Từ hôm nay, xe qua hầm Đèo Ngang sẽ không mất phí
- Cập nhật: Thứ năm, 10/7/2014 | 8:21:42 AM
Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Tổng công ty Sông Đà phải dừng thu phí tại trạm qua hầm đường bộ Đèo Ngang bắt đầu từ 9 giờ ngày 10/7 do mặt đường trước cửa hầm đang bị hằn lún vệt bánh xe gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu dừng thu phí qua hầm Đèo Ngang do đường qua đây bị hằn lún vệt bánh xe.
|
Ngày 9/7, đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải đã đi kiểm tra các công trình trên Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế và bắt gặp hiện tượng mặt đường trước cửa hầm đường bộ qua Đèo Ngang do Tổng công ty Sông Đà là nhà đầu tư BOT bị hằn lún vệt bánh xe gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông. Cục Quản lý đường bộ II đã có văn bản nhắc nhở nhiều lần nhưng không được nhà đầu tư sửa chữa.
Ngay sau đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện đã yêu cầu nhà đầu tư BOT và doanh nghiệp dự án BOT phải dừng thu phí tại trạm thu phí sử dụng cho dự án hầm đường bộ Đèo Ngang bắt đầu từ 9 giờ ngày 10/7 do mặt đường trước cửa hầm đường bộ qua Đèo Ngang mất an toàn giao thông.
“Việc thu phí tại trạm này sẽ bị dừng cho đến khi nhà đầu tư sửa chữa khắc phục toàn bộ các hư hỏng trên,” Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện khẳng định.
Dịp này, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng giao Cục Quản lý đường bộ II cử Thanh tra và đơn vị trực thuộc tổ chức giám sát nhà đầu tư BOT và doanh nghiệp BOT trong việc thực hiện dừng thu phí và khắc phục tồn tại về quản lý, bảo trì công trình đúng với chỉ đạo trên.
Đồng thời, đề nghị công an, Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh, Sở Giao thông vận tải Quảng Bình phối hợp, hỗ trợ Cục Quản lý đường bộ II và các lực lượng liên quan tổ chức giám sát việc dừng thu phí cho đến khi khắc phục xong các tồn tại về quản lý, bảo trì để giao thông qua công trình BOT thông suốt, an toàn trong suốt thời hạn Hợp đồng BOT và việc sửa chữa khắc phục các tồn tại về chất lượng tại công trình BOT này.
Hầm đường bộ Đèo Ngang được đưa vào khai thác sử dụng vào tháng 8/2004, theo hình thức đầu tư BOT. Chiều dài của hầm gần 500m, nối với đường dẫn hai đầu chừng 2km, Hầm có chiều rộng 11,5m, cao 7,5m với 6 làn xe, mỗi làn rộng 3,5m, đảm bảo cho các phương tiện cơ giới đạt tốc độ tối đa 60km/ giờ. Dự án này có tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng, thu phí hoàn vốn trong vòng 18 năm.
Sau khi đưa vào sử dụng, hầm đường bộ Đèo Ngang đã rút ngắn được khoảng cách 4,5km di chuyển (tương đương 13 - 15 phút) cho các phương tiện cơ giới lưu thông qua 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Tại Khoản 2 Điều 21 Thông tư 52/2013/TT-BGTVT ngày 12/12/2013 của Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải Quy định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ trong đó quy định: “Trường hợp vi phạm chất lượng ảnh hưởng đến an toàn giao thông nhưng không được khắc phục kịp thời, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng dự án quyết định đình chỉ việc khai thác công trình, đình chỉ thu phí nếu cần thiết đến khi doanh nghiệp dự án hoàn thành việc khắc phục vi phạm chất lượng và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình.” |
(Theo VnMedia)
Các tin khác
Tại Thông báo 260/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ đồng ý ứng trước 426 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương trong kế hoạch năm 2015 để hoàn thành các dự án, công trình sửa chữa hồ chứa nước thủy lợi đang thực hiện dở dang của các địa phương đã được hỗ trợ vốn từ năm 2013 nhưng còn thiếu vốn.
Ngành Thuế và Hải quan cần quyết liệt trong việc cắt giảm thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong các cuộc làm việc với hai ngành này.
Trao đổi với báo chí ngày 8/7, Cục trưởng Quản lý Giá (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Việc các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa thay đổi mẫu mã bao bì là quyền kinh doanh.
Tiếp nối phiên trước, giá vàng SJC trong nước đầu giờ sáng nay (9/7) tiếp tục tăng thêm 20.000 đồng mỗi lượng. Tổng cộng 3 ngày mở cửa đầu tuần, thương hiệu này tăng 90.000 đồng mỗi lượng.