Chào mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Yên Bái lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2013 - 2018

Vững về chính trị, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/3/2013 | 8:49:00 AM

YBĐT - Nét nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua là công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho hội viên nông dân được tăng cường; nội dung, hình thức có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, cụ thể, phù hợp với đối tượng nông dân, với phương châm “Sâu sát cơ sở, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở”.

Đồng chí Phạm Thị Tuyết Nga - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình trồng mía cho thu nhập cao ở xã Phúc Lộc (thành phố Yên Bái).
Đồng chí Phạm Thị Tuyết Nga - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình trồng mía cho thu nhập cao ở xã Phúc Lộc (thành phố Yên Bái).

Với những kết quả trong nhiệm kỳ qua, công tác hội và phong trào nông dân tỉnh Yên Bái luôn được Trung ương Hội, Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương, khen thưởng. Tổng kết phong trào thi đua năm 2011, Hội Nông dân tỉnh được Chính phủ và UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc; năm 2012, Trung ương Hội tặng cờ thi đua xuất sắc, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 59-CT/TW của Bộ Chính trị giai đoạn 2000 - 2010, có 9 tập thể, 15 cá nhân các cấp hội được UBND tỉnh tặng bằng khen. Tổng kết phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2007 - 2011, có 51 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi được UBND tỉnh tặng bằng khen và đã lựa chọn 4 hộ tiêu biểu dự Hội nghị Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ IV.

Đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân, nhiệm kỳ 2008 - 2013, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Yên Bái phát triển khá toàn diện, tạo sự chuyển biến quan trọng về nhiều mặt.

Các phong trào thi đua của Hội đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, triển khai đạt kết quả tốt Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ VII. Với những kết quả đạt được năm 2012, Hội Nông dân tỉnh được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba và cờ xuất sắc của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Nét nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua là công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho hội viên nông dân được tăng cường; nội dung, hình thức có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, cụ thể, phù hợp với đối tượng nông dân, với phương châm “Sâu sát cơ sở, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở”.

Hình thức tuyên truyền sân khấu hóa mang tính giáo dục cao và hấp dẫn được chú trọng, đó là hội thi “Nhà nông đua tài”, “Nông dân với an toàn giao thông”, “Nông dân với kiến thức pháp luật”, “Nông dân tìm hiểu kiến thức và pháp luật bảo vệ môi trường”, “Nông dân với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình”, thi viết tìm hiểu lịch sử về “Hội Nông dân Việt Nam 80 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành”...

Các nội dung sinh hoạt chuyên đề được lồng ghép với triển khai các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tập huấn khoa học kỹ thuật cho nông dân. Các cấp hội triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Yên Bái làm theo lời Bác” thông qua “Bản tin Nông dân Yên Bái” hàng quý được phát miễn phí đến cơ sở hội...

Trong nhiệm kỳ, các cấp hội đã tổ chức 19.703 buổi tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho 1.016.687 lượt hội viên, giúp nâng cao hiểu biết về chính sách, pháp luật, góp phần làm giảm việc khiếu kiện đông người, vượt cấp và khiếu kiện không đúng. Thông qua các hoạt động đa dạng, phong phú và hiệu quả, công tác tuyên truyền, giáo dục của Hội đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và khơi dậy trong nông dân truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và tinh thần sáng tạo trong lao động.

Bám sát mục tiêu nâng cao chất lượng tổ chức hội, nâng cao năng lực cán bộ hội, phát triển hội viên mới, lấy lợi ích thiết thực của nông dân làm động lực thu hút, tập hợp hội viên, hội các cấp không ngừng được củng cố và nâng cao chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 180/180 xã, phường, thị trấn có tổ chức hội, hầu hết các thôn, bản đều có tổ chức hội và hội viên nông dân với 1.851 chi hội, 428 tổ hội.

 

Đồng chí Phạm Thị Tuyết Nga - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao ở xã Văn Tiến (thành phố Yên Bái).

Trong nhiệm kỳ, đã kết nạp mới 12.623 hội viên, đưa tổng số hội viên lên 101.207/người, đạt tỷ lệ 76,3% so với số hộ nông dân toàn tỉnh. Qua đánh giá, phân xếp loại, số cơ sở vững mạnh chiếm 65%; số cơ sở khá chiếm 30%; số cơ sở trung bình chiếm 5%; không có cơ sở yếu, kém.

Công tác cán bộ được các cấp hội chú trọng từ quy hoạch, sử dụng, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Hầu hết cán bộ chủ chốt các cấp hội được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội và một số chuyên đề mới như hội nhập kinh tế, dân tộc, tôn giáo, tài nguyên - môi trường, an toàn giao thông, dân số - sức khỏe sinh sản... Trong nhiệm kỳ, đã tổ chức 160 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 6.618 lượt cán bộ từ cấp chi, tổ hội và cử 142 lượt cán bộ đi tập huấn ở các lớp nghiệp vụ công tác hội do Trung ương Hội tổ chức, đạt 100% chỉ tiêu Đại hội VII đề ra.

