Nâng cao chất lượng dâu và kén tằm bằng phương pháp ICM

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/10/2014 | 3:12:35 PM

YBĐT - Những năm gần đây, nghề trồng dâu, nuôi tằm đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tích cực góp phần xóa đói giảm nghèo ở Trấn Yên. Với gần 180ha dâu tập trung chủ yếu ở các xã Tân Đồng, Việt Thành, Báo Đáp… hàng năm, nhân dân đã đưa vào ươm nuôi gần 10.000 vòng trứng tằm, cho sản lượng kén trên 150 tấn, đem lại thu nhập hàng chục tỷ đồng.

Giống dâu mới GQ2 có số lượng lá/cành nhiều hơn, lá dày hơn giống dâu Sa Nhị Luân.
Giống dâu mới GQ2 có số lượng lá/cành nhiều hơn, lá dày hơn giống dâu Sa Nhị Luân.

Tuy nhiên, hiện nay, đa số người trồng dâu trên đồng đất Trấn Yên chưa áp dụng đầy đủ quy trình sản xuất trồng dâu nuôi tằm nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Giống dâu còn ít, người dân vẫn chủ yếu trồng giống dâu Sa Nhị Luân. Để giải quyết những vấn đề trên, năm 2013, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai Dự án "Xây dựng mô hình trồng dâu ICM và mô hình ứng dụng máy thái dâu chuyên dùng phục vụ nuôi tằm con".

Mô hình ICM là mô hình "3 giảm, 3 tăng" quản lý cây trồng tổng hợp. Trong đó, "3 giảm" là: giảm lượng giống hoặc lượng nước tưới, giảm lượng đạm bón dư thừa, giảm thuốc bảo vệ thực vật; "3 tăng" là: tăng năng suất cây trồng, tăng chất lượng nông sản, tăng hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích. Mô hình được triển khai trên địa bàn hai xã Việt Thành và Tân Đồng với giống dâu kinh doanh Sa Nhị Luân và giống dâu mới GQ2 cho 36 hộ tham gia trên diện tích 2,5ha. Trong đó, giống dâu kinh doanh Sa Nhị Luân là 1ha cho 12 hộ tham gia, giống dâu mới GQ2 là 1,5ha cho 24 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% cây dâu giống, 50% lượng phân bón vô cơ theo quy trình, 50% kinh phí đầu tư mua máy thái dâu.

Ông Nguyễn Thế Ngữ ở thôn 10 cho biết: "Trước đây, nuôi 1kg kén phải mất 20kg lá dâu, nay áp dụng phương pháp ICM chỉ mất 16kg do chất diệp lục trong lá cao hơn nên chất lượng kén cao. Áp dụng trồng dâu theo phương pháp mới này cũng không khó lắm, chỉ cần chú ý đến số lượng, tỷ lệ và thời gian bón phân. Đối với 1 sào dâu, cần 600kg phân hữu cơ, 23kg đạm Urê, 32kg lân, 9kg kali; phân hữu cơ và phân lân được bón 1 lần ngay sau đợt đốn, phân đạm và kali chia làm 4 lần bón/năm, mỗi lần chỉ bón 25% lượng phân vào tháng 1, 4, 6, 9 trong năm".

Thực hiện theo mô hình ICM, đối với giống dâu Sa Nhị Luân được bón phân cân đối, bón đúng thời điểm nên cây dâu sinh trưởng phát triển đồng đều, lá bóng và dày hơn (trọng lượng 1.000 lá tăng 0,3kg). Dự ước, năng suất lá dâu cả năm đạt 384 tạ/ha, tăng 19 tạ so với phương pháp cũ. Thu nhập trên 1ha dâu trồng phương pháp ICM lợi nhuận cao hơn gần 10 triệu đồng/ha/năm.

Dự án cũng đã đưa giống dâu mới GQ2 vào trồng thử nghiệm trên diện tích 1,5ha. Qua thời gian theo dõi cho thấy, giống GQ2 có khả năng chịu hạn tốt mặc dù thời vụ trồng trong điều kiện thời tiết ít mưa, khô hạn kéo dài vào những tháng cuối năm 2013 nhưng cây dâu vẫn sinh trưởng tốt, phát triển nhanh, có khả năng kháng bệnh cao.

Kỹ sư Chu Thị Hảo - Chủ nhiệm Dự án cho biết: "Giống dâu GQ2 là giống lai F1 được trồng bằng cây con gieo từ hạt nên sinh trưởng khỏe, phát triển nhanh, dễ trồng, tỷ lệ sống cao, đạt trên 95%. Dâu GQ2 cho nhiều lá vào vụ xuân, có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt nên rất thuận lợi để nuôi tằm, cho năng suất, chất lượng kén cao. Giống có khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết bất thuận như nóng, rét, hạn, úng tốt hơn dâu địa phương và các giống nhập nội từ Trung Quốc".

Là một trong những hộ trồng thử nghiệm giống dâu này, ông Lưu Minh Tho, thôn 9, xã Việt Thành nói: "Từ khi bắt tay vào nghề này, gia đình tôi toàn trồng giống dâu Sa Nhị Luân của Trung Quốc, lá cũng to nhưng mỏng và thưa. Sau khi tham gia trồng 1 sào bằng giống dâu mới GQ2 theo phương pháp ICM, tôi thấy lá dâu dày hơn, nhiều lá hơn nên năng suất cao".

Để hạn chế công lao động, áp dụng đúng quy cách thái dâu trong giai đoạn nuôi tằm con, Dự án cũng đã đưa 3 máy thái dâu vào thử nghiệm. Kết quả cho thấy, nếu nuôi 25 vòng tằm từ 1 - 3 tuổi hết 337,5kg lá dâu, thời gian nuôi tằm trung bình hết 11 ngày, nếu thái lá dâu bằng tay hết 10,5 công, còn thái bằng máy chỉ hết 5,25 công. Đồng thời, thái dâu bằng máy đều hơn, dâu không bị dập nát, tằm ăn tập trung hơn nên sinh trưởng đồng đều, bảo đảm chất lượng kén.

Qua hai năm thực hiện, áp dụng quy trình trồng dâu ICM và máy thái dâu nuôi tằm con tập trung đã giảm chi phí đầu tư và công lao động, tăng năng suất lá dâu và sản lượng kén tằm. Từ kết quả đạt được của mô hình, thời gian tới, các hộ trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện Trấn Yên sẽ áp dụng trên diện rộng để phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.

Hồng Duyên

Các tin khác

YBĐT - Nằm ở phía nam thành phố Yên Bái, xã Văn Tiến có diện tích 903ha và trên địa bàn hiện có 37 doanh nghiệp, nhà máy, xưởng sản xuất. Đây là thuận lợi nhưng cũng là khó khăn đối với một xã trước đây vốn thuần nông.

Ảnh minh họa.

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu, cổ phần hóa thoái vốn nhà nước được giao.

Từ ngày 5/10, quyết định của Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội, nhập khẩu vào Việt Nam chính thức có hiệu lực.

Mấy ngày vừa qua, tỷ giá liên ngân hàng biến động tăng và trên thị trường xuất hiện tin đồn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục