Luân chuyển cán bộ ở Yên Bái: Hiệu quả và kinh nghiệm
- Cập nhật: Thứ ba, 1/11/2011 | 9:19:29 AM
YBĐT - Đưa Yên Bái thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, trở thành tỉnh phát triển toàn diện trong khu vực, sự đột phá có tính tiên quyết là làm chuyển biến một bước trong "cái gốc của mọi công việc".
Đồng chí Dương Văn Thống (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái đi cơ sở tại huyện Văn Chấn.
|
Đó chính là cơ sở để triển khai hiệu quả các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng mà Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều chính sách nhằm thu hút nguồn trí thức trẻ, cán bộ về công tác ở cơ sở, tạo đột phá trong công tác cán bộ.
Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã coi trọng công tác tư tưởng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên thông suốt về tư tưởng, thống nhất về nhận thức để tự giác, quyết tâm thực hiện đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, tư tưởng cục bộ, địa phương ngay từ cơ sở. Do đó, các phương án luân chuyển cán bộ nhìn chung thực hiện bảo đảm mục đích, yêu cầu đề ra.
Ngoài việc chỉ đạo và tiến hành rà soát, đánh giá đúng thực trạng chất lượng, khả năng, năng lực thực chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý và phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ, các cấp ủy đã xác định rõ từng vị trí ở địa phương, cơ sở cần thay thế, luân chuyển ở những chức danh cụ thể. Qua đó dự kiến nguồn cán bộ luân chuyển thực hiện nhiệm vụ và đảm nhận chức danh để bố trí phù hợp. Việc rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ bước đầu đã thực hiện đúng qui trình, bảo đảm tiêu chuẩn cán bộ; hạn chế biểu hiện ngại va chạm, nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quí”.
Đồng chí Nguyễn Văn Thanh - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, thời gian qua, Yên Bái đã luân chuyển 318 cán bộ theo Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, trong đó tỉnh về huyện 18 đồng chí, huyện về tỉnh 35 đồng chí; luân chuyển từ ngành về huyện 13 đồng chí, huyện về ngành 39 đồng chí; từ huyện về xã 85 đồng chí...
Đội ngũ này được đào tạo cơ bản, tiếp cận nhanh với công việc và môi trường công tác, thể hiện rõ năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có uy tín đối với nơi luân chuyển đến, góp phần lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Nhiều cán bộ qua luân chuyển đã trưởng thành về cách nghĩ, cách làm và bản lĩnh; tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn; có quan điểm, cách nhìn nhận và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện. Nhiều đồng chí luân chuyển về huyện, xã sau thời gian phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được bổ nhiệm, đề bạt theo quy hoạch trước khi luân chuyển.
Kết quả này đã có tác động tích cực đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ của tỉnh. Những nơi có cán bộ luân chuyển đến đều có chuyển biến rõ nét; củng cố các cơ sở Đảng yếu, kém; cơ cấu cán bộ các cấp, các ngành được điều chỉnh, sắp xếp phù hợp hơn, nhất là hai huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Đồng thời khắc phục cơ bản tình trạng khép kín, cục bộ trong công tác cán bộ ở từng ngành, từng địa phương và tình trạng cán bộ chủ chốt giữ chức vụ bầu cử đến ba nhiệm kỳ ở một địa phương, hoặc giữ chức vụ bổ nhiệm ở một cơ quan, đơn vị nhiều năm. Đặc biệt đã khắc phục được tư tưởng trì trệ, làm việc theo kinh nghiệm, kém năng động do giữ một cương vị lãnh đạo quá lâu ở một địa phương.
Về công tác tại huyện Văn Chấn với diện tích rộng nhất tỉnh; dân số gần 15 vạn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 65%; tình hình đơn thư khiếu nại còn để kéo dài, nảy sinh mâu thuẫn giữa người dân với doanh nghiệp khai thác khoáng sản; tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán khoáng sản, lâm sản trái phép diễn biến phức tạp... là một thách thức không nhỏ đối với Bí thư Huyện ủy Dương Văn Thống (nay là Phó bí thư Thường trực tỉnh ủy Yên Bái).
Xây dựng Văn Chấn trở thành trung tâm động lực phát triển phía tây của tỉnh, đồng chí đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất của tập thể cấp ủy, đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm vừa lãnh đạo toàn diện các nhiệm vụ chính trị vừa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng, bức xúc nảy sinh. Qua gần ba năm lãnh đạo, chỉ đạo ở cơ sở đã giúp đồng chí tích lũy kinh nghiệm quý báu trong việc tham mưu hoạch định đường lối, ban hành chính sách, tầm nhìn chiến lược ngắn hạn và dài hạn.
Đồng chí Dương Văn Thống chia sẻ: “Để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, bản thân mình phải toàn tâm toàn ý, tận tụy với công việc mà tổ chức phân công; gần gũi, sâu sát cơ sở, xử lý linh hoạt những vấn đề phức tạp nảy sinh trong thực tiễn; phải đoàn kết và quy tụ được đội ngũ cán bộ nơi mình đến công tác. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy phải luôn đổi mới, chú trọng đổi mới tư duy cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong từng ngành, từng lĩnh vực, cần lựa chọn khâu đột phá và thứ tự ưu tiên, bảo đảm nguồn lực để tổ chức thực hiện”.
Tuy nhiên, qua nắm bắt ở cơ sở vẫn còn một số ít cán bộ lãnh đạo, quản lý được điều động, luân chuyển nhận thức chưa đúng đắn, có biểu hiện suy tính cá nhân hoặc ngại khó, ngại khổ và chưa thực sự tự giác, tự nguyện nhận nhiệm vụ mới. Có cán bộ thời gian luân chuyển ở cơ sở lâu đã ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác. Cán bộ từ cấp huyện luân chuyển về cơ sở gặp khó khăn về biên chế vì khi được luân chuyển vẫn giữ nguyên biên chế ở cơ quan cũ. Ngược lại, muốn điều động, luân chuyển cán bộ từ cơ sở lên cấp huyện phải thực hiện theo quy chế tuyển dụng nhưng cấp huyện không có chỉ tiêu biên chế, dẫn đến tình trạng nơi thừa nơi thiếu hoặc phải "chồng" chức danh khác cho cán bộ luân chuyển.
Để công tác luân chuyển cán bộ bảo đảm hiệu quả hơn trước yêu cầu mới, tỉnh cần quan tâm dành nguồn kinh phí thích hợp cho công tác đào tạo cán bộ. Vì hiện nay, trình độ, năng lực cán bộ cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn còn yếu kém, bất cập. Bên cạnh đó, cần sớm ban hành chính sách thống nhất đối với cán bộ luân chuyển để tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện như: chính sách tiền lương, chế độ nhà công vụ, chế độ phụ cấp ban đầu, phụ cấp thường xuyên cho cán bộ đến cơ sở xã... để tạo điều kiện cho họ an tâm công tác. Đối với cán bộ luân chuyển giữ chức vụ bầu cử, cấp ủy cấp trên phải chỉ đạo cấp ủy cấp dưới thực hiện nghiêm túc quyết định; bảo đảm đắc cử chức vụ phân công, giới thiệu bầu cử, tạo niềm tin và uy tín của cán bộ ngay từ đầu.
Thành công hay thất bại trong công việc cách mạng đều do cán bộ tốt hay yếu. Nhìn nhận và sử dụng đúng cán bộ là một việc làm nghiêm túc, không vụ lợi, đáng được các cấp ủy quan tâm và thực hiện nghiêm túc.
Mỹ Sinh
Các tin khác
Ngày 31-10, kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 80, với chủ đề “Kết nối cảnh sát toàn cầu vì một thế giới hòa bình hơn. Tăng cường quan hệ đối tác, xây dựng năng lực và đổi mới” đã khai mạc tại Hà Nội và kéo dài đến ngày 3-11.
Ngày 31/10, tại Phủ nội các Nhật Bản ở thủ đô Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda. >>>Tuyên bố chung Việt Nam và Nhật Bản
Tiếp tục chương trình chuyến thăm chính thức Nhật Bản, sáng 31/10, tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Chủ tịch Kazuo Shii và Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Nhật Bản.
Sáng nay, 31/10, thảo luận về Dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012, các đại biểu đề nghị, hoạt động giám sát cần tập trung vào các vấn đề bức xúc nhất của xã hội, tránh dàn trải, chồng chéo và chú ý đến các kiến nghị hậu giám sát.