Văn Yên tập trung phát triển ba vùng chuyên canh
- Cập nhật: Thứ ba, 19/8/2014 | 2:32:21 PM
YBĐT - Những năm qua, Văn Yên (Yên Bái) đã tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Nổi bật trong bức tranh sản xuất nông nghiệp là đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung, các sản phẩm từ cây quế, sắn đã khẳng định vị thế trên thị trường trong nước, góp phần đưa kinh tế Văn Yên phát triển bền vững.
Thu hoạch lúa đông xuân tại cánh đồng xã An Thịnh (Văn Yên).
|
Với chủ trương khai thác triệt để đất đai, tiểu vùng khí hậu và thương hiệu đã có, để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thị trường, đến nay, Văn Yên đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung cho giá trị kinh tế cao. Đầu tiên phải kể đến là vùng sản xuất sắn công nghiệp tập trung với diện tích hàng năm khoảng 7.000ha.
Đi dọc tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã đều một màu xanh bạt ngàn của sắn. Cây sắn đã có mặt hầu hết ở các xã, kể cả xã vùng cao, vùng sâu, tập trung ở 13 xã trọng điểm như: Lâm Giang, Lang Thíp, Châu Quế Thượng, Châu Quế Hạ… Đây là những vùng có tiềm năng phát triển trồng sắn để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Cây sắn góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nhiều vùng quê. Nhiều nhà từ trồng sắn có thể xây được nhà, sắm được ti vi, xe máy bởi theo tính toán của các hộ dân, trồng 1ha sắn sau khi thu hoạch trừ chi phí cho lãi khoảng 17-18 triệu đồng. Nhà nào trồng nhiều thu cả trăm triệu đồng - số tiền không nhỏ với nhiều hộ nông thôn miền núi. Điều này đã giúp cho cây sắn chiếm ngôi vị trong các loại cây trồng cho thu nhập cao. Để cây sắn phát triển bền vững, huyện tập trung thực hiện canh tác sắn bền vững với mỗi năm khoảng trên 1.000ha.
Đến năm 2015, diện tích sắn cơ bản sẽ được canh tác bền vững, lâu dài. Bên cạnh đó, việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực. Nhà máy Sắn Văn Yên đã phối hợp với các xã trong vùng nguyên liệu tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia chương trình hỗ trợ canh tác sắn bền vững, như đầu tư giống mới, phân bón, kỹ thuật trồng, thực hiện các biện pháp canh tác sắn trên đất dốc. Nhờ làm tốt công tác phối hợp hỗ trợ sản xuất cho nông dân đã giúp Nhà máy có nguồn nguyên liệu ổn định, bền vững. Nhà máy đã thu mua được trên nghìn tấn sắn nguyên liệu, đáp ứng cho hai dây chuyền sản xuất với tổng công suất 150 tấn sản phẩm mỗi ngày.
Tuy nhiên, đứng đầu trong danh sách cây làm giàu ở Văn Yên vẫn là quế. Với trên 15.000ha quế, Văn Yên trở thành vùng chuyên canh quế lớn nhất nhì cả nước. Cây quế tập trung ở 8 xã: Đại Sơn, Mỏ Vàng, Viễn Sơn, Xuân Tầm, Châu Quế Hạ, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Tân Hợp. Đặc biệt, sau khi có chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên, thị trường quế ổn định, người nông dân hoàn toàn yên tâm và tin tưởng chăm sóc và phát triển loại cây đặc sản truyền thống của mình.
Hàng năm, địa phương bán ra thị trường khoảng từ 7.000 tấn vỏ quế khô các loại cùng nhiều sản phẩm đa dạng từ quế, thu về 60 tỷ đồng. Có được kết quả đó, trong những năm qua, huyện đã chỉ đạo các ngành, xã và vận động nhân dân tích cực đầu tư, mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng cây quế. Bên cạnh đó là thành lập Hội sản xuất, chế biến và kinh doanh quế Văn Yên để liên doanh, liên kết từ khâu trồng, khai thác, chế biến và tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm quế.
