Giải bài toán lương thực ở vùng cao: Từ cách làm của Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/9/2013 | 9:06:35 AM

YBĐT - Đảng bộ huyện Trạm Tấu (Yên Bái) xác định, vấn đề thiết thực nhất khi thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội ở một huyện vùng cao đặc biệt khó khăn với đa số là người Mông như Trạm Tấu thì trước tiên phải làm sao cho người dân đủ ăn, nói cách khác là no bụng mới tạo được tiền đề tiến tới làm những việc khác.

Nương ngô của đồng chí Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Trạm Tấu mượn đất lúa nương kém hiệu quả của người thân để chuyển đổi sang trồng ngô.
Nương ngô của đồng chí Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Trạm Tấu mượn đất lúa nương kém hiệu quả của người thân để chuyển đổi sang trồng ngô.

Bởi vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra đến năm 2015, sản lượng lương thực có hạt đạt 17.900 tấn. Đây là mục tiêu rất cao, đầy thách thức vì nhiệm kỳ 2005 - 2010, sản xuất lương thực dù đã rất nỗ lực nhưng huyện mới đạt trên 12.000 tấn và vượt so với nhiệm kỳ trước khoảng 2.000 tấn. Tuy vậy, Trạm Tấu đã làm nên kỳ tích: đưa mục tiêu ấy về đích trước 3 năm.

Xây dựng chương trình hành động

Xây dựng chương trình hành động cho mục tiêu tăng trên 5.000 tấn lương thực, Đảng bộ huyện nhận thấy, lợi thế lớn nhất là tiềm năng đất đai rộng lớn, nhân lực dồi dào, phẩm chất đáng quý của người Mông là cần cù chịu khó; cơ chế thị trường đang tiếp sức cho tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở vùng cao.

Tuy nhiên, khó khăn bao trùm là dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu; năng lực điều hành, triển khai nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa mạnh; sử dụng nhiều giống cây lương thực năng suất, chất lượng thấp; hệ số sử dụng đất, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị canh tác chưa cao; mức đầu tư cho nông nghiệp còn thấp; lao động nông nghiệp phần lớn mù chữ, chưa được đào tạo nghề; tư tưởng của người dân còn nặng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước…

Bởi vậy, muốn tạo chuyển biến mạnh về sản xuất nông - lâm nghiệp nói chung, trước tiên cần tạo chuyển biến đồng bộ trên cơ sở chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, riêng với sản xuất lương thực sẽ phải thực hiện thắng lợi trên cả ba mặt: diện tích, năng suất, sản lượng. Do đó, cây ngô trên đất nương đồi phải tăng vụ và chuyển diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô. Phấn đấu đến năm 2015, diện tích cây lương thực đạt khoảng 5.875ha, trong đó lúa vụ xuân 915ha, tăng 265ha so với năm 2010; lúa mùa 1.600ha, tăng 600ha; lúa nương 250ha, giảm 950ha.

Đặc biệt, với lúa xuân sẽ tập trung triển khai mạnh ở các xã có phong trào và tại những nơi có điều kiện thủy lợi nhưng chưa làm mạnh. Đối với cây ngô hai vụ, phấn đấu trồng khoảng 3.110ha, tăng gần 1.000ha so với năm 2010, tập trung tại một số xã: Xà Hồ, Bản Mù, Trạm Tấu, Pá Hu, Tà Xi Láng.

Cơ cấu giống cây lương thực, trước tiên sử dụng 100% giống lúa tiến bộ kỹ thuật có năng suất cao gieo cấy trong cả hai vụ như KD18, HT1, Nhị Ưu 838. Đồng thời thử nghiệm giống lúa đặc sản (ĐS I) để bổ sung vào cơ cấu giống của huyện và quy hoạch thành vùng sản xuất chuyên canh tại các xã: Hát Lừu, Trạm Tấu, Xà Hồ, Bản Công tạo sản lượng lớn làm hàng hóa vì bảo đảm cả yếu tố năng suất, chất lượng cao và giá thóc thương phẩm cao gần gấp đôi giống lúa tẻ khác, nhu cầu của thị trường lại rất lớn. Đối với cây ngô trên đất nương đồi sử dụng 100% giống tiến bộ kỹ thuật có năng suất cao như Bioseed 9698, C919, NK54, LVN 25…

Huyện cũng tập trung giải quyết tốt vấn đề đất đai qua rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn phát triển; hoàn thành đo đạc, sắp xếp, điều chỉnh đất nông nghiệp bảo đảm 100% các hộ đều có đủ đất sản xuất theo quy định của Chính phủ; cố gắng tăng hệ số sử dụng đất ruộng nước, nương rẫy lên khoảng 1,7 đến 1,8 lần và đẩy mạnh khai hoang ruộng nước, ruộng cạn, chú trọng áp dụng các biện pháp canh tác bền vững. Đặc biệt, huyện phấn đấu chuyển khoảng 80% trở lên đất lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô hai vụ và trồng cỏ nuôi đại gia súc.

Huyện đã bố trí đủ cán bộ có năng lực cho ngành nông nghiệp và đủ biên chế cán bộ khuyến nông có trình độ đại học cho các xã, thị trấn; tập trung đào tạo lại, tập huấn nâng cao chuyên môn cho cán bộ ngành nông nghiệp và thực hiện có hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho người lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ để đến năm 2015, Trạm Tấu có 40% số lao động nông thôn đã qua đào tạo, giúp người dân cơ bản chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác.

Bên cạnh đó là tích cực phổ biến chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân theo kiểu “cầm tay chỉ việc”; xây dựng các mô hình trồng trọt, tuyển chọn giống cây có năng suất, chất lượng cao bổ sung vào cơ cấu giống cây lương thực; huy động mọi nguồn lực đầu tư cho sản xuất; thực hiện hỗ trợ giống cây trồng các loại, hỗ trợ vật tư để dân sản xuất, thâm canh tăng năng suất. Huyện tranh thủ tốt các nguồn vốn như: vốn ngân sách tỉnh, Chương trình 135 giai đoạn II, Chương trình Giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, Dự án Giảm nghèo… với mức bình quân khoảng 15 đến 20 tỷ đồng mỗi năm.

 

Lúa xuân ở xã Bản Mù cho năng xuất không kém vùng thấp.

Thực hiện quyết liệt ở cơ sở

Khó khăn được dự đoán trước nhưng thực tế triển khai nhân lên gấp bội bởi lẽ trước tiên phải thay đổi được nhận thức, tập quán quán sản xuất của người dân. Những năm đầu tiên thực hiện mục tiêu tăng 5.000 tấn lương thực, các đồng chí trong Ban Thường vụ, trưởng các ban, ngành, đoàn thể phân công phụ trách địa bàn, cán bộ nông nghiệp, cán bộ các ngành tăng cường ngày đêm bám cơ sở.

Khuyến nông viên Đinh Văn Cường ở xã Tà Xi Láng cho biết, chỉ cần họp dân ở một thôn như Làng Mảnh, anh phải đi suốt cả tuần vì thôn có trên 80 hộ dân nhưng ở rải rác tới 7 chòm, cách nhau vài cây số đường núi lại chỉ họp được lúc về đêm nên không thể họp chung một điểm. Nhiều cán bộ tăng cường tâm sự, có lúc đi họp thôn mà buồn đến phát khóc bởi khó khăn lắm mới bố trí được lịch họp luân phiên các thôn vì không nhanh thì lỡ thời vụ nhưng chiều lên bản, tối mưa bất ngờ khiến cuộc họp bất thành.

Vài hôm sau họp được dân, cán bộ nói dân rất đồng tình nhưng khi quay lại triển khai công việc thì mọi thứ lại như không. Nhiều mô hình cứ cán bộ rút là dân cũng bỏ luôn. Hiện giờ vẫn có đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy phải về quê ở xã Bản Mù mượn cả héc-ta đất lúa nương kém hiệu quả của người thân để làm mô hình chuyển đổi sang trồng ngô cho dân xem, làm theo. Cánh đồng Tàng Ghênh ở xã này rất thuận lợi về nước và cấy hai vụ chắc ăn nhưng huyện, xã vẫn phải chọn cánh đồng quanh nhà thờ làm mẫu để khi người dân đi lễ qua đây nhìn thấy hiệu quả lúa hai vụ mà làm theo.

Thật sự khó khăn thế nhưng Bí thư Huyện ủy Vũ Quỳnh Khánh nói rằng: “Đây là chủ trương lớn nên dù khó đến mấy cũng không thể lùi bước. Khi triển khai chương trình hành động đều được cụ thể hóa bằng nghị quyết chuyên đề từng vụ, từng năm và được thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp”. Những nghị quyết chuyên đề ở đây là phát triển cây ngô hàng hóa, chuyển đổi đất lúa nương kém hiệu quả sang trồng giống ngô năng suất cao, tăng diện tích lúa xuân, khai hoang ruộng nước và ruộng cạn…

Những nghị quyết chuyên đề ấy gắn với trách nhiệm của từng đồng chí trong Ban Thường vụ, ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện, trưởng các ban, ngành, đoàn thể, các ngành phân công phụ trách cơ sở cùng cấp ủy, chính quyền, đảng viên các xã. Riêng các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ huyện, trưởng, phó ngành là người địa phương thì ở xã nào về  xã đó chỉ đạo phong trào.

Các đảng viên là người Mông công tác ở các cơ quan huyện cũng phải về cùng gia đình, vận động họ hàng làm trước. Lãnh đạo, đảng viên ở các xã nếu ai có đất ruộng hai vụ mà không cấy hết, không chuyển đổi đất lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô, không đi đầu trong vùng quy hoạch ngô hàng hóa đều được xem xét, đánh giá công tác thi đua của cá nhân, chi bộ, Đảng bộ nơi đó.

Thậm chí, nếu không có đất làm các mô hình thì phải mượn đất của họ hàng để làm trước. Đồng chí nào, cơ quan nào, xã nào không hoàn thành nhiệm vụ thì cá nhân đó, đơn vị đó, xã đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng bộ huyện và làm tốt sẽ được biểu dương, khen thưởng thỏa đáng. Quan điểm chung là làm đến đâu chắc đến đó, nếu có vấn đề gây ảnh hưởng phải đánh giá, rút kinh nghiệm kịp thời để khắc phục. Huyện cũng chỉ đề ra mức phấn đấu đến năm 2015, tổng diện tích cây lương thực đạt 5.875ha, tăng khoảng 860ha so với năm 2010.

Tuy nhiên, quyết tâm thực hiện, có nhiều giải pháp và làm để dân tin, dân làm theo, ngay trong năm 2011, diện tích cây lương thực đã tăng đáng kể và các mô hình sản xuất đều khẳng định hiệu quả nên huyện tổ chức nhiều hội nghị đầu bờ, chương trình thăm quan mô hình giúp dân yên tâm sản xuất.

Đồng thời, ngay năm 2011, tổng sản lượng lương thực đã lên tới 15.094 tấn, trong đó thóc 9.433,7 tấn, tăng 1.358 tấn so với năm trước; ngô 5.660 tấn, tăng 1.000 tấn. Năm 2012, tổng diện tích cây lương thực đã đạt 6.254ha, tăng khoảng 700ha so với năm 2010, trong đó lúa ruộng 2.---342ha, lúa nương giảm 652ha; sản lượng lương thực đạt 18.899 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt tới 620,4kg.

Tất cả các chỉ tiêu về phát triển lương thực đã về đích trước 3 năm và vượt xa mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Trạm Tấu nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Năm nay, sản xuất lương thực của huyện vùng cao này tiếp tục có những bước tiến khả quan hơn khi lúa xuân đạt 1.159,7ha, tăng gần 240ha so với năm 2012; ngô xuân 2.484ha, tăng 15ha; vụ mùa 1.422,02ha, ngô hè thu gần 280ha… Những con số đó đã khẳng định, việc xóa đói ở Trạm Tấu đã có bước đi vững chắc để giảm nghèo. Mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện trên cả ba mặt: diện tích, năng suất, sản lượng; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và hình thành vùng sản xuất hàng hóa như vùng ngô, vùng lúa đặc sản ĐS I đang dần trở thành hiện thực.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Giá xăng được điều chỉnh giảm.

Giá xăng trong nước hôm nay (16/5) được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 410 đồng, giá bán xuống mốc 23.130 đồng/lít.

12.300 lượng vàng miếng SJC đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đấu thầu bán thành công.

Kết quả phiên đấu thầu vàng miếng SJC sáng 16/5, có 11 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 12.300 lượng vàng.

Khách hàng sẽ được gia hạn nợ đến hết năm nay.

Ngân hàng Nhà nước đề xuất gia hạn thời gian cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 thêm 6 tháng, đến hết năm 2024.

Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng lần thứ 7. Ảnh minh họa.

Sáng 16/5, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 7 với giá đặt cọc 87,5 triệu đồng một lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục