Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Góp phần ổn định đời sống người dân
- Cập nhật: Thứ ba, 12/8/2014 | 1:47:55 PM
YBĐT - Với phương châm lấy rừng nuôi rừng, Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được triển khai trên địa bàn huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã tạo ra những hiệu ứng tích cực góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Các cá nhân làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng nhận bằng khen của UBND huyện.
|
Hưởng lợi từ rừng
Nếu Mù Cang Chải là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước thì xã Chế Tạo là xã đặc biệt khó khăn của huyện. Toàn xã có 326 hộ với 2.282 nhân khẩu. Chế Tạo được thiên nhiên ưu đãi cho tài nguyên rừng phong phú với 17.341ha rừng, chiếm 73,3% tổng diện tích tự nhiên, trong đó diện tích rừng phòng hộ là 3.057ha, trên 14.284ha nằm trong Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải. Cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông- lâm nghiệp. Từ khi chính sách chi trả DVMTR được thực hiện đã làm thay đổi một phần cuộc sống của người dân, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo. Nhiều hộ dân đã có tiền mua lương thực dự trữ lúc giáp hạt, mua sắm được những vật dụng, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình.
Ông Sùng A Tủa - Chủ tịch UBND xã Chế Tạo phấn khởi cho biết: "Tổng số tiền xã nhận được từ dịch vụ môi trường rừng là 7 tỷ đồng, trung bình mỗi người được nhận trên 3 triệu đồng/năm. Số tiền được chi tận tay các hộ dân. Bà con trong xã rất phấn khởi vì việc giữ rừng đã được hưởng lợi. Giờ đây, hầu hết các hộ gia đình tích cực tham gia bảo vệ tài nguyên, tuần tra canh gác nên rừng được bảo vệ tốt, 3 năm nay, trên địa bàn không xảy ra cháy rừng”.
Gia đình anh Sùng Pua Sào thôn Chế Tạo được nhận trên 30 triệu đồng phí dịch vụ môi trường rừng, đây là số tiền trước đây có nằm mơ anh cũng không có được. Sùng Pua Sào cho biết: “Bà con trong thôn phấn khởi lắm, bảo nhau giữ rừng là có nguồn nước cung cấp cho nhà máy thủy điện sẽ có tiền trang trải cuộc sống”.
Huyện Mù Cang Chải có hơn 69.464ha rừng nằm trong khu vực thượng lưu sông Hồng và sông Đà. Đây là tiềm năng về nguồn thu DVMTR từ các nhà máy thủy điện trên địa bàn. Trong 2 năm triển khai, các chủ rừng nhận được trên 40 tỷ đồng tiền dịch vụ cung ứng bảo vệ rừng. Cụ thể, theo số liệu của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thì từ nguồn DVMTR, thu nhập của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng hàng năm tăng lên đáng kể. Năm 2012, có 8.170 hộ gia đình được thụ hưởng chính sách với tổng số tiền trên 18 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu hộ đạt trên 2 triệu đồng/năm. Năm 2013 có 9.543 lượt hộ gia đình được thụ hưởng với tổng số tiền trên 23.494 triệu đồng.
Ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải cho biết: “Qua 3 năm triển khai thực hiện Chính sách DVMTR đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chính quyền các xã và người dân về công tác bảo vệ, phát triển rừng. Người dân đã nhiệt tình hơn trong công tác trồng, chăm sóc rừng, tình trạng xâm lấn, chặt phá rừng từng bước được hạn chế”.
Ông Lê Trọng Khang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: “Nhờ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tích cực, đến nay, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã dần đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả đáng khích lệ cả về vấn đề môi trường, kinh tế và góp phần xóa đói giảm nghèo; hiệu quả, thiết thực nhất là từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng, huy động được nguồn nhân lực lớn cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng”.
Cần nâng cao hiệu quả thực thi chính sách
Sau 3 năm triển khai, chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã tạo hiệu ứng tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần xã hội hóa nghề rừng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Đơn giá chi trả trên phạm vi một huyện nhưng không đồng đều do sự chênh lệch giữa các lưu vực lớn. Cụ thể, huyện Mù Cang Chải đơn giá chi trả theo đầu nguồn sông Hồng là 20.100 đồng/ha; đầu nguồn sông Đà là 473.200 đồng/ha dẫn đến nhiều thắc mắc, kiến nghị của người dân. Việc giải ngân tiền chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa kịp thời động viên được người trồng, bảo vệ rừng, nguyên nhân chủ yếu do các đơn vị sử dụng tài nguyên nợ đọng, chậm thực hiện việc chuyển tiền về quỹ.
Cùng với đó, vì nhiều lý do khác nhau nên việc chi trả tiền DVMTR ở nhiều xã đang thực hiện chia bình quân theo nhân khẩu, cụm thôn bản chưa tạo ra sự công bằng dẫn đến chưa khuyến khích được những người có ý thức, trách nhiệm cao trong công tác này, chưa gắn được lợi ích và trách nhiệm của từng chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng.
Ngoài ra, đối với toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, rừng được giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ và Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh quản lý. Tuy nhiên, chưa có cơ chế tài chính phù hợp cho loại hình ban quản lý hoạt động kiêm nhiệm nên việc thẩm định, phê duyệt dự toán kinh phí hoạt động nghiệp vụ còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do nhu cầu sinh hoạt như làm nhà ở, củi đun, người dân vẫn còn tập quán sản xuất nương rẫy dẫn đến sức ép về rừng còn lớn, còn xảy ra tình trạng cháy rừng, chặt cây tươi làm củi ảnh hưởng đến chất lượng rừng.
Để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách chi trả DVMTR, các bộ, ngành Trung ương cần sớm xây dựng chế tài và cách thức xử phạt nghiêm khắc đối với các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình; kiện toàn bộ máy của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng sang hoạt động chuyên trách, tránh mô hình hoạt động theo chế độ cán bộ kiêm nhiệm như hiện nay, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chuyên môn của Quỹ; đồng thời cần tăng cường tính minh bạch trong việc thu và chi giúp tăng cường tính trách nhiệm giải trình của quỹ đối với các bên liên quan, đặc biệt là giữa người sử dụng và người cung cấp dịch vụ môi trường rừng.
Công tác rà soát diện tích, lập danh sách, tiến hành giao khoán ngoài thực địa cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng thôn bản phải công khai, minh bạch; số tiền chi trả phải rõ ràng, được niêm yết tại trụ sở UBND xã cho nhân dân biết; tham gia kiểm tra, giám sát, không để xảy ra sai sót, tiêu cực trong quá trình thực hiện.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức nhằm nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng để người dân hiểu rõ bảo vệ rừng tốt đồng nghĩa với việc có dịch vụ cung ứng tốt thì có thêm nguồn thu. Có như vậy, việc triển khai thực hiện công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng mới đạt hiệu quả, khuyến khích người dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng, để người dân có cuộc sống ổn định từ nghề rừng.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Mù Cang Chải có 773 hội viên, sinh hoạt tại 17 chi hội. Để giữ vững danh hiệu trong sạch, vững mạnh, hằng năm, Hội luôn chú trọng công tác xây dựng hội cơ sở, kiện toàn tổ chức, giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên đồng thời triển khai đầy đủ, thực hiện kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của Hội cấp trên tới 100% cán bộ, hội viên.
YBĐT - Hết tháng 7/2014, phường Yên Ninh đã thu trên 5,5 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, đạt 68% kế hoạch giao, đây cũng là địa phương đạt tỷ lệ thu cân đối ngân sách cao vào tốp đầu của thành phố Yên Bái.
YBĐT - Đại Sơn, Viễn Sơn của huyện Văn Yên (Yên Bái) nổi tiếng với cây quế. Tú Lệ của huyện Văn Chấn nổi tiếng với xôi nếp và quả sơn tra. Còn nhắc đến mảnh đất Kiên Thành (Trấn Yên), người ta nghĩ ngay đến cây măng tre Bát Độ - một loại cây không những giúp bà con nơi đây thoát nghèo mà còn giúp cho con em họ có điều kiện để học tập cao hơn, trở thành những người cán bộ giỏi của huyện và xã.
Sáu tháng đầu năm nay, xuất khẩu da giày Việt Nam đã đạt 4,85 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiến tới tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành da giày Việt Nam sẽ có cơ hội hưởng mức thuế bằng 0% và mở rộng thị trường mạnh mẽ hơn nữa.