Đặc biệt, năm 2011 đã tổ chức thành công Hội thi “Chủ tịch Hội Nông dân cơ sở giỏi” tỉnh Yên Bái lần thứ nhất. Cán bộ các cấp hội thường xuyên được bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện nay, đội ngũ cán bộ hội có 106 đồng chí tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015; 1 đồng chí  là đại biểu Quốc hội khóa XIII, 5 đồng chí cán bộ hội và hội viên nông dân là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, 41 đồng chí cán bộ hội là đại biểu hội đồng nhân dân cấp huyện, 1.361 đồng chí cán bộ, hội viên nông dân là đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2011 - 2016; giới thiệu trên 700 cán bộ, hội viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp.

Xuất phát từ quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo phải gắn liền với kiểm tra, các cấp hội đã chú trọng công tác kiểm tra. Trong nhiệm kỳ, các cấp hội đã tổ chức 1.367 cuộc kiểm tra từ tỉnh đến cơ sở về việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, Điều lệ Hội; việc sử dụng các nguồn vốn vay, thực hiện các dự án của Hội để kịp thời khắc phục hạn chế, thiếu sót...

Công tác hội tạo nền móng để xây dựng các phong trào nông dân, phong trào nông dân tạo động lực để xây dựng Hội vững mạnh. Công tác hội và phong trào nông dân có mối quan hệ mật thiết, vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ, giải pháp. Các phong trào nông dân được triển khai sâu rộng, đạt kết quả đáng ghi nhận, trong đó phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng” trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy các phong trào.

Phong trào được triển khai rộng khắp, sôi nổi và với cách làm truyền thống, sáng tạo trong điều kiện, hoàn cảnh mới, hội các cấp thực hiện có hiệu quả chương trình liên kết “4 nhà”, tổ chức ký kết chương trình phối hợp với các ngành; thông qua các chương trình hỗ trợ và tạo điều kiện giúp nông dân trên các lĩnh vực giống, vốn, kỹ thuật, dạy nghề, tạo việc làm, tiêu thụ sản phẩm đã thu hút đông đảo hội viên hưởng ứng.

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chủ động tham mưu và đề xuất với Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 61-KL/TW và Quyết định số 673/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội trong các phong trào nông dân, góp phần thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho hội viên và đóng góp tích cực vào công cuộc giảm nghèo của tỉnh.

Nhiệm kỳ qua, các cấp hội đã phối hợp mở 7.219 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông - lâm sản cho 368.169 lượt hội viên; 329 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 10.141 lượt hội viên. Nhiều doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất do nông dân làm chủ đã phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nông dân địa phương.

Hội đã xây dựng được một số mô hình sản xuất hàng hóa như: mô hình nuôi thỏ ở thành phố Yên Bái và Trấn Yên; nuôi ba ba ở Lục Yên và Văn Chấn, mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học ở 8 xã thuộc huyện Trấn Yên, huyện Yên Bình và thành phố Yên Bái; mô hình nuôi bò ở thị trấn Trạm Tấu (Trạm Tấu), xã Phúc An, Vĩnh Kiên, Bạch Hà (Yên Bình), xã Lao Chải, Hồ Bốn (Mù Cang Chải).

Bên cạnh đó tổ chức cho trên 300 lượt cán bộ, hội viên, nông dân thăm quan, học tập các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao như: trồng nấm, nuôi ba ba, nuôi nhím, dế, thỏ, chăn nuôi vịt siêu trứng, mô hình trồng cây ăn quả... để nhân ra diện rộng. Nêu cao tinh thần tương thân tương ái, hội các cấp đã vận động được 3.354 triệu đồng, 106.870 ngày công giúp đỡ các hộ nghèo, hộ hội viên nông dân thiếu vốn phát triển sản xuất.

Với nỗ lực và trách nhiệm cao, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ nông dân về nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, thông qua tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội, ủy thác Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương, vốn Quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (vốn 120), tổ chức hội đã huy động, quản lý khai thác gần 520 tỷ đồng đầu tư xây dựng các mô hình và tạo điều kiện cho gần 30.000 hộ nông dân có vốn sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm.

Ngoài ra, hàng năm, các cấp hội liên kết với Công ty Supe Phốt phát & Hóa chất Lâm Thao, Công ty Apatít Lào Cai cung ứng từ 4.000 - 6.000 tấn phân bón trả chậm, trị giá hàng chục tỷ đồng giúp nông dân sản xuất kịp thời vụ. Thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, Tỉnh hội đã phối hợp với Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị khách hàng trưng bày và giới thiệu máy nông nghiệp đồng thời tạo điều kiện cho hội viên vay vốn được hỗ trợ lãi suất mua máy móc theo Quyết định 497, Quyết định 2213/QĐ-TTg.

Phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn bằng việc tuyên truyền, vận động nông dân phát triển, mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các vùng chuyên canh, thâm canh có quy mô lớn về sản phẩm, năng suất, chất lượng gắn với sản xuất chế biến và thị trường như: vùng lúa cao sản, vùng quế, chè, sắn cao sản, tre măng Bát Độ, cây ăn quả, nguyên liệu giấy; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng bán công nghiệp; chăn nuôi con đặc sản: ba ba, nhím, thỏ... thu hút đông đảo hội viên tham gia.

Hàng năm, có từ 70% - 75% số hộ hội viên đăng ký và qua bình xét, có từ 35% - 40% số hộ đăng ký đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Hàng năm, có từ 1.200 - 2.000 hộ hội viên được các cấp hội và hộ hội viên sản xuất giỏi giúp vươn lên thoát nghèo. Phong trào còn tạo ra động lực để củng cố, phát triển tổ chức hội và hội viên nông dân. Công tác hội và phong trào nông dân là chất keo thu hút, tập hợp hội viên thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và xây dựng hội vững mạnh.

Trong nhiệm kỳ, hội viên nông dân đã hiến hàng chục nghìn mét vuông đất, đóng góp ủng hộ 1.611.880 ngày công lao động, 49,25 tỷ đồng để làm mới, nâng cấp, sửa chữa 3.831,5km đường giao thông nông thôn; tu sửa, nạo vét, làm mới 2.086,7km kênh mương nội đồng; xây dựng, nâng cấp 595 phòng học, nhà văn hóa thôn, bản, trạm xá.

Thực hiện Quyết định 167/QĐ-TTg, trong 3 năm (2008 - 2011), các cấp hội đã phối hợp tuyên truyền, vận động các tổ chức và nhân dân đóng góp trên 20 tỷ đồng giúp 6.408 hộ nghèo làm nhà ở. Hàng năm, các cấp hội phát động và tổ chức cho hội viên đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa, tham gia xây dựng làng, bản, xã văn hóa và thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang... góp phần cùng toàn tỉnh đưa số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa năm 2012 lên 65%.

 

Hội nông dân tỉnh Yên Bái đạt giải Bạc tại Hội thi Cây chè đẹp tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên năm 2011.

Trước yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Yên Bái lần thứ VIII sẽ thảo luận, thống nhất và quyết định mục tiêu, chương trình, nhiệm vụ công tác hội nhiệm kỳ mới. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là: Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; đổi mới nội dung và đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động nông dân; đẩy mạnh giáo dục pháp luật, tuyên truyền nâng cao hiểu biết về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; vận động nông dân thực hiện nếp sống mới; nội dung tuyên truyền lồng ghép với nội dung phổ biến khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho nông dân.

Hai là: Tập trung xây dựng hội nông dân vững mạnh: nâng cao chất lượng hội viên và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội; đổi mới phương thức và nội dung sinh động, phù hợp với nông dân, chú trọng công tác kiểm tra; xây dựng nề nếp hoạt động của ban chấp hành hội nông dân các cấp khoa học, hiệu quả, mở rộng thành lập các chi hội nghề nghiệp để thu hút đông đảo nông dân vào tổ chức hội; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện cán bộ hội các cấp.

Ba là: Triển khai sâu rộng trong hội viên nông dân toàn tỉnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” và “Nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh”. Các cấp hội xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Bốn là: Thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện của hội nông dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Năm là: Chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc thực hiện Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về những việc Hội trực tiếp tham gia và phối hợp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ trong giai đoạn tới, với tinh thần “Phát huy truyền thống đoàn kết, dân chủ, đổi mới, phát triển, hội nhập”, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái và mỗi cán bộ, hội viên nông dân không ngừng vượt khó vươn lên để xây dựng Hội vững về chính trị, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động.

Phạm Thị Tuyết Nga - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị đối thoại

Sáng 13/5, tại huyện Mù Cang Chải, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh (HLHPN) tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị đối thoại về các vấn đề liên quan đến vùng đồng bào tộc thiểu số và miền núi.

Chiều 13/5, đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chủ trì Phiên họp thứ 31 (mở rộng) đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 4, triển khai nhiệm vụ tháng 5 và xem xét cho ý các nội dung theo thẩm quyền.

Người dân thôn Trung Tâm hưởng ứng phong trào

Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam xã Đại Phác, huyện Văn Yên đã tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động thu hút đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, an toàn xã hội ở địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh kết luận Hội nghị.

Sáng 13/5, Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Yên Bái lần thứ IV, năm 2024 tổ chức họp triển khai các nhiệm vụ tổ chức Đại hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục