Tổng Bí thư chủ trì họp phòng chống tham nhũng
- Cập nhật: Thứ tư, 27/3/2013 | 7:49:52 AM
Tổng Bí thư nhấn mạnh cần rà soát lại, bảo đảm việc phân công phải bao quát, không bỏ sót những lĩnh vực, địa bàn.
Toàn cảnh phiên họp.
|
Sáng 26/3, tại Hà Nội diễn ra Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì phiên họp.
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thảo luận về Quy chế làm việc, Chương trình công tác trọng tâm năm 2013 và phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo cùng một số công việc liên quan.
Trong Dự thảo Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo quy định trách nhiệm, quyền hạn và quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo; Thường trực Ban Chỉ đạo; trách nhiệm và quyền hạn của Trưởng ban; Phó Trưởng ban Thường trực; Phó Trưởng ban; thành viên Ban Chỉ đạo; cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo là Ban Nội chính Trung ương trên cơ sở tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp thứ nhất đã phối hợp cùng một số cơ quan nhanh chóng chuẩn bị nội dung cho Phiên họp thứ hai và yêu cầu Ban Nội chính tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp của các thành viên Ban chỉ đạo trong phiên họp hôm nay, rà roát thật kỹ để hoàn chỉnh các dự thảo văn bản.
Tổng Bí thư nêu rõ: Việc xây dựng Dự thảo quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo cần căn cứ vào các văn bản và Điều lệ của Đảng, quyết định của Bộ Chính trị và phù hợp với các quy định của pháp luật; chú ý tới việc xác định phạm vi hoạt động, quan hệ với các cơ quan liên quan.
Tổng Bí thư lưu ý hoạt động của Ban Chỉ đạo phải chú trọng cả phòng và chống, cả phòng chống tham nhũng và phòng chống lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI); phát huy tối đa vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong điều kiện mới do Bộ Chính trị thành lập, có cả Thường trực Ban Chỉ đạo và Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định số 163 của Bộ Chính trị.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước; không làm thay, không cản trở hoạt động bình thường, mà sử dụng, phát huy tối đa vai trò của các cơ quan chuyên môn để phục vụ cho hoạt động cả Ban Chỉ đạo.
Về Chương trình công tác năm 2013, Tổng Bí thư yêu cầu cần xác định rõ những công việc cần tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm trên cơ sở căn cứ vào chương trình làm việc, yêu cầu thực tế rà soát lại, xây dựng nội dung chương trình công việc từ giờ tới cuối năm, xác định một số việc trọng tâm cần thực hiện trên các lĩnh vực như: xây dựng luật pháp, thể chế; tuyên truyền; tăng cường, đôn đốc xử lý các vụ án còn chậm; thành lập Ban Nội chính ở các địa phương theo như quyết định của Bộ Chính trị; xây dựng quy chế thiếu như Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với tư cách là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo với các ngành công an, kiểm sát, tòa án; tập trung vào một số công việc đang có vướng mắc cần tháo gỡ như: vấn đề minh bạch hóa, công khai hóa kê khai tài sản; điều tra xét xử một số vụ án tham nhũng lớn đã tồn đọng lâu.
Về phân công các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần rà soát lại, bảo đảm việc phân công phải bao quát, không bỏ sót những lĩnh vực, địa bàn, chuyên đề được phân công phụ trách.
(Theo VOV)
Các tin khác
Chiều 25/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 của Chính phủ tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Sáng 26/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã bấm nút khởi công Dự án B.O.T mở rộng Quốc lộ 1A tại thị trấn Hoàng Mai (Quỳnh Lưu, Nghệ An).
YBĐT - Nét nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua là công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho hội viên nông dân được tăng cường; nội dung, hình thức có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, cụ thể, phù hợp với đối tượng nông dân, với phương châm “Sâu sát cơ sở, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở”.
Việt Nam phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm hành động sai trái, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.