Bình Thuận phá thế độc canh cây lúa
- Cập nhật: Thứ tư, 13/8/2014 | 2:54:49 PM
YBĐT - Là một trong những xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, những năm qua, nhờ biết khai thác, phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đặc biệt là đẩy mạnh việc thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấy cây trồng, vật nuôi nhằm phá bỏ thế độc canh cây lúa, bộ mặt nông thôn của xã Bình Thuận đã dần khởi sắc với tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.
Hàng năm, thu nhập từ chè đem về cho xã Bình Thuận gần 2 tỷ đồng.
|
Ông Hoàng Văn Điền - Phó chủ tịch UBND xã cho biết, theo Quyết định của Chính phủ, Bình Thuận mới được xếp vào diện xã 135 trong tháng 7 vừa rồi, còn trước đây chỉ nằm trong diện xã vùng 2. Cả xã có 20 thôn, bản nhưng chỉ 10 thôn thuộc diện 135, có những thôn cách trung tâm xã gần 10km, đường vào thôn chủ yếu là đường đất, giao thông bị chia cắt bởi hệ thống sông suối. Trình độ nhận thức của người dân không đồng đều, đặc biệt là những thôn vùng đặc biệt khó khăn, kinh tế chậm phát triển. Mặc dù xã có diện tích đất tự nhiên tương đối nhiều song chủ yếu là đất rừng phòng hộ, còn lại chỉ có 631ha đất sản xuất nông nghiệp.
Không ngành nghề phụ, hơn 1.400 nhân khẩu chỉ trông chờ vào 274,3ha lúa nước gieo cấy 2 vụ năng suất thấp đã khiến cho bài toán xóa đói giảm nghèo chưa có lời giải trong nhiều năm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo trước đây luôn ở mức cao, gần 70% và hàng năm, xã nhận trợ cấp cứu đói cho trên 30% số hộ dân.
Xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, với cơ cấu 60% giống lúa lai có năng suất, chất lượng cao đưa vào gieo cấy nhằm bảo đảm an ninh lương thực là một trong những nhiệm vụ hàng đầu được thông qua tại kỳ họp thứ 5, HĐND xã khóa XVII.
Bước đầu triển khai gặp không ít khó khăn bởi tập quán canh tác của người dân vẫn chủ yếu quen với những giống lúa thuần truyền thống. Vậy là một cuộc “cách mạng” quyết liệt đã được triển khai tới tất cả các thôn, bản với các cuộc họp xã, họp thôn và hội thảo đầu bờ để tuyên truyền người dân thay đổi tư duy. Đầu tiên là thôn trung tâm rồi đến tất cả thôn, bản đều đồng loạt triển khai gieo cấy bằng những giống lúa mới, theo đúng cơ cấu, mùa vụ, góp phần nâng cao năng suất từ 50 tạ/ha lên 60 tạ/ha. Giờ thì không cần phải vận động, người dân đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào gieo cấy, nhiều hộ còn đấu thầu thêm một số diện tích lúa của xã để gieo cấy và sản xuất lúa hàng hóa. Bài toán bảo đảm an ninh lương thực đã giải xong, còn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống cho người dân không có con đường nào khác là chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Với tiềm năng, thế mạnh về đất đai, xã đã vận động nhân dân tập trung canh tác cây sắn, ngô trên diện tích đất dốc nhằm tăng thu nhập cho người dân. “Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những cây trồng mang tính thời vụ bởi khả năng canh tác không bền vững lại nhanh bạc màu đất” - Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Điền chia sẻ thêm.
Với nội lực yếu, để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế ở một xã nghèo không phải chuyện dễ, cũng chỉ loanh quanh trông vào mấy con trâu, bò, cây sắn, ngô theo thời vụ, giải quyết nhu cầu tiêu dùng trước mắt. Chính bởi vậy mà việc trồng cây gì và nuôi con gì cho hiệu quả luôn được đưa ra bàn luận sôi nổi tại nhiều cuộc họp của Đảng ủy, HĐND và UBND xã. Việc phát triển kinh tế gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới đã mở ra hướng đi mới cho xã trong phá thế độc canh cây lúa. Vậy là việc hình thành vùng cây ăn quả tại thôn Khe 10 và phát triển cây chè đã được đưa vào Nghị quyết tại kỳ họp thứ 4 của HĐND xã khóa XIX.
Mấy năm trở lại đây, trên địa bàn xã có 4 doanh nghiệp tư nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh chè. Đây thực sự là điều kiện thuận lợi bởi giá chè mấy năm trở lại đây tương đối ổn định, nhiều xã đã khá lên từ cây chè. Sẵn có diện tích chè trung du từ trước, địa phương đã vận động nhân dân đầu tư cải tạo thay thế bằng giống chè cành lai, kế hoạch cải tạo mỗi năm từ 30 - 50ha.
Đến nay, xã đã trồng mới được 127ha trên tổng số 431,5ha, tập trung nhiều nhất là thôn Khe 10, Khe Bon, Đồng Hòa và thôn Rịa 2. Hàng năm, thu nhập từ chè cũng đem về cho xã gần 2 tỷ đồng. Nhiều hộ khá lên nhờ trồng chè với mức thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm như gia đình ông Hà Văn Hãnh, thôn Đỗng Hảo với 3ha chè kinh doanh; gia đình ông Nguyễn Hữu Cảng, thôn Khe Bon có trên 3ha chè kinh doanh, trừ chi phí mỗi năm thu về 100 triệu đồng...
Cùng với cây chè, việc phát triển cây ăn quả cũng được cấp ủy, chính quyền xã quyết tâm đẩy mạnh với việc hình thành và phát triển 42ha cây ăn quả tại thôn Khe 10 đã đem về nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân trong xã.
Bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân, từ một xã với gần 70% hộ nghèo năm 2010 đến nay giảm xuống còn 43%. Từ hơn 30% số hộ thường xuyên phải nhận cứu trợ đói giáp hạt thì đến nay, xã đã cơ bản giải quyết dứt điểm tình trạng này, thu nhập bình quân đạt 12,5 triệu đồng/người/năm.
Qua đánh giá, trong 35 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013 theo Nghị quyết kỳ họp thứ 4, HĐND xã khóa XIX có 31 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, cụ thể như: tốc độ phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, tổng sản lượng lương thực có hạt, cải tạo và phát triển diện tích chè kinh doanh, mở rộng diện tích cây ăn quả... Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Bình Thuận tiếp tục nỗ lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới những năm tiếp theo.
Thanh Tân
Các tin khác
Theo quy định của Bộ Công Thương, định kỳ 6 tháng và hàng năm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm nộp báo cáo tổng hợp, về kết quả hoạt động bán hàng đa cấp 6 tháng và 1 năm tới Cục Quản lý cạnh tranh và Sở Công Thương địa phương nơi đơn vị có thông báo hoạt động.
YBĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi có tổng diện tích tự nhiên 688.627,64ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp 109.319,12ha. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh, các chương trình hoạt động của khuyến nông đã đưa nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao, được nhân dân tích cực hưởng ứng.
Người Việt Nam từ 21 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi và tài chính có thể được vào chơi tại các điểm kinh doanh casino.
Ngày 12/8, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì buổi làm việc với các Bộ, ngành liên quan về tiến độ xây dựng văn bản hướng dẫn Nghị định số 67; các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản sẽ được hoàn thành trước khi Nghị định này có hiệu lực (25/8/2014) nhằm đảm bảo chính sách đi ngay vào cuộc sống.