Không bổ sung dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/11/2011 | 1:42:37 PM

Sáng nay, 9-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 (trong đó có nội dung về công tác tư pháp).

Theo đó, mục tiêu tổng quát của năm 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh,  bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại  và hội nhập quốc tế.

Mua thịt heo bình ổn giá của Vissan tại siêu thị. Ảnh: Kim Ngân

Để đạt mục tiêu này, Quốc hội cũng đề ra 9 giải pháp thực hiện. Trong đó nêu rõ, giao Chính phủ khẩn trương hoàn thành đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; thực hiện đồng bộ theo lộ trình thích hợp trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ Ba.

Quốc hội nêu rõ, tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công theo hướng giảm dần tỷ trọng và nâng cao hiệu quả. Xây dựng cơ chế, chính sách định hướng và tạo điều kiện đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động đầu tư. Nâng cao chất lượng và tính bền vững của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và năng lực quản trị doanh nghiệp nhà nước; minh bạch hóa tài chính và kết quả hoạt động sản xuất-kinh doanh góp phần tăng tính an toàn của nền kinh tế.

Cơ cấu lại thị trường tài chính mà trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các tổ chức tài chính. Nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng tính an toàn hệ thống; giảm dần việc huy động đầu tư chủ yếu từ tín dụng ngân hàng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn đầu tư từ thị trường vốn; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty chứng khoán; tăng hiệu quả hoạt động bảo hiểm; kiểm soát hiệu quả các quỹ đầu tư, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ lũng đoạn thị trường.

Nghị quyết cũng nêu, thực hiện mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia. Điều hành chặt chẽ, thận trọng các chính sách tài khóa, tiền tệ, xuất- nhập khẩu... kiểm soát để chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp, ổn định theo từng tháng và đạt mục tiêu cả năm. Ưu tiên sử dụng số vượt thu ngân sách nhà nước năm 2011 để giảm bội chi, tăng trả nợ hoặc giảm vay nợ. Kiểm soát chặt chẽ và giảm tối đa nhập khẩu đặc biệt là nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu.

Rà soát, đánh giá các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là ở các vùng kinh tế trọng điểm để bố trí vốn đầu tư dứt điểm cho các dự án có thể hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay trong 2 năm 2012-2013. Khai thác có hiệu quả quỹ đất dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, gắn kết quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch hạ tầng giao thông để tăng thêm nguồn vốn huy động ngoài ngân sách.

Tiếp tục thực hiện tốt nhóm chính sách an sinh xã hội, triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo, nhất là ở các vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng kinh tế - xã hội khó khăn. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ hộ nghèo, đối tượng chính sách chịu tác động lớn khi Nhà nước điều chỉnh giá một số mặt hàng điện, xăng dầu, than và giá dịch vụ công theo cơ chế thị trường. Nâng mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng, hỗ trợ cho nông dân tham gia lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.

Tập trung đẩy mạnh khắc phục ô nhiễm môi trường trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề, bệnh viện, thường xuyên thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.

Làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược, bám sát các diễn biến mới của tình hình thế giới và khu vực, kịp thời phát hiện và xử lý những vấn đề nảy sinh đảm bảo cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, tạo tiền đề hoàn thành toàn diện Kế hoạch 5 năm 2011- 2015.

Chỉ tiêu về kinh tế năm 2012

-Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6% - 6,5%.

-Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%. Nhập siêu khoảng 11% - 12% trên tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong điều kiện cho phéo, phấn đấu giảm nhập siêu xuống dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu.

-Bội chi ngân sách phấn đấu dưới 4,8% GDP.

-Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội khoảng 33,5% GDP.

-Chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%.

Chỉ tiêu về xã hội 2012

-Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động.

-Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt đạt 46%.

-Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 4%.

-Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.

-Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng dưới 16,6 %.

-Số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 21,5 giường.

Chỉ tiêu về môi trường 2012

-Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 79%.

-Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 70%.

-Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41%.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015; Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015.

Không bổ sung mới danh mục dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ

Về Chương trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015, Nghị quyết nêu rõ, tổng mức đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 không quá 225.000 tỷ đồng. Giao Chính phủ xây dựng nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để rà soát danh mục các dự án, công trình; 40 dự án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung năm 2011 và chương trình kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Không bổ sung mới danh mục dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015. Khẩn trương quyết định các giải pháp đối với các công trình, dự án thuộc diện chuyển đổi hình thức đầu tư, giãn, hoãn, không được tiếp tục sử dụng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn tới.

Nghị quyết cũng nêu rõ không chuyển chỉ tiêu kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ được Quốc hội quyết định hàng năm sang năm sau; căn cứ tiến độ giải ngân để huy động vốn trái phiếu Chính phủ đáp ứng nhu cầu của công trình dự án, không để tồn đọng vốn, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đã huy động.

16 chương trình mục tiêu quốc gia

Về Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015, Nghị quyết nêu rõ, có 16 chương trình mục tiêu quốc gia  bao gồm: việc làm và dạy nghề, giảm nghèo và bền vững; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; y tế; dân số và kế hoạch hóa gia đình; vệ sinh an toàn thực phẩm; văn hóa; Giáo dục – Đào tạo; phòng chống ma túy; phòng chống tội phạm; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng nông thôn mới; phòng chống HIV/AIDS; đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

Tổng mức kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 không quá  mức 276.372 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách Trung ương là 105.392 tỷ đồng (chưa bao gồm số đã phân bổ cho chương trình 135 giai đoạn 3 và chương trình 30A năm 2011), ngân sách địa phương là 61.542,5 tỷ đồng, vốn ngoài nước là 19.987,5 tỷ đồng; vốn tín dụng là 39.815 tỷ đồng và vốn huy động khác là 49.635 tỷ đồng.

(Theo SGGP)

Các tin khác
Đồng chí Hà Thị Hải - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Yên Bái trao giấy chứng nhận cho các học viên tham gia lớp Đảng viên mới khóa III

YBĐT - Cách đây 56 năm, ngày 10/11/1955, Tỉnh ủy Yên Bái ra Nghị quyết số 45-NQ/TU đánh dấu sự ra đời của Đảng ủy Dân chính Đảng tỉnh Yên Bái (nay gọi là Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh).

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Nhận lời mời của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam ngày 8-11 đã đến thủ đô Seoul, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc. Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với những nghi thức trọng thể đã được tổ chức tại Phủ Tổng thống.

Đồng chí Phạm Duy Cường - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

YBĐT - Ngày 8/11, đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã có buổi làm việc với ngành GD&ĐT về các biện pháp thực hiện nhiệm vụ, đánh giá việc thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác giáo dục - đào tạo và triển khai các đề án trong giai đoạn tới.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đại Công tước Luxembourg Henri duyệt đội danh dự tại lễ đón.

Ngày 7-11, sau lễ đón chính thức, tại Phủ Chủ tịch đã diễn ra cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đại Công tước Đại Công quốc Luxembourg Henri đang thăm chính thức Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục