Đảng bộ Văn Chấn phát huy truyền thống, đoàn kết, đổi mới để phát triển toàn diện

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/9/2012 | 2:25:42 PM

YBĐT - Đảng bộ Văn Chấn lựa chọn ba khâu đột phá là phát triển công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng và đổi mới tư duy lãnh đạo, nhất là tư duy phát triển kinh tế, xã hội.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo huyện và một số ngành thăm vùng nguyên liệu chè thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ đầu năm 2012. Ảnh: Đức Toàn
Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo huyện và một số ngành thăm vùng nguyên liệu chè thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ đầu năm 2012. Ảnh: Đức Toàn

Vào những năm 40 của thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ Yên Bái, phong trào cách mạng ở Văn Chấn đã có bước phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi phải có một tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.

Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, ngày 20/4/1947, Huyện uỷ lâm thời Văn Chấn được thành lập để thực hiện hai nhiệm vụ: lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở Đảng, tạo tiền đề thành lập Đảng bộ huyện.

Sau nửa năm hoạt động, ngày 30/9/1947, Tỉnh uỷ Yên Bái ra Nghị quyết số 889 chính thức thành lập Đảng bộ huyện Văn Chấn, chỉ định đồng chí Nguyễn Văn Doãn (tức Lê Văn Kim) làm Bí thư Huyện uỷ, đánh dấu mốc son lịch sử quan trọng của Đảng bộ huyện.

Ngay sau khi thành lập, Đảng bộ huyện đã đảm nhận vai trò lãnh đạo trực tiếp đối với phong trào cách mạng của huyện; tiếp thu, quán triệt và thực hiện chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh uỷ; phân công cán bộ để tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong điều kiện vô cùng cấp bách và khó khăn lúc đó là chính quyền cách mạng còn non trẻ, thực dân Pháp tái chiếm Văn Chấn lần thứ hai, Đảng bộ huyện đã khẩn trương kiện toàn tổ chức, củng cố và chuẩn bị lực lượng từ huyện đến cơ sở, chỉ đạo củng cố các tổ chức cơ sở như Uỷ ban Hành chính Kháng chiến, xã đội, các đội dân quân du kích, các đoàn thể cứu quốc; chỉ đạo đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch "vườn không - nhà trống" đồng thời đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, vừa chiến đấu vừa tham gia phục vụ chiến đấu.

Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn đã góp phần cùng với quân dân cả nước làm nên chiến thắng Nghĩa Lộ tháng 10/1952, mở màn cho Chiến dịch Tây Bắc mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, lập lại hoà bình ở miền Bắc.

Sau năm 1954, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ huyện Văn Chấn đã lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định và xây dựng đời sống mới, phát triển sản xuất cũng như cùng nhân dân miền Bắc trở thành hậu phương lớn của miền Nam. Toàn huyện đã dấy lên các phong trào thi đua sôi nổi: thanh niên với phong trào "Ba sẵn sàng", phụ nữ với phong trào "Ba đảm đang", phụ lão với phong trào "Ba giỏi"; nhiều cánh đồng 5 tấn đã xuất hiện và các hợp tác xã, các tổ đổi công ra đời, đặc biệt nông trường quốc doanh đầu tiên được thành lập tại huyện Văn Chấn năm 1959.

Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, các công trình giao thông, trường học, trạm y tế được xây dựng, bộ mặt nông thôn có sự chuyển đổi căn bản. Bên cạnh đó, Văn Chấn đã xây dựng được hàng trăm trận địa chiến đấu, trong đó có 36 trận địa pháo phòng không, đánh trả nhiều máy bay địch xâm phạm vùng trời Văn Chấn. Ngày 31/5/1966, một chiếc máy bay của Mỹ bị bắn rơi tại chỗ, quân và dân huyện Văn Chấn vinh dự được Bác Hồ gửi tặng lẵng hoa chúc mừng.

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, phát triển đảng viên, thực hiện cuộc vận động xây dựng "Đảng viên 4 tốt", "Chi bộ 4 tốt", làm tốt việc tự phê bình và phê bình trong Đảng. Nhờ vậy, trong suốt 20 năm (1954 - 1975), Huyện uỷ Văn Chấn đã lãnh đạo nhân dân tạo ra những chuyển biến lớn về kinh tế - xã hội ở địa phương, làm tròn nghĩa vụ chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn đã tiễn trên 5.000 thanh niên lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu.

Huyện có 1 Anh hùng Liệt sĩ thời kỳ chống Pháp, 759 liệt sỹ đã ngã xuống trên các chiến trường, có 435 thương binh và bệnh binh, 3 bà mẹ được phong tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", 15 cán bộ tiền khởi nghĩa, nhiều gia đình được cấp bằng có công với nước. Đảng bộ và nhân dân huyện Văn Chấn cùng các xã: Cát Thịnh, Đại Lịch, Thượng Bằng La đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau khi đất nước thống nhất, thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh uỷ, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Từ năm 1975 đến năm 1986, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn đã thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Trung ương, Tỉnh uỷ và khơi dậy sức sản xuất trên các lĩnh vực, thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư, sản xuất nông - lâm nghiệp có bước chuyển biến vượt bậc, cơ sở vật chất được tăng cường, phục vụ cho nền sản xuất lớn; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có nhiều tiến bộ; sự nghiệp văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển; chủ trương xây dựng pháo đài phòng thủ cấp huyện được thực hiện có hiệu quả, tạo nền tảng căn bản để bước vào thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế của Văn Chấn không ngừng phát triển, tốc độ tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp; cơ sở hạ tầng được quan tâm, đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả; thu nhập bình quân đầu người tăng lên, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; an ninh - quốc phòng giữ vững, ổn định; hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời kỳ phát triển.

Văn Chấn hiện đã hình thành 3 vùng kinh tế. Vùng trong gồm 12 xã là vùng trọng điểm lúa của huyện, của tỉnh với diện tích gần 2.000ha; vùng ngoài gồm 9 xã, thị trấn là vùng chè, cây ăn quả, nuôi ba ba, vườn rừng, tiềm năng khoáng sản lớn, nhất là quặng sắt; vùng cao, thượng huyện gồm 10 xã có tiềm năng đất đai, lâm nghiệp, cây dược liệu và nhiều loại khoáng sản.

Huyện có trên 4.000ha lúa nước, 4.000ha ngô, 4.354ha chè, 2.400ha cây ăn quả, 68.000ha rừng, hàng năm cho thu trên 50.000 tấn lương thực có hạt, 40.000 tấn chè búp tươi, 10.000 tấn quả các loại.

Nông dân huyện Văn Chấn thu hoạch lúa mùa.
Ảnh: Thanh Miền

Toàn huyện hiện có trên 300 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đã xây dựng được Cụm công nghiệp Sơn Thịnh và hiện đang tiếp tục quy hoạch thêm 2 cụm công nghiệp khu vực vùng thượng huyện và vùng ngoài.

Điều đáng ghi nhận là 31/31 xã, thị trấn đã có đường ô tô đến trung tâm xã; 35% các tuyến đường giao thông từ trung tâm xã đến các thôn, bản đã được cứng hoá mặt đường bằng nhựa, bê tông xi măng và rải cấp phối; 40% hệ thống kênh mương nội đồng đã kiên cố hoá; hệ thống chợ được khai thác và phát huy hiệu quả.

Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Huyện có 93 đơn vị trường học, trên 91% số phòng học được xây dựng kiên cố; 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 19 trường đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên.

Với 40 cơ sở khám chữa bệnh, 100% số thôn, bản, khu phố có nhân viên y tế hoạt động đã cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3% - 4% theo chuẩn của từng thời kỳ. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 của huyện đạt gần 11 triệu đồng.