Trong sản xuất lương thực thì hạt gạo vẫn là trung tâm. Diện tích lúa luôn được giữ ổn định khoảng 2.8000ha, trong đó, huyện đã quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa với diện tích trên 1.000ha, tập trung ở vùng Đại - Phú - An, Đông Cuông; xây dựng thành công thương hiệu gạo Chiêm Hương ở vùng Đại - Phú - An. Trong sản xuất lúa hàng hóa, bước đầu tạo được mối liên kết giữa “4 nhà” như mô hình sản xuất lúa hàng hóa ở xã Đại Phác.
Ông Hoàng Văn Hải - Phó chủ tịch UBND xã Đại Phác cho biết: “Xã có 129ha lúa nước, trong đó 80% diện tích được đưa giống lúa Chiêm Hương vào sản xuất lúa hàng hóa với năng suất đạt trên 60 tạ/ha. Giống lúa Chiêm Hương khẳng định chất lượng vượt trội và trở thành thương hiệu của Đại Phác”.
Ngoài sản xuất lúa hàng hóa, xã đã quy hoạch vùng sản xuất và cung ứng giống lúa Chiêm Hương thuần chủng. Hiện xã có tổ hợp tác với 49 hộ tham gia sản xuất lúa giống trên diện tích 5ha tại thôn Ba Luồng cung cấp cho địa phương và các xã lân cận. Ngoài việc định hướng chủ trương tổ chức sản xuất, xã còn liên kết với Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Yên Bái cung ứng lúa giống cho các tỉnh bạn. Lúa Chiêm Hương thành sản phẩm hàng hóa có thương hiệu trên thị trường thiết thực giúp nâng cao thu nhập cho người dân Đại Phác.
Ông Lưu Hồng Minh - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Từ những chủ trương, định hướng phù hợp trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đến nay, Văn Yên đã hình thành 3 vùng chuyên canh: lúa hàng hóa, sắn, quế cho hiệu quả cao, cung cấp sản lượng nông nghiệp dồi dào cho thị trường tiêu dùng và chế biến. Tuy nhiên, trong sản xuất, sự liên kết “4 nhà” còn chưa chặt chẽ; đặc biệt, việc tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn do trên địa bàn chưa có nhiều doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân”.
Thời gian tới, huyện xác định xây dựng vùng chuyên canh phải phù hợp với tiềm năng và điều kiện của từng địa phương; đồng thời, xác định rõ tập trung phát triển 3 cây trồng chủ lực, trong đó: quy hoạch sản xuất trên 1.000ha lúa chất lượng cao, ổn định diện tích sắn 7.000ha, duy trì vùng quế tập trung với diện tích 15.000ha - 20.000ha.
Cùng với đó, huyện tập trung ổn định đầu ra cho nông sản, tránh sản xuất theo phong trào dẫn đến sản phẩm ứ đọng, hoặc bị ép giá gây thiệt hại cho nông dân; phát triển sản xuất gắn liền với tiêu thụ nông sản, chú trọng phát triển công nghệ chế biến để nâng cao giá trị sản xuất; khuyến khích và có cơ chế phù hợp cho các thành phần kinh tế xây dựng cơ sở chế biến nông sản; xúc tiến đầu tư cho công nghiệp chế biến xuất khẩu, tìm kiếm thị trường.
Văn Thông
Các tin khác
Giá vàng thế giới giảm còn 1.298 USD/oz. Giá vàng trong nước giảm 10.000 đồng/lượng còn 36,63 triệu đồng/lượng.
YBĐT - Năm 2014, Chi cục Hải quan Yên Bái được giao chỉ tiêu thu ngân sách 85 tỷ đồng, đây là số thu lớn đối với một tỉnh miền núi chủ yếu sản xuất nông - lâm sản, khoáng sản.
Để chủ động ngăn chặn các chủng virus gây bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm bằng biện pháp cắt đứt đường truyền lây của virus trên quần thể gia súc, gia cầm và trong môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường phòng chống dịch.
Chiều ngày 18-8, liên bộ Tài chính - Công Thương yêu cầu tiếp tục giảm giá mặt hàng xăng còn 24.210 đồng/ lít (giảm 600 đồng).