an ninh.
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trước đó, nhiều vị đại biểu là bộ trưởng đã đăng đàn cho ý kiến và giải trình thêm nhiều vấn đề còn nhiều băn khoăn của các đại biểu QH.
Đại biểu Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Tài chính khẳng định nợ công của Việt Nam vẫn ở mức an toàn. Về cơ cấu nợ, nợ nước ngoài đang giảm, nợ trong nước tăng lên, đó là xu hướng tốt. Tình hình nợ công đang được cập nhật mỗi 3 tháng, 6 tháng; được Cục Quản lý nợ nước ngoài thuộc Bộ Tài chính theo dõi sát sao. Khoản chi trả nợ hiện mới chiếm 14-6% tổng ngân sách, trong khi theo thông lệ quốc tế, ngưỡng an toàn là không quá 30%.
Về tình hình cắt giảm đầu tư công được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định: các bộ ngành địa phương đã thực hiện nghiêm việc cắt giảm đầu tư công và chia sẻ cái khó của một số địa phương về việc phải dừng khởi công nhiều dự án đã giao kế hoạch từ cuối năm 2010, song đó là việc làm cần thiết để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Giải trình vấn đề về ùn tắc, tai nạn giao thông, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nhấn mạnh: Các giải pháp đề xuất Chính phủ như đổi giờ làm việc hay sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế dần phương tiện cá nhân, đều không phải sáng kiến của Bộ mà đều đã có chủ trương từ trước, nay chúng ta phải tiếp tục làm quyết liệt. Những giải pháp ấy có thể ảnh hưởng đến một bộ phận người dân, chúng tôi mong được cử tri chia sẻ và cảm thông của cán bộ và nhân dân, nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để cùng đạt được mục tiêu lớn hơn vì lợi ích của toàn xã hội.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình phát biểu sẽ nghiêm túc xem xét, tiếp thu các ý kiến của đại biểu bức xúc về tiền lương. Tuy nhiên, vấn đề cần được tính toán tổng thể để đảm bảo cân đối vĩ mô. Bộ Nội vụ sẽ tập trung đề xuất mức lương tối thiểu từ đó tiếp tục tính toán thang bảng lương cụ thể cũng như chế độ phụ cấp sẽ tính toán để đưa vào lương mới.
Huy Văn
Các tin khác
YBĐT - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ngô Thị Chinh yêu cầu huyện Trạm Tấu cần chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo và sau đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn với việc xây dựng nông thôn mới.
Trong phiên thảo luận sáng nay, 28-10, về tình hình kinh tế xã hội 2011, kế hoạch 2012, điểm khác biệt so với hai phiên thảo luận trước là có tới bốn bộ trưởng đã đăng đàn, giải trình thêm nhiều vấn đề với Quốc hội.
Chiều 27/10, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) của Việt Nam, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận chính sách chung cuộc họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 36, đang diễn ra tại Paris (Pháp).
YBĐT - Ngày 28/10, Sở Thông tin và Truyền thông và Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái đã phối hợp tổ chức Giao ban báo chí quý III năm 2011.