Phân tầng cơ sở giáo dục đại học

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/11/2011 | 8:13:44 PM

YBĐT - Cho ý kiến vào Dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH) trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 14/11, nhiều đại biểu cho rằng nhiều qui định trong dự luật còn chung chung, chưa cụ thể chi tiết và các ý kiến về phân tầng GDĐH...

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm phát biểu thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm phát biểu thảo luận tại hội trường.

Đại biểu QH tỉnh Yên Bái Nguyễn Thị Bích Nhiệm cho rằng, sau 25 năm đổi mới của đất nước, GDĐH nước ta đã từng bước phát triển, không chỉ về số lượng các cơ sở đào tạo mà còn đa dạng về loại hình trường, hình thức và chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, hệ thống cơ sở GDĐH Việt Nam chưa được xác định rõ ràng, chưa có qui phạm pháp luật để cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về phân tầng và không phù hợp cơ cấu hệ thống GDĐH các nước, do vậy không đủ căn cứ để đầu tư, giao nhiệm vụ, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDĐH.

Trong thực tế, hệ thống GDĐH Việt Nam chưa được phân tầng, chưa được thực tiễn kiểm nghiệm nên chưa qui định ngay các tầng cơ sở GDĐH trong dự luật mà để từng bước hoàn thiện tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện phân tầng cơ sở GDĐH.

Dự thảo luật có những nội dung qui định về phát triển chương trình đào tạo theo hướng cơ sở GDĐH có nhiệm vụ phát triển các chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng nghề nghiệp; bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo. Khi đó, nếu cơ sở GDĐH nào có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng để phát triển các chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu, thì cơ sở GDĐH đó sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn ở tầng nghiên cứu, đào tạo đến trình độ tiến sỹ; kế tiếp là cơ sở GDĐH định hướng  nghề nghiệp, đào tạo trình độ cao đẳng.

Đại biểu Nhiệm cho ý kiến, Luật GDĐH cần chi tiết hơn để khi luật có hiệu lực thi hành được ngay mà không phải chờ văn bản hướng dẫn chi tiết để thi hành. Dự thảo luật đã điều chỉnh toàn diện các hoạt động của cơ sở GDĐH, rất nhiều qui định mới được pháp định hóa các qui định của văn bản dưới luật, được thực tiễn kiểm nghiệm, đã đi vào cuộc sống, được xã hội chấp thuận.

Trong dự thảo có 11 qui định giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành hướng dẫn như: Mô hình, tổ chức, chức năng nhiệm vụ của ĐH Quốc gia; điều kiện thành lập, chia tách, sáp nhập, giải thể nhà trường; nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của hệ thống nhà trường; chính sách đối với giảng viên, học viên…

Đây là điều có thể chấp nhận được, bởi trong bối cảnh đất nước đang trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, các vấn đề đó có thể còn biến động, chưa ổn định, nếu đưa ngay vào luật thì sẽ khó thay đổi. Trong từng giai đoạn phát triển KT-XH thì các điều kiện về thành lập cơ sở GDĐH và cho phép hoạt động GD được qui định cho phù hợp, do vậy không qui định chi tiết trong dự thảo Luật GDĐH mà giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Chúng ta không thể qui định cứng trong luật để thành lập trường ĐH phải có tối thiểu 5 hay 10 ha đất, 100 hay 200 tỷ đồng, hay có bao nhiêu giảng viên, bao nhiêu cuốn sách, giáo trình… những qui định cụ thể này được thay đổi theo thời gian nên để giao cho Chính phủ qui định.

Trong luật chỉ cần xây dựng nguyên tắc và các điều kiện cơ bản để thành lập trường. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung một số qui định cụ thể hơn như qui định cụ thể về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ hội đồng trường (đã được qui định tong Luật GD 2005, Điều lệ trường ĐH), qui định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của ĐH (đã được qui định tại Nghị định của Chính phủ từ năm 2001).
Trước đó, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ nghị quyết về dự toán phân bổ ngân sách T.Ư năm 2012 với 82,40% số phiếu tán thành.

Đầu mối quản lý nhà nước về quảng cáo

Trong phiên họp sáng, QH thảo luận về dự án Luật Quảng cáo. Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là quy định đầu mối quản lý nhà nước về quảng cáo. Đa số ý kiến đại biểu cho rằng nên giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất quản lý nhà nước về quảng cáo, vì có tới 80% quảng cáo hiện nay được thực hiện trên các phương tiện thông tin truyền thông.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến phát biểu ủng hộ phương án như trong dự thảo luật, theo đó Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mới là cơ quan đầu mối quản lý về quảng cáo.

Những ví dụ về quảng cáo phản cảm đã được nhiều đại biểu đưa ra phân tích để khẳng định quan điểm cần hạn chế quảng cáo hướng tới trẻ em, quảng cáo kiểu cưỡng bức như gửi tin nhắn tràn lan, sử dụng uy tín cơ quan trung ương để quảng cáo sản phẩm kiểu ép mua…

Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, không chỉ người phát hành quảng cáo mà ngay cả những nhân vật tham gia quảng cáo cũng phải có trách nhiệm về lời nói, hành vi của mình trong mẫu quảng cáo. Luật cần quy định rõ các vấn đề liên quan đến quảng cáo sai sự thật, nhất là xác định trách nhiệm bồi thường của nhà sản xuất và tổ chức đã phát hành quảng cáo sai sự thật.

Một vấn đề vướng mắc khi luật được thực thi đó là, việc hạn chế diện tích quảng cáo không quá 15% khiến các cơ quan báo chí phải tự hạch toán kinh doanh mà không được bao cấp sẽ gặp khó, còn đối với báo điện tử và trang thông tin điện tử thì quy định như vậy trong dự luật là cứng nhắc, không khả thi.

Việc quảng cáo trên các phương tiện giao thông cũng được nhiều đại biểu cân nhắc rất kỹ do lo ngại ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông... Vì vậy, luật cần qui định cụ thể và hạn chế việc quảng cáo bằng hình thức này.

Văn Trung (Từ Hà Nội)

Các tin khác
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bên lề Hội nghị cấp cao APEC, và trao đổi về vấn đề Biển Đông.

Tiếp tục kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, hôm nay (14/11), các đại biểu Quốc làm việc ở hội trường, sẽ xem xét và thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012 và thảo luận về dự án Luật Giáo dục đại học và Luật Quảng cáo

YBĐT - Yên Bái sẽ tổng rà soát công tác cán bộ, biên chế, báo cáo UBND tỉnh trong quý 1/2012/ Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội nghị xin ý kiến một số đồng chí nguyên là cán bộ chủ chốt của tỉnh đóng góp vào Dự thảo Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015/ Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái kỉ niệm 50 năm ngày thành lập... và một số thông tin khác.

Đồng chí Dương Văn Thống phát biếu tại hội nghị.

YBĐT - Ngày 13/11, Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội nghị xin ý kiến một số đồng chí nguyên là cán bộ chủ chốt của tỉnh đóng góp vào Dự thảo Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục