Kiểm soát giá ở cả đầu mối sản xuất và lưu thông
- Cập nhật: Thứ sáu, 18/11/2011 | 4:47:38 PM
Thảo luận tại hội trường về Luật giá, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc quản lý thị trường giá cả rất lỏng lẻo, việc bình ổn giá chưa bảo đảm tính công bằng...
Điều này, dẫn tới tư thương trục lợi và người tiêu dùng chịu thiệt thòi nhất. Hiện nay, việc quản lý giá giữa Bộ Tài chính, Bộ Công thương và UBND các tỉnh chồng chéo, chưa có sự phối hợp trong quản lý giá.
Để quản lý được thị trường giá cả, các đại biểu đều cho rằng nhất thiết phải lập Quỹ bình ổn giá cả, nhất là trong tình trạng lạm phát hiện nay. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế kiểm soát và quản lý Quỹ bình ổn đảm bảo theo cơ chế thị trường. Tránh tình trạng thất thoát như Quỹ bình ổn xăng dầu...
Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo làm rõ số tiền hàng chục tỷ đồng của Quỹ bình ổn giá xăng dầu sử dụng có đúng mục đích. Không chỉ kiểm soát mặt hàng xăng dầu, trên 500 mặt hàng thực phẩm ăn uống cũng cần thực hiện minh bạch chỉ số về giá. Việc thành việc lập Quỹ bình ổn giá cả là cần thiết nhưng vẫn phải do Nhà nước điều tiết.
Đồng thời, dự án Luật cũng nên bổ sung cho người dân tham gia vào kiểm soát giá, và cần kiểm soát giá cả hàng hóa ngay cả loại có hóa đơn hay không có hóa đơn, đi đôi với biện pháp kiểm soát thực hiện, không để tư thương lợi dụng chính sách để đầu cơ trục lợi.
Khâu phân phối phải được quan tâm không để xảy ra tình trạng đầu ra giá nông sản ở siêu thị, ở các chợ rất cao trong khi người nông dân trực tiếp sản xuất được hưởng rất ít giá trị từ phần tăng đó. Do vậy, dự án Luật cần kiểm soát giá cả ở các đầu mối sản xuất, lưu thông phân phối.
Đối với một số hàng hóa, dịch vụ nhất định liên quan đến quốc kế dân sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định ngân sách nhà nước, đời sống nhân dân thì Nhà nước nhất thiết phải định giá, kiểm soát và điều tiết.
Tuy nhiên, có đại biểu nêu cách xác định tiêu chí hàng hóa thuộc quyền định giá của Nhà nước như trong dự thảo là chưa hợp lý vì mỗi mặt hàng có tầm quan trọng riêng, phụ thuộc vào nhu cầu của lĩnh vực sản xuất, nhu cầu tiêu dùng. Nên nếu không chỉ rõ đó là mặt hàng nào thuộc sự quản lý của Nhà nước sẽ gây khó khăn trong triển khai áp dụng luật.
Chiều cùng ngày, các đại biểu tiếp tục thảo luận cho ý kiến vào dự án Luật xử lý vi phạm hành chính. Tại buổi thảo luận, các đại biểu khẳng định đây là dự thảo Luật hết sức quan trọng, có tác động trực tiếp đến các quyền cơ bản của công dân, do vậy việc ban hành Luật là cần thiết.
Các đại biểu cũng nhất trí với quan điểm xây dựng Luật phải thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và cải cách hành chính được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; đảm bảo quy định đầy đủ, toàn diện các vấn đề về xử lý vi phạm hành chính; tăng cường tính công khai, minh bạch và dân chủ trong trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính.
Đa số ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội như dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nên tách quy định xử phạt hành chính với quy định về các biện pháp xử lý hành chính thành hai đạo Luật để có cơ chế điều chỉnh cho phù hợp.
Về mức phạt tiền, các đại biểu nhất trí việc tăng mức phạt tiền là cần thiết, đảm bảo tính răn đe, phù hợp với thực tiễn, nhưng cần cân nhắc mức tăng bao nhiêu là phù hợp và làm rõ căn cứ để xác định cho từng mức tiền phạt.
Về thẩm quyền xử phạt, có ý kiến đề nghị cần cân nhắc việc nâng thẩm quyền phạt quá cao như dự thảo Luật để tránh việc lạm quyền của người có thẩm quyền xử phạt.
Về mức phạt tối đa trong các lĩnh vực, một số ý kiến nhất trí với việc chia nhỏ mức phạt tiền tối đa trong các nhóm, lĩnh vực nhằm bảo đảm việc xử lý được chính xác hơn, tuy nhiên cần phải làm rõ căn cứ để xác định mức phạt tiền của từng nhóm, lĩnh vực để quy định cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính giáo dục, răn đe có hiệu quả.
Huy Văn
Các tin khác
YBĐT - Ngày 18/11, Đảng ủy khối cơ quan tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý đảng viên đang sinh hoạt tại nơi cư trú”.
YBĐT - Nhân dịp kỷ niệm 29 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2011), thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, tôi thân ái gửi tới các nhà giáo, cán bộ, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo tỉnh lời chúc mừng tốt đẹp nhất!
Theo quyết định vừa được Thủ tướng ký ban hành, Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường sẽ có 20 thành viên và do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng ban.
Sáng 18/11, tại Bali, Indonesia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự các Hội nghị cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.