Cởi "nút thắt" về vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/6/2014 | 9:17:06 AM

YBĐT - Những năm qua, nhiều chương trình giảm nghèo được triển khai trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã mang lại hiệu quả khá tốt, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm qua các năm. Tuy nhiên, trên thực tế, số hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn tương đối lớn. Điều kiện sống và năng lực sản xuất của hộ nghèo và cận nghèo đều hạn chế như nhau, ranh giới giữa hộ nghèo và cận nghèo là vô cùng mong manh.

Cặp trâu mua từ nguồn vốn vay của gia đình chị Nguyễn Thị Mơ ở thôn Quyết Tiến 12, xã Đại Minh (Yên Bình).
Cặp trâu mua từ nguồn vốn vay của gia đình chị Nguyễn Thị Mơ ở thôn Quyết Tiến 12, xã Đại Minh (Yên Bình).

Điều bất cập là những hộ nghèo thì được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong khi đối tượng cận nghèo không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và muốn đầu tư sản xuất, kinh doanh cũng không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội. Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo như một chiếc phao giúp họ có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Năm 2012, chị Nguyễn Thị Hiển và anh Trần Văn Dũng ở thôn 7 Đầm Thơm, xã Đại Minh (Yên Bình) kết hôn và ra ở riêng. Anh làm nghề sửa chữa xe máy, còn chị ở nhà phụ giúp chồng và làm nội trợ. Cuộc sống khó khăn do lượng xe máy trên địa bàn ít cộng với có nhiều hàng quán cùng làm nghề nên hàng tháng, vợ chồng anh chị chỉ kiếm được trên dưới 1,5 triệu đồng, chi phí cho 3 nhân khẩu nên gia đình thuộc diện hộ cận nghèo. Khi ra ở riêng, anh chị được bố mẹ hai bên cho khoảng 3ha đất rừng làm của hồi môn.

Do không có tiền đầu tư nên diện tích đất đó cứ để cho cỏ mọc. Khi chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo có hiệu lực, anh chị được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Từ đồng vốn này, anh chị đã mua cây giống, thuê người làm cỏ, cuốc hồ trồng trên 4.000 cây keo và gần 100 gốc bưởi Đại Minh.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu đồi rừng, chị Hiển cho hay: "Diện tích 3ha cây keo này khoảng 2 năm nữa chúng em sẽ tỉa thưa bán cho nhân dân làm cây chống. Số tiền đó sẽ trả lãi ngân hàng và tái đầu tư cho diện tích còn lại. Nếu thuận lợi thì khoảng 5 năm nữa, chúng em sẽ khai thác số keo này ước khoảng 200m3, theo giá thời điểm hiện nay sẽ bán được trên 200 triệu đồng".

Gia đình chị Nguyễn Thị Mơ ở thôn Quyết Tiến 12, xã Đại Minh (Yên Bình) có hoàn cảnh đặc biệt hơn. Năm 2012, sau mỗi lần lao động quá sức, chị thấy cổ họng mình đau rát. Thấy đây là triệu chứng không bình thường nên chị đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái và phát hiện có u tuyến giáp. Để có tiền chữa bệnh, gia đình phải bán hết những tài sản có giá trị. 

Trước đây, do chịu khó làm ăn nên gia đình thuộc diện hộ khá trong thôn nhưng hiện nay đã thuộc diện hộ nghèo. Vừa được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, gia đình mua ngay một cặp trâu nái sinh sản 48 triệu đồng, còn lại 2 triệu đồng đầu tư trồng trên 1 sào cỏ voi. Từ một cặp trâu gầy gò, sau gần hai tháng được gia đình chị chăm sóc tốt, cặp trâu phổng phao và khỏe mạnh hẳn.

"Mình không phải là người lười biếng nhưng quả thật không có vốn để đầu tư phát triển kinh tế. May có nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo và hộ cận nghèo, gia đình tôi mới có cơ hội thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Mong sẽ có thêm nhiều hộ gia đình được tiếp cận nguồn vốn này" - chị Mơ chia sẻ.

Vốn chính sách của Chính phủ đã đến với người khó khăn và thực sự phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai đã xuất hiện những vướng mắc như: mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo chỉ có 30 triệu đồng đã không còn phù hợp với tình hình và giá cả hiện nay. Cụ thể là nhiều nông dân nghèo muốn vay vốn mua một chiếc máy xay xát nhưng tổng chi phí đã lên tới trên 50 triệu đồng; giá mỗi con trâu to khỏe, có thể dùng ngay vào việc kéo gỗ cũng trên dưới 60 triệu đồng... Từ thực tế này, Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đã có Quyết định số 34/QĐ-HĐQT về việc kể từ ngày 1/5/2014 nâng mức cho vay hộ nghèo từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng. Theo đó, hộ cận nghèo cũng được vay vốn tối đa là 50 triệu đồng/hộ.

Theo ông Nguyễn Minh Hưng - Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái thì "Việc hỗ trợ vốn cho hộ cận nghèo thông qua chương trình cho vay hộ cận nghèo đã mang lại hiệu quả tích cực. Đây là quyết định hết sức đúng đắn, giống như việc cởi nút thắt về vốn cho hộ nghèo và cận nghèo. Song để đồng vốn đó phát huy hiệu quả tối đa, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc định hướng cách làm kinh tế, chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp".

Để tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn chính sách, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp để nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đơn vị đã giao chỉ tiêu nguồn vốn đối với hộ cận nghèo cho các xã, phường, thị trấn; chỉ đạo ngân hàng chính sách xã hội các huyện, thị, thành phố phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn rà soát nhu cầu vay vốn, tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền để giải ngân vốn hỗ trợ đúng đối tượng. Điều kiện, hồ sơ thủ tục và quy trình cho vay đối với hộ cận nghèo được thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn tại nơi sinh sống. Người có nhu cầu vay vốn làm giấy đề nghị vay vốn kèm theo phương án sử dụng vốn vay gửi đến tổ tiết kiệm để được xem xét giải quyết.

Tính đến ngày 31/5/2014, tức là sau hơn 1 năm triển khai cho vay hộ cận nghèo, toàn tỉnh đã có 4.093 hộ được vay vốn với số tiền trên 108 tỷ đồng, trong đó cao nhất là huyện Văn Chấn 1.136 hộ vay trên 27 tỷ đồng, huyện Yên Bình 721 hộ vay trên 20 tỷ đồng... 

 Quang Thiều

Các tin khác

Chiều 17-6, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt Quyết định (QĐ) 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT giai đoạn 2014-2015.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thăm Nhà máy đóng tàu Damen-Sông Cấm.

Trong khuôn khổ chuyến thăm thăm và làm việc tại Việt Nam, chiều 17/6, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte đã có chuyến thăm và làm việc tại Hải Phòng.

YBĐT - Ngày 17/6, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Yên Bái tổ chức Hội thảo kết quả nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật phòng chống mối cho chè Shan tuyết tại tỉnh Yên Bái.

Thu hái chè bằng máy đúng kỹ thuật giúp tăng năng suất và chất lượng nguyên liệu.

YBĐT - Với gần 12.000ha và sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 90.000 tấn, Yên Bái đang đứng vào hàng những tỉnh có diện tích chè lớn của cả nước. Vùng nguyên liệu lớn, nhà máy chế biến nhiều nên việc cơ giới hóa trong sản xuất chè là cần thiết nhằm nâng cao năng suất và chất lượng loại cây công nghiệp chủ lực này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục