Tiêm phòng quyết định hiệu quả chăn nuôi
- Cập nhật: Thứ năm, 21/8/2014 | 10:08:49 AM
YBĐT - Chăn nuôi cần phải phòng chống dịch bệnh và biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất là tiêm phòng. Đây là giải pháp vừa an toàn vừa tiết kiệm về tài chính trong tương lai. Phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh" đã được đưa ra từ lâu nhưng xem ra, người chăn nuôi vẫn chưa thật chú ý đến khâu quan trọng này.
Các trang trại chăn nuôi lớn luôn có ý thức trong việc chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
|
Về vấn đề tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm, ông Phạm Kiên Cường - Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y tỉnh Yên Bái cho biết: "Hàng năm, tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt khoảng 50% tổng đàn. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay. Ở những vùng khó khăn được Nhà nước hỗ trợ thuốc thì tỷ lệ đạt cao hơn, khoảng 70% - 80% nhưng ở vùng thấp, một số loại vắc-xin dân phải mua thì chỉ đạt khoảng 40%. Trong khi để phòng dịch có hiệu quả, tỷ lệ tiêm phòng phải đạt từ 80% - 90% tổng đàn".
Những con số cơ quan chức năng đưa ra khiến nhiều người không khỏi giật mình. Cơ quan thú y đã rất nỗ lực, mỗi năm có 2 đợt tiêm phòng định kỳ, chưa kể tiêm vét, tiêm bổ sung rồi đến tích cực triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động nhưng tỷ lệ tiêm phòng vẫn đạt thấp. Nguyên nhân chủ yếu do người chăn nuôi còn chủ quan, lơ là. Nếu những trang trại, gia trại lớn luôn chú trọng phòng bệnh, tự tiêm phòng theo từng độ tuổi của vật nuôi, thậm chí còn có cả bác sỹ thú y riêng thì những người chăn nuôi nhỏ lẻ lại có phần thờ ơ và chủ quan.
Là người sâu sát với cơ sở nhiều năm, bà Lê Thị Phúc - Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố Yên Bái cho biết: "Lúc tiêm phòng định kỳ, cán bộ thú y, trưởng thôn đến vận động, tuyên truyền mãi nhưng người chăn nuôi vẫn không tiêm. Có rất nhiều lý do được đưa ra như con trâu nái đang chửa, nếu không chửa thì lại có lý do tiêm nhiều sẽ ảnh hưởng đến hệ số sinh sản, bị "chột" đi, không đẻ được… Hay ngay cả với bệnh dại, một loại bệnh cực kỳ nguy hiểm nhưng khi đến tiêm phòng cho đàn chó thì có khi chủ nhà cũng chỉ tiêm 3 trong 5 con với lý do không thể bắt được, con chó đấy chuẩn bị "thịt". Ấy vậy nhưng khi có dịch, nhiều người mới cuống cuồng lo cho đàn vật nuôi nhà mình, lo đi mời cán bộ thú y đến để tiêm phòng. Cán bộ thú y khi đi tiêm kiêm luôn cán bộ tuyên truyền rồi nhiều khi còn bị cả tai nạn nghề nghiệp như chó cắn là thường xuyên".
Thực tế, mỗi liều thuốc thú y như vắc-xin tụ huyết trùng trâu, bò chỉ 4.000 đồng, cộng cả công tiêm, công người dẫn đường mới khoảng 10.000 đồng. Nhưng nếu không may trâu, bò bị mắc bệnh, tiền thuốc chữa sẽ lên đến 400.000 - 500.000 đồng và nếu không được cứu chữa kịp thời, bệnh nặng thêm, con trâu không may bị chết, lúc đó thiệt hại còn gấp hàng trăm, hàng nghìn lần. Vẫn biết thế nhưng người chăn nuôi vẫn ngại tiêm vì cho rằng, dịch bệnh còn ở tận đâu, chưa đến vùng này.
Cơ quan thú y cũng không ngừng nỗ lực, do vậy, đến tháng 8/2014, đã tiêm được 73.133 liều tụ huyết trùng trâu bò, 76.819 liều tụ huyết trùng lợn, 83.578 liều dịch tả lợn, 76.614 liều dại chó, 267.177 liều Niu-cát-xơn, 77.836 liều lở mồm long móng. Thời tiết ngày một diễn biến phức tạp kéo theo những thay đổi về môi trường và khí hậu, dịch bệnh cũng hay xảy ra hơn. Do đó, nông dân cần phải tích cực phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, ngoài các biện pháp vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng thường xuyên thì tiêm vắc-xin vẫn là chính. Vì vậy, để nâng cao chất lượng tiêm phòng, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền địa phương.
Đã có địa phương làm rất tốt vấn đề này như phường Nam Cường (thành phố Yên Bái). Tại đây, số lượng đàn vật nuôi được thống kê chi tiết, đến đợt tiêm định kỳ sẽ được thông báo trên loa truyền thanh, những gia đình chưa tiêm và lý do chưa tiêm cũng được thông báo trên loa truyền thanh đến khi hết đợt. Nhờ đó, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi của phường luôn đạt cao.
Để nâng cao chất lượng tiêm phòng cho đàn vật nuôi, trước mắt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân. Việc tiêm phòng cần được đưa vào chỉ tiêu thi đua cho các hội, đoàn thể, quán triệt đến từng hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội. Hiện nay, vắc-xin phục vụ cho công tác tiêm phòng như lở mồm long móng được tỉnh hỗ trợ và những vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ thêm một số loại vắc -xin khác. Điều này dẫn đến việc trông chờ ỷ lại của người dân, tỷ lệ tiêm phòng ở những vùng nhận được hỗ trợ luôn cao hơn. Về lâu dài, cần khắc phục tình trạng này bằng cách xã hội hóa công tác tiêm phòng. Số tiền bỏ ra có thể không lớn nhưng ý thức người dân là rất quan trọng.
Hồng Khanh
Các tin khác
Trong phiên giao dịch ngày 20/8 tại thị trường châu Á, đồng USD leo lên mức cao nhất trong nhiều tháng qua so với đồng euro và đồng yen, sau khi xuất hiện các tín hiệu sáng từ lĩnh vực xây dựng của Mỹ, giúp củng cố niềm tin của giới đầu tư vào "sức khỏe" của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
YBĐT - VietGAP là một tiêu chuẩn tự nguyện để thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam. Trong khi nhiều tỉnh, thành khác đã áp dụng chăn nuôi theo VietGAP từ lâu thì tại Yên Bái vẫn chưa có cơ sở nào áp dụng theo tiêu chuẩn này.
Sáng nay (20/8), giá vàng trong nước giảm phiên thứ 3 liên tiếp cùng vàng thế giới, đẩy giá về mức thấp nhất trong hơn 2 tháng trở lại đây. Điều này được lý giải do USD và chứng khoán đi lên, trong khi đó tỷ giá USD cũng giảm nhẹ.
YBĐT - Phát huy thế mạnh kinh tế đồi rừng, những năm qua, đồng bào các dân tộc vùng cao Văn Chấn đã phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích chưa thể sánh với Văn Yên - quê hương loài cậy đặc sản này, song bước đầu, quế là cây dược liệu quan trọng đã và đang mang lại nguồn thu nhập chủ yếu, giúp nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con nơi đây.