Để người dân gắn bó với nghiệp “tằm tang”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/9/2013 | 9:19:20 AM

YBĐT - Cây dâu, con tằm đã đứng chân trên đất Việt Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) hơn chục năm nay nhưng đã có lúc, nhiều nông dân tính chuyện đốn bỏ gốc dâu, gác nong tằm do giá cả thất thường cùng với sự bội tín của doanh nghiệp thu mua kén. Những năm gần đây, giá kén tằm tăng cao, tương đối ổn định đang giúp nghề này hồi sinh và người dân sống được, làm giàu với nghề.

Áp dụng kỹ thuật nuôi tằm dưới nền nhà đã giảm bớt công lao động cho người trồng dâu, nuôi tằm.
Áp dụng kỹ thuật nuôi tằm dưới nền nhà đã giảm bớt công lao động cho người trồng dâu, nuôi tằm.

Chúng tôi về thôn 10, xã Việt Thành - lá cờ đầu trong nghề trồng dâu nuôi tằm. Đồng đất thôn 10 nằm dọc theo dải sông Hồng, cả thôn có 49 hộ dân với 184 nhân khẩu, diện tích lúa nước chỉ 4,12ha, còn lại là đất soi bãi. Theo như người dân ở đây cho biết, từ năm 2000 trở về trước, để nâng cao đời sống cho nhân dân, huyện, xã đã đưa nhiều loại cây trồng vào trồng thử nghiệm như cây gai, thầu dầu ve, chuối Đài Loan nhưng không lo được đầu ra nên đều thất bại. Đến năm 2001, xã đưa vào trồng thử nghiệm cây dâu.

Trải qua nhiều thăng trầm, có những lúc, nhiều hộ dân ở đây phải phá bỏ gốc dâu, gác nong tằm nhưng đến nay, cây dâu, con tằm thật sự bén rễ trên đất này cùng giá trị của nó mang lại. Gia đình chị Trần Thị Ninh - một trong những hộ trồng dâu lâu năm cho biết: “Năm 2001 bắt đầu trồng thử một ít thấy hiệu quả, gia đình mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dâu. Đến nay, gia đình có hơn một mẫu dâu, trung bình mỗi tháng nuôi được 5 vòng, mỗi vòng cho đến 20kg kén, giá bán 100.000 đồng/kg như hiện nay cũng cho thu về 2 triệu đồng. Vụ tằm vừa qua, gia đình trừ chi phí, giống, dâu đã thu về trên 1 tấn kén”.

Chị Ninh cho biết thêm: “Trước đây, nuôi tằm vất vả lắm nhưng từ khi được chuyển giao kỹ thuật nuôi tằm đất đã giảm được nhiều công lao động. Từ ngày có cây dâu, con tằm, đời sống của người dân trong thôn có nhiều khởi sắc, ti vi, xe máy hay xây nhà đều từ cây dâu, con tằm mà ra”.

Trưởng thôn 10, anh Đàm Văn Tám phấn khởi: “Chúng tôi đã đưa vào thử nghiệm nhiều loại cây trồng song chỉ cây dâu có thể đứng vững trên đất này. Tuy nghề này có lúc thăng, lúc trầm nhưng đến nay cho thấy hiệu quả gấp 7 lần trồng lúa. Toàn thôn có 49 hộ thì 43 hộ trồng dâu, nuôi tằm với diện tích lên đến 14,8ha. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm, cả thôn thu về 17 tỷ đồng, trung bình mỗi nhà thu 39 triệu đồng từ tiền bán kén. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi tiếp tục chuyển hết diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dâu”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Lụa - Chủ tịch UBND xã Việt Thành cho biết: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã đã vận động người dân chuyển đổi diện tích đất soi bãi, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm. Đến nay, toàn xã có trên 36,5ha trồng dâu. Bên cạnh chuyển đổi, mở rộng diện tích, chúng tôi tiếp tục tập huấn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng kén, phát triển bền vững nghề này. Đến nay, cây dâu trở thành cây mũi nhọn của địa phương, giúp nâng cao đời sống cho bà con. Có nhà cho thu nhập đến 200 triệu đồng từ trồng dâu, nuôi tằm. Nhà cửa được xây dựng khang trang, đường làng trong thôn được bê tông hóa, hội trường thôn cũng là do dân nuôi tằm đóng góp, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới”.

Mặc dù nghề trồng dâu nuôi tằm đang thật sự phát triển nhưng liệu nghề này có phát triển bền vững hay không là điều mà nhiều hộ dân quan tâm. Ông Nguyễn Thế Ngữ ở thôn 10 - người đã gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm hơn chục năm cho biết: “Thực tế đã chứng minh, nghề trồng dâu, nuôi tằm cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa. Nhưng để nghề này phát triển bền vững thì quan trọng nhất vẫn là thị trường tiêu thụ. Để trở thành hàng hóa thì người dân phải có diện tích liền ô liền mảnh và được tập huấn kỹ thuật, nâng cao năng suất. Nhìn cánh đồng dâu như một chiếc áo vá, manh mún thì khó mà phát triển. Hiện nay, thị trường tơ đang trong giai đoạn “sốt” nên việc các lái buôn, tư thương đổ xô mua kén cho các hộ dân là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, khi “hạ sốt”, đầu ra của sản phẩm thế nào là điều mà nhiều hộ dân quan tâm…”.

Để người dân gắn bó hơn nữa với nghiệp “tằm tang”, xã Việt Thành cũng như ngành nông nghiệp của tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến đầu ra của sản phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, bao tiêu sản phẩm mới có thể mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Văn Thông

Các tin khác
Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng lần thứ 7. Ảnh minh họa.

Sáng 16/5, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 7 với giá đặt cọc 87,5 triệu đồng một lượng.

Sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Suối Giàng được sản xuất đúng quy trình cho chất lượng cao.

Phát huy lợi thế địa phương, một hợp tác xã đến 90% thành viên là người dân tộc Mông đã biết khai thác, chế biến để vừa nâng cao giá trị sản phẩm Shan tuyết chè cổ thụ vừa nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, trở thành điểm sáng trong khu vực kinh tế tập thể của tỉnh Yên Bái. Đó là Hợp tác xã (HTX) Suối Giàng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

Lãnh đạo xã Hán Đà trao đổi với nhân dân về phát triển mô hình kinh tế nông lâm nghiệp.

Để từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Hán Đà, huyện Yên Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân đa dạng hóa các loại hình phát triển kinh tế tạo việc làm, nâng cao thu nhập; qua đó, hình thành các vùng phát triển kinh tế chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Giá xăng dự báo được điều chỉnh giảm trong kỳ điều hành ngày mai (16/5).

Theo thông lệ, ngày mai 16/5, giá xăng dầu bán lẻ trong nước bước vào kỳ điều hành mới với dự báo có nhiều thay đổi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục