Rộn ràng "ngô xuống núi"

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/8/2013 | 2:05:45 PM

YBĐT - Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, thời vụ trồng ngô ở Văn Chấn (Yên Bái) muộn hơn thường lệ 15 ngày. Vì vậy, những ngày này, người dân các xã vùng trong và vùng cao của huyện đang khẩn trương thu hoạch, làm đất và gieo trồng ngay để kịp thời vụ.

Người dân thôn Cang Kỷ, xã Suối Giàng bán ngô cho thương lái.
Người dân thôn Cang Kỷ, xã Suối Giàng bán ngô cho thương lái.

Con đường từ thôn Văn Thi, xã Sơn Thịnh đến thôn Cang Kỷ, xã Suối Giàng những ngày này nhộn nhịp những chuyến xe xuôi, ngược của người dân và tư thương khắp nơi tới vận chuyển ngô. Thời tiết mưa nắng thất thường không làm giảm đi không khí khẩn trương vừa thu hoạch vừa làm đất để kịp thời vụ.

Trên những nương ngô bạt ngàn, nhân dân tất bật thu hoạch, vận chuyển ngô bắp, tập kết ra lề đường chờ máy tuốt. Tiếng máy tuốt rền vang hòa cùng tiếng cười nói giòn tan. Ngô tuốt ra đến đâu đã có tư thương chờ sẵn, bốc lên xe chở đi ngay. Mùa này ở Suối Giàng, mưa nhiều, độ ẩm cao, việc bảo quản ngô đòi hỏi mỗi hộ phải làm một vài chòi hong ngô để bảo quản. Nâng niu những bắp vàng chắc hạt, anh Mùa A Gia ở thôn Cang Kỷ, xã Suối Giàng phấn khởi nói: "Gia đình thường trồng mỗi vụ 60kg giống, vụ này năm ngoái thu được 20 tấn. Năm nay, nhà mình trồng giống ngô lai C919 và 5599, thấy năng suất hơn, tuy mới thu hơn nửa nhưng đã được tương đương năm trước".

Với diện tích trên 80ha, cây ngô được người Mông xã Suối Giàng trồng chủ yếu tại thôn Cang Kỷ và Suối Lóp. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp cùng việc chuyển đổi cơ cấu sang trồng 100% diện tích bằng giống ngô lai đã đưa năng suất trung bình đạt trên 62 tạ/ha/năm. Nhu cầu và giá trị của sản phẩm ngô hạt ngày càng tăng cao nên những năm gần đây, nhân dân Suối Giàng đã mạnh dạn khai hoang, mở rộng diện tích, chuyển đổi các diện tích lúa nương sang trồng ngô.

Việc chuyển từ trồng các giống ngô địa phương sang trồng ngô lai và chuyển đổi các diện tích lúa nương, rau màu kém hiệu quả sang trồng ngô đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, nâng cao đời sống của đồng bào Mông nơi đây.

Ông Mùa A Tủa, thôn Cang Kỷ cho biết: "Được Nhà nước hỗ trợ giống ngô lai, mình đã chuyển hẳn diện tích lúa nương sang trồng ngô. Giờ diện tích tăng gấp đôi, nhà mình trồng mỗi vụ 8 cân giống, thấy năng suất và thu nhập hơn hẳn trồng lúa nương".

Khác với đồng bào Mông xã Suối Giàng, những người dân thôn Văn Thi, xã Sơn Thịnh đã có truyền thống canh tác ngô từ nhiều năm nay. Quản lý các diện tích đất màu mỡ và có độ cao vừa phải nên nhà nào cũng trồng từ vài ngàn mét vuông đến 3 - 4ha. Ngoài việc sử dụng các giống ngô lai chất lượng cao, tích cực đầu tư chăm sóc thì việc áp dụng các biện pháp canh tác bền vững trên đất dốc đã góp phần đưa năng suất trung bình đạt gần 90 tạ/ha/năm.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, thôn Văn Thi nói: "Trước đây chưa có kinh nghiệm, người dân ở đây thường ngại che phủ bằng thân ngô, sợ sâu bệnh và mất thời gian. Nay thì khác, với vụ này, nhà chỉ cần thu hoạch, phát cây ngô rải đều và đốt qua những đám dày cây là có thể trồng ngay. Làm như vậy vừa đỡ cỏ, hạn chế xói mòn và qua vài năm, cây ngô mục ra, tạo lớp mùn rất tơi xốp".

Với diện tích trên 4.200ha, trong đó có trên 1.000ha ngô đông, cây ngô ở Văn Chấn là một trong những cây trồng chủ lực cho sản lượng hàng năm trên 12.000 tấn, chiếm 1/5 tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện. Chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa các giống ngô lai đã góp phần quan trọng trong công tác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Cùng với những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đến nay, nhân dân Văn Chấn đã có được những bộ giống ngô lai có năng suất, chất lượng, phù hợp với nhiều tiểu vùng khí hậu. Đây là cơ sở để nhân dân tiếp tục chuyển đổi, mở rộng diện tích, đưa tổng sản lượng thực có hạt hàng năm vượt 64.000 tấn.

Trần Van

Các tin khác

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp 2/9, Vietnam Airlines vừa thông báo từ ngày 30/8 đến 3/9 sẽ tăng chuyến trên 10 đường bay trục và du lịch nội địa.

Tổng cục thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 8 với mức tăng 0,83% so với tháng 7, điều đó đồng nghĩa tính từ đầu năm tới nay, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng lên mức 6,9%.

Thuốc lá lậu "né trạm" rồi nhanh chóng được tập kết trên đường 9 tại Quảng Trị để chuyển về xuôi. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)Chống buôn lậu thuốc lá được xem là một trong các công tác quan trọng của lực lượng quản lý thị trường trong năm 2013.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái ký cam kết quản lý, bảo vệ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng với Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải.

YBĐT - Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ phí môi trường rừng, trong năm 2012, hàng nghìn hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng, chủ hộ trồng rừng kinh tế ở huyện vùng cao Mù Cang Chải đã được nhận hơn 15 tỷ đồng từ tiền phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục