Qua cuộc thi viết phóng sự trên Báo Yên Bái: Làm phong phú hơn chất lượng nội dung tờ báo

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/11/2011 | 8:30:26 AM

YBĐT - Sau một năm Báo Yên Bái phát động, qua sơ khảo gần 200 tác phẩm, 57 tác phẩm đã lọt vào chung khảo. Từ ngày 21 - 31/10/2011, Hội đồng chung khảo đã chấm giải. Kết quả, 19 tác phẩm phóng sự xuất sắc nhất đã được trao giải.

Tuy không tạo những tác động nhanh, mạnh, trực tiếp tới các giác quan của người tiếp nhận như phóng sự của báo hình, báo ảnh, báo điện tử… song khả năng chuyển tải thông tin đa dạng của phóng sự trên báo in đã khiến cho cơ chế tiếp nhận và hiệu ứng tác động của thể loại này cũng mang những nét đặc thù so với một số thể loại ký và thông tấn báo chí khác.

Tiếp nối các cuộc thi trước, cuộc thi viết phóng sự trên Báo Yên Bái lần này được phát động từ đầu tháng 11.2010. Sau một năm phát động, Ban tổ chức đã nhận được hàng trăm tác phẩm của các tác giả chuyên và không chuyên, các nhà báo, các độc giả, bạn đọc, thông tín viên, cộng tác viên ở tất cả 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh gửi tới dự thi.

Đây là cuộc thi có số tác giả và tác phẩm dự thi đông nhất và cũng là năm cuộc thi phóng sự có tỷ lệ bài chất lượng hơn hẳn mọi năm. Điểm mới ở cuộc thi lần này là các tác phẩm phóng sự đều được tác giả “gợi ý” về một hướng hành động, một khát vọng vươn lên, một động cơ hướng thiện của con người. Ở đây, giá trị cũng như sức hấp dẫn của thông tin sự kiện chính là do tính chiến đấu, tinh thần nhân văn, dân chủ mà thể loại phóng sự đề cập.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà sau mỗi bài phóng sự viết về các tệ nạn xã hội nhức nhối, theo tiếng nói công luận minh bạch, thẳng thắn của bài phóng sự, các cơ quan chức năng sẽ ra tay thực thi biện pháp hành chính nhằm xử lý thực tại theo hướng tích cực để lập lại kỷ cương, trật tự xã hội. Phóng sự nhiều khi còn có hiệu ứng tác động tích cực vào hoạt động thực tiễn còn hơn cả những pháp lệnh hành chính.

Những phong trào xã hội tích cực như: ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn, học tập các tấm gương sáng trong lao động, phấn đấu xóa đói giảm nghèo… thường được phát động rộng khắp trong toàn xã hội nhờ sự châm ngòi và khích lệ của những bài phóng sự đi tiên phong phản ánh.

Qua vòng sơ khảo với gần 200 tác phẩm, 57 tác phẩm đã lọt vào chung khảo. Từ ngày 21 - 31/10/2011, Hội đồng chung khảo đã chấm giải. Kết quả, 19 tác phẩm phóng sự xuất sắc nhất đã được trao giải chính thức gồm 1 tác phẩm đạt giải nhất, 3 tác phẩm đạt giải nhì, 5 tác phẩm đạt giải ba và 10 tác phẩm đạt giải khuyến khích.

Có thể nói, 19 tác phẩm phóng sự đã được Ban giám khảo chấm và Ban tổ chức trao giải chính thức thực sự là những tác phẩm xuất sắc, ở nhiều góc độ qua lăng kính chủ quan của người cầm bút đã phản ánh chính xác, trung thực thực tiễn khách quan sinh động của cuộc sống thường nhật hàng ngày.

Đó là những người cán bộ hết lòng vì dân trong tác phẩm “Những “đầy tớ” của dân ở Đồng ruộng” của tác giả Nguyễn Giang, họ thực sự là những người “đầy tớ” chân chính và trung thành nhất của người nông dân ở bản Đồng Ruộng, xã Kiên Thành (Trấn Yên). Đó là sự cảnh báo về lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ người dân trước hoàn cảnh của một em nhỏ ở xã Bảo Ái (Yên Bình) bị ảnh hưởng của HIV trong tác phẩm “Tuổi thơ em cần được đến trường” của tác giả Tân Nhân huyện Yên Bình.

Tác phẩm đã thực sự góp một tiếng nói, một cách nhìn để chúng ta phải suy nghĩ xem mình đã làm gì để giảm thiểu sự phân biệt, kỳ thị, đối xử với những người không may bị nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS hôm nay. Đó là tiếng chuông cảnh báo tình trạng nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên mà hai tác giả Hồng Duyên - Hồng Khanh của Báo Yên Bái đề cập trong tác phẩm.

Đặc biệt, hình ảnh các vùng nông thôn còn nhiều khó khăn với ý chí vươn lên của người nông dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, hình ảnh vượt khó của những thầy cô giáo cắm bản hết lòng vì đàn em thân yêu để đem ánh sáng tri thức đến cho vùng cao mà các tác giả: Quang Thiều, Ngọc Sơn, Hùng Cường đề cập trong các tác phẩm phóng sự: “Xa lắm Làng Lao!”, “Những cô giáo cắm bản ở An Lương”, “Gieo chữ giữa đại ngàn”… thật đáng trân trọng và tự hào bởi cái đẹp ở đây đã được nhân lên gấp bội và trở thành những điển hình trong lao động, học tập và phấn đấu.

Bên cạnh việc phản ánh những mặt tích cực, những điển hình tiên tiến của cuộc sống, phóng sự còn phản ánh những mặt trái của xã hội trong cơ chế thị trường đầy cám dỗ hiện nay để cùng lên án, đấu tranh và đưa xã hội tiến tới gần hơn với công bằng, dân chủ và văn minh. Đó là những người lao động bị thiệt thòi vì doanh nghiệp nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội trong tác phẩm của Phí Quang Thái. Đó là sự buông lỏng quản lý trong việc hoang phí hơn 20 ha đất ở phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ) của Nguyễn Nhật Thanh. Đó là việc cấp ủy, chính quyền và các ngành liên quan ở Văn Chấn “Cần xem xét, giải quyết đất sản xuất cho người nông dân”, tránh mâu thuẫn bức xúc của dân ngay từ cơ sở của hai tác giả Văn Thông và Anh Dũng…

Tùy theo tính chất của sự kiện, vấn đề và mục đích thông tin mà người viết lựa chọn được những kiểu kết cấu, bố cục phù hợp nhất để chuyển tải thông tin sự thật một cách có hiệu quả. Ngay cả khi đó là những con số tưởng chừng như khô khan nhưng lại mang một giá trị thông tin to lớn. Vì vậy, hiệu quả của thông tin trong bài phóng sự luôn có sự lan tỏa mạnh mẽ và sâu xa. Điều này đã được hầu hết các tác giả cả phóng viên và cộng tác viên, thông tín viên thể hiện được qua các tác phẩm dự thi viết phóng sự của mình.

 Điển hình như các tác phẩm: “Nỗi đau còn đến bao giờ?” của tác giả Minh Đức; tác phẩm “Báo động mất an toàn từ xưởng gỗ Lương Thịnh” của 2 tác giả Thanh Chi - Đức Toàn; tác phẩm “Trở về sau ly hương” của tác giả Minh Thúy (Báo Yên Bái). Có thể nói, những tác phẩm thuộc thể loại rất dễ “đụng chạm” này chính là nền tảng tri thức giúp cho các tác giả tiến xa hơn trong sự nghiệp cầm bút của mình.

Khó và dễ là hai vấn đề luôn có, luôn mới, luôn đan xen giữa cái “tôi” và cái “ta” công dân của người cầm bút nên dù khó nhưng phóng sự vẫn luôn là đề tài thu hút bất kể đó là phóng viên, thông tín viên hay cộng tác viên. Vì vậy, bên cạnh những phóng viên có số lượng tác phẩm dự thi phóng sự nhiều như tác giả Văn Thông (Báo Yên Bái) với 8 tác phẩm còn có rất nhiều các tác giả khác có từ 3 đến 6 tác phẩm dự thi.

Nhiều tác giả không chuyên lần đầu tiên viết phóng sự như: Khắc Điệp, Triệu Huấn (Lục Yên), Nguyễn Thị Kim Ngân (Phòng Tư pháp huyện Yên Bình), Trần Van (Văn Chấn), Nguyễn Thanh Nghị (thành phố Yên Bái), Phí Quang Thái (phường Yên Thịnh)… có người đoạt giải trong cuộc thi này, cũng có người chưa đạt song điều đó thực sự chứng tỏ sức thu hút và hấp dẫn của một thể tài khó - thể tài phóng sự. Đồng thời, nó cũng chứng tỏ sự đúng đắn của Ban tổ chức khi phát động cuộc thi theo từng năm và tổ chức trao giải vào thời điểm hết sức có ý nghĩa này - ngày Báo Yên Bái ra số đầu tiên. Nó chứng tỏ sự trưởng thành và không ngừng lớn mạnh của báo chí Yên Bái trong sự nghiệp đổi mới hôm nay.

Cuộc thi viết phóng sự trên Báo Yên Bái là nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng, nội dung của tờ báo Đảng địa phương. Qua đó phát hiện, động viên, nhân rộng những nhân tố mới tích cực, điển hình đồng thời lên án và đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần xây dựng Yên Bái ngày càng giàu đẹp và văn minh.

Thành công của cuộc thi viết phóng sự lần này có một phần đóng góp rất lớn của đội ngũ các nhà báo, đội ngũ thông tín viên, cộng tác viên trong toàn tỉnh. Song, bên cạnh những thành công đó, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, vẫn còn thiếu những tác phẩm phóng sự xuất sắc và thật ấn tượng.

Những tác phẩm đấu tranh phê bình còn ít, một số tác phẩm viết chưa đúng yêu cầu của thể loại, ngôn từ chưa được trau chuốt, chi tiết dùng trong phóng sự chưa thực sự “đắt”. Đặc biệt, chúng ta mới dừng ở phóng sự kinh tế và phóng sự văn hóa - xã hội mà thiếu đi phóng sự điều tra, phóng sự khoa học, phóng sự về an ninh - quốc phòng, phóng sự sự kiện, vấn đề… định hướng dư luận công chúng một cách kịp thời và bảo đảm cho bài phóng sự “vừa đúng, vừa trúng, vừa hay”.

Báo Yên Bái tin rằng, những cuộc thi tới, các tác giả sẽ có nhiều tác phẩm báo chí nói chung và tác phẩm phóng sự nói riêng đạt được giải cao hơn để nâng cao chất lượng tác phẩm của mình cũng như làm phong phú hơn chất lượng nội dung tờ báo, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước. Đặc biệt là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Thanh Hương 

Các tin khác
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp ngài Vyacheslav M.Lebedev , Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Liên bang Nga.

Ngày 3/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp ngài Vyacheslav M. Lebedev, Chánh án Tòa án Tối cao Liên bang Nga.

Đại biểu Võ Thị Dung phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Chiều 2-11, đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Nhiều đại biểu “phê” cách làm luật hiện tại là “dễ đưa vào, khó để lại” và yêu cầu đưa những luật cần kíp lên làm sớm...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Nhật hoàng Akihito

Trong khuôn khổ các hoạt động trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản, sáng 2.11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chụp ảnh chung với đoàn Quỹ các Ngân hàng tiết kiệm Đức.

Chiều 2/11, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tiếp đoàn Quỹ các Ngân hàng tiết kiệm Đức do ông Heinrich Haasis - Chủ tịch Liên hiệp các Ngân hàng Tiết kiệm Đức làm trưởng đoàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục