Quy định về cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công:

Hộ nấu rượu thờ ơ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/7/2014 | 9:11:08 AM

YBĐT- Uống rượu là nét văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Ở các làng quê hay miền núi, trong các dịp lễ tết, hiếu hỷ hay những bữa ăn dân dã, rượu thủ công (hay còn gọi là rượu nút lá chuối) góp mặt phổ biến.

Đến nay, quy định về cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công vẫn chưa đi vào cuộc sống.
Đến nay, quy định về cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công vẫn chưa đi vào cuộc sống.

Người ta khi nâng chén rượu ít quan tâm đến nguồn gốc và chất lượng, chỉ đến khi xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu thì nhiều người mới giật mình nhìn lại những sản phẩm mình đang dùng có an toàn hay không và các cơ quan chức năng mới siết chặt quy định trong sản xuất, kinh doanh rượu.

Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định số 94) về sản xuất, kinh doanh rượu quy định các cơ sở nấu rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải được cấp giấy phép sản xuất rượu. Triển khai quy định trên, tại địa bàn tỉnh Yên Bái, phòng kinh tế - hạ tầng, phòng công thương các huyện, thị, thành đã rà soát các cơ sở nấu rượu thủ công, từng bước tuyên truyền, hướng dẫn và triển khai việc cấp giấy phép sản xuất rượu. Tuy nhiên, qua hơn 1 năm rưỡi triển khai, nhiều quy định vẫn còn ở trên giấy.

Theo khảo sát, toàn tỉnh có hàng trăm cơ sở nấu rượu thủ công nhưng tính đến thời điểm hiện tại mới cấp giấy phép cho 10 cơ sở, trong đó huyện Văn Chấn là địa phương được cấp giấy phép nhiều nhất: 8 cơ sở, huyện Trấn Yên: 1 cơ sở và thành phố Yên Bái: 1 cơ sở. Tìm hiểu nguyên nhân cho thấy, điều kiện pháp lý để cấp giấy phép sản xuất rượu rất chặt chẽ, trong khi đó nhận thức của hộ nấu rượu còn hạn chế.

Quy định chặt

Theo quy định của Nghị định số 94, điều kiện để được cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công là: cơ sở phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận mã số thuế; phải có bản sao giấy tiếp nhận công bố hợp quy; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; phải có bản sao nhãn hàng hóa sản phẩm rượu. Để có được những giấy tờ trên, cơ sở phải "gõ cửa" nhiều cơ quan: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do phòng tài chính - kế hoạch huyện cấp; giấy tiếp nhận công bố hợp quy do Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (thuộc Sở Y tế) cấp; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Sở Công thương cấp.

Thực tế tại địa phương, đa phần các cơ sở sản xuất rượu thủ công là những hộ gia đình nấu rượu với quy mô nhỏ, vừa nấu rượu vừa kết hợp sử dụng bỗng rượu để chăn nuôi, không có đăng ký kinh doanh và không đăng ký thuế, cơ sở thiết bị hạ tầng trong sản xuất rượu được sử dụng chung các thiết bị, khu vực sinh hoạt gia đình. Để đủ điều kiện cấp giấy, hộ gia đình phải đạt được những điều kiện nhất định về mặt pháp lý cũng như cơ sở vật chất mà pháp luật quy định. Đây là đòi hỏi tương đối khó so với mặt chung của các hộ nấu rượu trên địa bàn một tỉnh miền núi như Yên Bái.

Hộ nấu rượu thờ ơ

Quy định về việc cấp giấy phép sản xuất rượu đã triển khai được hơn một năm rưỡi song nhiều hộ nấu rượu vẫn thờ ơ với quy định này. Khi được hỏi, một hộ nấu rượu ở phố Thống Nhất, phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái) cho biết: "Nhà tôi từ trước đến nay vẫn túc tắc nấu rượu, chỉ biết làm sao cho đảm bảo chất lượng để giữ khách chứ cũng chưa nghĩ đến việc phải xin phép". Một số hộ đã được tuyên truyền thì lúng túng, e ngại việc đi làm giấy phép. Tâm lý ngại đến với cơ quan Nhà nước, không biết thủ tục bắt đầu từ đâu là suy nghĩ khá phổ biến. Mặt khác, vì sợ phải đóng thuế tháng nên có hộ không muốn làm đăng ký kinh doanh.

 Một hộ nấu rượu ở tổ 33, phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái) cho biết: "Nhà tôi mỗi tháng nấu được từ 40 đến 60 lít rượu, chủ yếu bán cho người quen ở xung quanh, giá cả phải chăng, lấy công làm lãi. Giờ phải làm giấy phép, phải nộp thuế tháng sẽ rất khó khăn".

Bên cạnh đó vẫn có người né tránh quy định của pháp luật. Nghị định số 94 chỉ quy định đối với các cơ sở nấu rượu thủ công để kinh doanh mới phải xin cấp giấy phép, còn nấu rượu để tự tiêu dùng thì không phải xin phép; nấu rượu để bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu chế biến lại rượu thì chỉ cần đăng ký với chính quyền địa phương tại nơi sản xuất. Do vậy, chỉ cần "nhập nhèm" trong việc tiêu thụ đầu ra, người nấu rượu sẽ tránh được các ràng buộc về giấy phép và điều kiện kinh doanh.

Giải pháp


Để đẩy mạnh công tác cấp giấy phép sản xuất và dán tem rượu thủ công, một mặt các phòng chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tổ chức hội nghị tập huấn, phổ biến pháp luật, giải đáp các thắc mắc cho người dân, minh bạch thủ tục hành chính ngay từng khâu để người dân hiểu và thực hiện.

Mặt khác, cần triển khai công tác kiểm tra, xử lý vi phạm bởi dù có tuyên truyền, hướng dẫn song nếu không có cơ quan hậu kiểm thì tâm lý "mặc kệ" trong hoạt động nấu rượu thủ công sẽ còn tiếp diễn. Do đây là quy định pháp luật mới, hoạt động kiểm tra cần diễn ra sau khi đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn; kiểm tra có chọn lọc, lựa chọn những cơ sở có quy mô, sản lượng lớn để kiểm tra trước. Có như vậy, các hộ nấu rượu mới có động lực để hoàn thiện điều kiện kinh doanh và làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép.

 
Phương Uyên

Các tin khác
Gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ tạo ra

Ngày 3/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ quyết định Phương án phân bổ, sử dụng 16.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ; đóng tàu, trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư.

Cải cách ngành điện nhằm tăng sức đề kháng trước biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa phê duyệt khoản vay 200 triệu USD và khoản tín dụng 70 triệu USD nhằm giúp Chính phủ Việt Nam cải cách ngành điện, tăng sức đề kháng trước biến đổi khí hậu và phát triển ít carbon hơn.

Nông dân Nghĩa Lợi gieo cấy lúa mùa sớm.

YBĐT - Những năm qua, xã Nghĩa Lợi , thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), đã tập trung chỉ đạo nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, từng bước giảm nghèo bền vững.

Ảnh minh họa.

Mặc dù lãi suất huy động VND giảm nhưng xu hướng này đã không ảnh hưởng đến tiền gửi nội tệ của khách hàng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục