Lựa chọn quản lý rừng theo mô hình cộng đồng
- Cập nhật: Thứ tư, 23/4/2014 | 2:04:29 PM
Nhiều mô hình rừng cộng đồng đã thành công ở các nước trên thế giới. Hiện Việt Nam cũng đang thí điểm nhiều mô hình khác nhau để chọn ra mô hình tích cực nhất nhằm quản lý rừng có hiệu quả và bền vững.
|
Trong 2 ngày 23 và 24/4, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Trung tâm vì con người và rừng (RECOFTC, thuộc Tổ chức Nông Lương LHQ - FAO) và Đại học Nông lâm Thái Nguyên tổ chức Diễn đàn quốc gia về lâm nghiệp cộng đồng.
Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 60 đại biểu từ khu vực công, khu vực tư nhân và khu vực phát triển cùng với đại diện các cơ quan nghiên cứu và đào tạo cũng như các cộng đồng lĩnh vực lâm nghiệp, những người muốn chia sẻ thành tựu và bày tỏ nhu cầu cũng như nguyện vọng của bản thân về vấn đề lâm nghiệp cộng đồng.
Tại Diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi cho biết quản lý rừng cộng đồng đang trở thành phương pháp phổ biến trong lâm nghiệp tại Việt Nam. Trong hai thập kỷ qua, nhiều mô hình rừng cộng đồng đã được thử nghiệm trên cả nước, trong đó có dự án thí điểm “Lâm nghiệp cộng đồng quốc gia” được thực hiện trong 2 giai đoạn (giai đoạn 1 từ 2006-2009 ở 10 tỉnh và giai đoạn 2 từ 2012-2013 tại 9 tỉnh).
Thành công và bài học kinh nghiệm của những mô hình này chứng minh rằng lâm nghiệp cộng đồng có thể là mô hình quản trị rừng hiệu quả, công bằng và bền vững nhờ huy động được sự tham gia tích cực và quan tâm đến nhu cầu cũng như kiến thức của người dân.
Kể từ những năm 1990, rất nhiều mô hình lâm nghiệp cộng đồng khác nhau đã được thực hiện thí điểm tại Việt Nam. Thông qua cải cách quyền sử dụng đất, Chính phủ đã tạo nền móng vững chắc cho việc phát triển mô hình quản lý rừng cộng đồng và từ đó tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quá trình quản lý rừng.
Cho đến nay, có gần 4 triệu ha rừng đã được giao cho các cộng đồng, hộ gia đình khác nhau thực hiện mô hình trên. Tuy nhiên, làm thế nào để cộng đồng địa phương có thể thực hiện được quyền lợi hợp pháp mà họ được hưởng theo luật định để tạo ra lợi ích từ rừng, cách tiếp cận đổi mới nào có thể giúp liên kết cộng đồng với các hình thức quản trị rừng mới, có liên quan đến việc chi trả dịch vụ hệ sinh thái rừng cũng như cần thiết phải có sự tham gia của cộng đồng vào trong các quá trình ra quyết định và thực thi, là những vấn đề quan trọng cần được quan tâm thích đáng.
Trong bối cảnh phát triển mới của lâm nghiệp cộng đồng, diễn đàn quốc gia đầu tiên này hướng tới việc tập hợp các bên liên quan để chia sẻ kinh nghiệm, rút ra bài học và cùng lập kế hoạch cho tương lai.
Diễn đàn trong 2 ngày sẽ là cơ hội để đại biểu tham dự đánh giá thành công và bài học kinh nghiệm chính của lâm nghiệp cộng đồng trong nước; thảo luận phương thức triển khai lâm nghiệp cộng đồng ra toàn quốc; bàn đến các vấn đề, thách thức, cơ hội chủ yếu.
Cùng với đó xác định và củng cố vai trò của các tác nhân chính tham gia làm lâm nghiệp cộng đồng và khuyến khích hài hòa hóa các nỗ lực và chiến lược trong tương lai; Xây dựng tập hợp những khuyến nghị có tính thiết thực cho việc thực hiện lâm nghiệp cộng đồng tại Việt Nam, quan tâm đến những khía cạnh như quy trình thủ tục, phương pháp điều tiết, cân nhắc thể chế, với sự hiện diện của tất cả các bên có lợi ích liên quan.
Lần đầu tiên việc thành lập mạng lưới lâm nghiệp cộng đồng sẽ được đưa lên bàn thảo luận. Tại đây, các đại biểu sẽ đóng góp ý tưởng để xây dựng một mạng lưới trong đó các bên liên quan có thể hợp tác để mang lại sự đổi thay. Trong bối cảnh như vậy, một mạng lưới lâm nghiệp cộng đồng quốc gia có thể đóng vai trò như một hệ thống giúp các tác nhân thực hành lâm nghiệp cộng đồng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm và thông tin, hướng tới vận động chính sách nhằm đảm bảo tính bền vững cho lâm nghiệp cộng đồng.
(Theo chinhphu)
Các tin khác
Ngày 22/4, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và Dự án kết nối ASEAN thông qua thương mại và đầu tư (ACTI) tổ chức Hội nghị thành lập Mạng lưới Nữ doanh nhân ASEAN (AWEN).
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2013, tổng số lượng thẻ phát hành của 50 ngân hàng đã đạt hơn 66,2 triệu thẻ, tăng hơn 20% so với 2012.