Nhân lên những mùa vàng
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/5/2014 | 8:49:11 AM
YBĐT - Với mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân và đưa Văn Chấn trở thành trung tâm động lực phát triển nông, lâm nghiệp khu vực phía tây của tỉnh Yên Bái, những năm qua, ngành nông nghiệp huyện đã nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình gieo cấy lúa nước và áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
Nông dân Văn Chấn thu hoạch lúa đông xuân.
|
Chúng tôi trở lại thăm mô hình gieo cấy lúa cải tiến SRI của gia đình chị Hoàng Thị Thiêm ở thôn Bản Tèn, xã Phù Nham khi những trà lúa ở Mường Lò bước vào độ chín. Sau hơn trăm ngày thấp thỏm lo âu, giờ chị Thiêm đã thở phào nhẹ nhõm khi thấy những rảnh lúa mong manh hóa thành những khóm lúa trĩu bông.
Chị Thiêm cho hay: "Hơn 1.000m2 mô hình, gia đình chỉ phải làm cỏ 2 lần, rút nước 3 lần, dúi phân 1 lần, phun thuốc 1 lần nhưng tuần nào cũng thăm ruộng. Lúa giống giảm phần ba, phân dúi hết 27kg là giảm kha khá, sâu bệnh cũng ít, chỉ lo lúa không đẻ nhánh kịp. Ấy vậy mà mỗi lần nước cạn, đất nẻ chân chim, gốc lúa cứ túa ra những mầm. Hiệu quả thế này, từ vụ sau, gia đình sẽ áp dụng phương pháp cho toàn bộ diện tích".
Có kinh nghiệm hơn chị Thiêm, bà Hà Thị Tâm ở thôn Ao Luông 1, xã Sơn A đã áp dụng mô hình này từ 4 năm nay. Từ chỗ còn bỡ ngỡ, hoài nghi về hiệu quả của phương pháp, đến nay, bà Tâm và nhiều hộ dân trong thôn đã thành thục các quy trình.
Bà Tâm chia sẻ: "Các khâu quan trọng trong quy trình của phương pháp này là cấy mạ non, cấy mạ xúc, cấy nông tay, cấy thưa và bón lót đủ, cân đối các loại phân trước cấy. Đặc biệt, việc điều tiết nước để kích thích đẻ nhánh, kích thích sinh trưởng là yếu tố rất quan trọng. Áp dụng phương pháp trên toàn bộ diện tích 1.500m2 ruộng nước của gia đình đã giảm lượng giống từ 5 - 6kg xuống còn 3,5kg. Năng suất lúa trung bình đạt 12 tấn/ha/năm, riêng vụ đông xuân này có thể đạt 70 - 72 tạ/ha.
Là huyện có truyền thống sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên sản xuất lúa ở Văn Chấn hiệu quả vẫn hạn chế do chí phí đầu vào khá cao. Với mục tiêu phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng Văn Chấn trở thành trung tâm động lực phát triển nông, lâm nghiệp khu vực phía tây của tỉnh, huyện đã nghiên cứu, khảo nghiệm nhiều mô hình sản xuất tiên tiến. Mô hình gieo cấy lúa SRI được Trạm Khuyến nông và Trạm Bảo vệ thực vật huyện triển khai từ năm 2010.
Đến nay, phương pháp canh tác này đã khẳng định hiệu quả và được đông đảo nhân dân áp dụng. Khâu then chốt trong thực hiện phương pháp này là việc chủ động tưới tiêu để kích thích lúa đẻ nhánh trong thời kỳ sinh trưởng lại bị hạn chế bởi ruộng đồng manh mún, thiếu chủ động trong điều tiết nước. Mặt khác, nhiều hộ dân vẫn còn tâm lý lo ngại khi cấy thưa, ít rảnh vào thời tiết giá rét nên chỉ cấy thưa mà không cấy ít dảnh.
Theo ông Nguyễn Tiến Lâm - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Văn Chấn thì bản chất của mô hình là huy động tối đa sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa bằng việc khuyến khích nông dân áp dụng phương pháp canh tác thân thiện với môi trường. Giải quyết những hạn chế khi áp dụng quy trình cũng như tâm lý lo ngại của nhân dân, các ngành chức năng của huyện và các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền và tiếp tục xây dựng các mô hình tập trung trên quy mô lớn. Qua các mô hình lớn, tập trung, áp dụng chặt chẽ các quy trình đã tạo hiệu quả vượt trội, tạo ra trà lúa có chất lượng đồng đều, tạo niềm tin cho nhân dân".
Thực tế, phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI đã trở nên khá gần gũi với nông dân khu vực cánh đồng Mường Lò. Nhiều xã như: Hạnh Sơn, Sơn A, Thanh Lương, Phù Nham, diện tích gieo cấy theo phương pháp này đạt 50% - 70%. Mặc dù quá trình áp dụng, tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật còn ở mức độ nhất định nhưng nhiều hộ dân đã nhận thấy việc gieo cấy theo phương pháp cải tiến SRI cho hiệu quả hơn.
Ông Đinh Văn Thuyên - Chủ tịch UBND xã Sơn A khẳng định: "Đến nay, diện tích gieo cấy lúa SRI của nhân dân trên địa bàn xã đã đạt 70% - 75%. Với 205ha lúa nước, mỗi năm, nông dân đã tiết kiệm được vài trăm cân thóc giống và hàng chục tấn phân vô cơ. Điều đáng nói là từ khi áp dụng phương pháp này đến nay, năng suất lúa liên tục tăng. Hiện năng suất lúa bình quân đạt 12 tấn/ha/năm, tăng gần 2 tấn so với năm 2008".
Trong giai đoạn hiện nay, có rất nhiều phương pháp canh tác tiên tiến được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp như gieo mạ ném, gieo sạ theo hàng, dùng máy cấy… Tuy nhiên, phương pháp gieo cấy lúa cải tiến SRI vẫn khẳng định tính ưu việt với điều kiện sản xuất của địa phương.
Qua kiểm nghiệm các ruộng gieo cấy theo phương pháp SRI và so sánh các ruộng đối chứng có thể thấy, việc gieo cấy với mật độ thưa nhưng quá trình sinh trưởng mỗi khóm lúa đều đạt từ 12 - 14 rảnh, mỗi mét vuông đạt trên 200 bông, tương đương với việc cấy mật độ cao, nhiều dảnh. Cấy thưa sẽ tạo điều kiện cho cây lúa quang hợp tốt, cây lúa to, khỏe, hạt chắc và hạn chế được sâu bệnh, vì vậy năng suất tăng trung bình 15%.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, nông dân sử dụng phân viên nén dúi sâu là chủ yếu, khi kết hợp với phương pháp này rất thích hợp. Mặt khác, phương pháp SRI có thể áp dụng trong nhiều điều kiện thời tiết, khí hậu với hầu hết các chân ruộng. Việc ứng dụng trên quy mô lớn, cánh đồng mẫu lớn sẽ cho hiệu quả vượt trội với chất lượng nông sản tương đối đồng đều.
Theo ông Hồ Đức Hợp - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn thì lý do huyện chọn triển khai và khuyến khích nhân rộng mô hình này bởi đây là phương pháp cải tiến nhưng rất gần gũi với phương pháp canh tác truyền thống của nhân dân. Phương pháp này là nền tảng, cơ sở sản xuất lúa "3 giảm, 3 tăng". Khi áp dụng phương pháp này trong việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn và sản xuất lúa hàng hóa sẽ tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
Trần Van
Các tin khác
Tổng cục Thống kê cho biết, tới ngày 15/5/2014, thu ngân sách cả nước ước đạt 326,1 nghìn tỷ đồng (bằng 41,7% dự toán năm).
Người dân được vay trong 10 năm và ân hạn 1 năm, có thể thế chấp bằng chính thân tàu.
YBĐT - Chiều ngày 29/5, đồng chí Tạ Văn Long - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái đã tiếp và làm việc với ông Lee Yong Bae - Tổng giám đốc Công ty Vina Kyungseung của Hàn Quốc về việc đầu tư xây dựng Nhà máy May mặc xuất khẩu tại huyện Trấn Yên.
YBĐT - So với các loại hình chăn nuôi khác, chăn nuôi thủy cầm dường như đang lép vế hơn nhiều, cơ cấu chỉ chiếm chưa đến 20% trong tổng đàn gia cầm. Vì vậy, cần có thêm những giải pháp để chăn nuôi thủy cầm có bước đi vững chắc hơn.