Tiềm năng và thực trạng khai thác khoáng sản ở Yên Bái
- Cập nhật: Thứ năm, 30/10/2014 | 9:48:09 AM
YBĐT - Nằm trong vùng có cấu trúc địa chất phức tạp giữa Tây Bắc và Đông Bắc nên địa bàn tỉnh Yên Bái có điều kiện thuận lợi cho việc hình thành nhiều loại mỏ khoáng sản.
Đá trắng có lẫn đá quý ở Lục Yên.
|
Qua kết quả điều tra tài nguyên khoáng sản đã phát hiện và đánh giá được 260 mỏ, điểm khoáng sản thuộc nhiều loại hình có nguồn gốc thành tạo khác nhau bao gồm: khoáng sản nhiên liệu (than đá, than nâu), kim loại (sắt, đồng, kẽm, chì, vàng, đất hiếm), khoáng sản làm khoáng chất công nghiệp (caolin, felspat, grafit), khoáng sản làm vật liệu xây dựng (đá vôi, dolomit, đất sét, cát sỏi), đá quý… Như vậy, Yên Bái có đủ các loại khoáng sản chính có ở Việt Nam, trừ apatit, bôxit, titan.
Tiềm năng khoáng sản của Yên Bái trong khu vực phía Bắc và Tây Bắc ra sao? Yên Bái có phải là tỉnh giàu tiềm năng khoáng sản không? Khai thác khoáng sản có phải là lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong khu vực để phát triển kinh tế, xã hội? Những khoáng sản nào là thế mạnh của Yên Bái nên đầu tư khai thác và loại nào nên để ở dạng tiềm năng, dành cho mai sau khi điều kiện kinh tế, kỹ thuật cho phép khai thác?... Đó là hàng loạt câu hỏi của hội viên Hội Địa chất - Khoáng sản tỉnh Yên Bái nêu ra tại Hội thảo tiềm năng, thực trạng và định hướng khai thác khoáng sản tại Yên Bái giai đoạn 2015 - 2020.
Phía sau những câu hỏi nêu trên, nhiều ý kiến cũng đã đưa ra nhận định, Yên Bái không phải là tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản (chất lượng tốt, trữ lượng nhiều) mà chỉ có sự đa dạng tài nguyên khoáng sản và có nhiều điểm mỏ, trong đó có những loại khoáng sản quý hiếm ít nơi có. Mỏ của Yên Bái phần lớn có quy mô nhỏ, phân tán, điều kiện khai thác và vận chuyển khó khăn, dẫn đến giá thành cao, hiệu quả khai thác và khả năng cạnh tranh thấp.
Tuy nhiên, hiện trạng hoạt động khai thác khoáng sản từ trước tới nay đã góp phần quan trọng hình thành, phát triển ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh và đóng góp khoảng 8% giá trị sản xuất công nghiệp, chiếm 10% thu ngân sách trên địa bàn hàng năm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho khoảng 2.000 lao động. Dẫu vậy, hiện trạng khai thác khoáng sản cũng còn bộc lộ nhiều bất cập như: công tác quy hoạch khai thác khoáng sản còn thiếu cơ sở khoa học (tài liệu điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản); khai thác khoáng sản chưa dựa trên nhu cầu sử dụng khoáng sản; nhiều mỏ được cấp phép khai thác khi tài liệu thăm dò, đánh giá trữ lượng sơ sài nên thực tế khai thác không có hoặc ít quặng.
Tâm lý đầu tư theo phong trào cùng với những hạn chế trong công tác quản lý đã dẫn tới có những thời kỳ hoạt động khai thác khoáng sản phát triển quá mức, cùng những tác động tiêu cực đến môi trường. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phần lớn yếu về năng lực tài chính, trang thiết bị khai thác, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, dẫn đến không đầu tư được công nghệ hiện đại vào khai thác và thiếu đầu tư công trình bảo vệ môi trường. Tình trạng khai thác khoáng sản không đúng với hồ sơ thiết kế gây lãng phí tài nguyên…
Từ thực trạng trên, nhiều ý kiến tại hội thảo đã định hướng khai thác khoáng sản nên tập trung đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến các loại khoáng sản thế mạnh, có giá trị, có lợi thế cạnh tranh, có nhu cầu thị trường để nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp. Đối với những khoáng sản ít hiệu quả kinh tế, lợi thế cạnh tranh thấp nên để ở dạng dự trữ tài nguyên cho tương lai khi điều kiện kinh tế, kỹ thuật cho phép. Đồng thời nên khai thác theo hướng đủ phục vụ theo nhu cầu của địa phương và luôn luôn coi trọng bảo vệ môi trường.
Về giải pháp tổng thể nên đẩy mạnh điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản để đánh giá đầy đủ tài nguyên trên địa bàn tỉnh, phục vụ cho công tác xây dựng kế hoạch thăm dò, khai thác và chú trọng các loại khoáng sản thế mạnh có nhu cầu lớn và tính cạnh tranh cao; rà soát, thu hồi giấy phép, đình chỉ các dự án đã được cấp phép nhưng không triển khai hoặc triển khai cầm chừng, nhất là đối với các dự án khai thác quặng sắt, chì, kẽm. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với các dự án khai thác khoáng sản đang hoạt động; giám sát chặt chẽ sản lượng khai thác và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; đình chỉ hoạt động các dự án không đầu tư đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Thời gian qua, công tác ứng dụng công nghệ thông tin tại ngành thuế Yên Bái thực hiện khá hiệu quả. Do đó, các chương trình mới và nâng cấp ứng dụng tin học của Tổng cục Thuế được thực hiện đầy đủ và kịp thời, đáp ứng thay đổi của chính sách thuế, gắn với quá trình cải cách thủ tục hành chính, phục vụ công tác quản lý thuế và người nộp thuế tốt hơn.
Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ cho phép tăng vốn điều lệ đối với Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Liên quan đến vết nứt đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, ngày 29-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tiếp tục chỉ đạo khắc phục sự cố nêu trên và công khai dư luận về nguyên nhân sự cố, đồng thời có giải pháp ngăn ngừa các sự việc tương tự.
YBĐT - Sáng ngày 29/10, Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công thương (Bộ Công thương) tổ chức lớp tập huấn “Xúc tiến thương mại sang một số thị trường trọng điểm” cho các cán bộ quản lý và doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh (ảnh).