Công tác quân sự - quốc phòng giữ vững, đảm bảo an ninh chính trị, an ninh nông thôn, an ninh vùng dân tộc, tôn giáo ổn định. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng và củng cố trên cả ba mặt.

Hiện nay, toàn Đảng bộ có 68 chi bộ, Đảng bộ trực thuộc với trên 7.000 đảng viên.

Phát huy truyền thống và xây dựng Văn Chấn ngày càng phát triển, Đảng bộ huyện xác định nhiệm vụ hàng đầu là phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Đảng bộ lựa chọn ba khâu đột phá là phát triển công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng và đổi mới tư duy lãnh đạo, nhất là tư duy phát triển kinh tế, xã hội.

Để thực hiện tốt những nhiệm vụ này, Đảng bộ huyện tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Một là: Ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp, tập trung vào 4 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu: công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản (sắt, đồng, chì, kẽm...); công nghiệp chế biến sản phẩm nông sản (chè, gỗ); công nghiệp điện năng (xây dựng các thủy điện vừa và nhỏ); công nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng thông thường (gạch, đá, cát, sỏi...).

Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vào phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường. Duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Khởi động và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hoá như: chè Suối Giàng, gạo nếp Tú Lệ, gạo Mường Lò...

Hai là: Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, hình thành và phát triển các vùng sản xuất giống lúa, giống khoai tây... đạt chất lượng cao; đẩy mạnh công tác trồng mới và trồng cải tạo chè, cây ăn quả bằng các giống có năng suất, chất lượng, hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến nông - lâm sản.

Tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân thay đổi tư duy phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, bán công nghiệp; phát triển chăn nuôi các loài thủy đặc sản.

Tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, trồng và phát triển rừng, phối hợp thực hiện dự án cao su và Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Lãnh đạo toàn hệ thống chính trị tham gia tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ba là: Tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục tại các xã vùng cao; tuyên truyền, xây dựng các trường phổ thông bán trú cho học sinh các cấp học; thực hiện hiệu quả công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Làm tốt công tác y tế dự phòng, khám bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số - kế hoạch hóa gia đình; xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia y tế.

Tích cực thực hiện các chương trình, dự án để giải quyết việc làm; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Bốn là: Nắm chắc tình hình cơ sở, giải quyết các vụ việc ngay từ cơ sở, đảm bảo ổn định quốc phòng - an ninh, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Năm là: Thực hiện đồng bộ các giải pháp về xây dựng Đảng, làm cho Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tốt Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Với bề dày truyền thống 65 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, sâu sát của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ hiệu quả của các ngành ở tỉnh; sự đoàn kết, nỗ lực của toàn Đảng bộ và sự đồng thuận cao của nhân dân, phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện, Văn Chấn tự tin vững bước, phát triển, trở thành trung tâm động lực kinh tế các huyện phía tây của tỉnh.

Nguyễn Văn Lịch - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Văn Chấn

Các tin khác

Chiều 3/5, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã dự sinh hoạt thường kỳ tháng 5 với các đảng viên Chi bộ thôn 4, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ.

Đồng chí Ngô Hạnh Phúc- Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Quyết định và tặng hoa chúc mừng tân Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lã Thị Liền

Ngày 3/5/2024, tại Sở Tư pháp, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Tư pháp.

Ngày 3/5, đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các ban của HĐND tỉnh đã có buổi giám sát chuyên đề thực hiện một số chính sách pháp luật về hỗ trợ phát triển du lịch tại các xã Ngọc Chấn và Phúc An, huyện Yên Bình.

MTTQ huyện Văn Chấn cùng các tổ chức thành viên tích cực tham gia mở rộng đường giao thông nông thôn với bà con trong

5 năm qua, MTTQ huyện Văn Chấn đã phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, HĐND huyện tổ chức 77 hội nghị tiếp xúc cử tri; chủ trì 15 cuộc giám sát, phối hợp tham gia 50 cuộc giám sát; tổ chức 137 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục