Bộ trưởng Bộ Công Thương: Dự báo năm 2015 sẽ lại nhập siêu

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/11/2014 | 2:30:56 PM

Bên lề Kỳ họp thứ 8,Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Theo tính toán, phải đến năm 2020, Việt Nam mới cân bằng được cán cân thương mại và dự báo năm 2015, vẫn nhập siêu khoảng 10,2% so với kim ngạch xuất khẩu. Thế nhưng, chúng tôi vẫn trình Quốc hội phương án tỷ lệ nhập siêu khoảng 5% so với tổng kim ngạch xuất khẩu bởi có nhiều lý do.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

PV: Theo dự báo từ nay đến năm 2020, Việt Nam vẫn là nước nhập siêu. Tuy nhiên, từ 2012 đến nay, tình hình có sự thay đổi. Dự báo cả năm 2014 xuất siêu 1,2 - 1,5 tỷ USD. Bộ trưởng đánh giá thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Năm 2012, 2013 và 10 tháng 2014, tình hình xuất nhập khẩu (XNK) có điểm đáng lưu ý. Khi chuẩn bị Văn kiện cho Đại hội Đảng lần XI, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2010-2020, căn cứ vào bối cảnh cụ thể trước 2010, nhất là sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, thời điểm ấy, Việt Nam đang trong tình trạng nhập siêu rất lớn.

Cụ thể, năm 2007, nhập siêu của Việt Nam chiếm 30% trên tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 14 tỷ USD. Vì thế, Bộ Chính trị giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán lại từ thực tế cùng với bối cảnh chúng ta đẩy mạnh đầu tư, tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, năng lực sản xuất tiến bộ nhưng mức độ chưa nhanh. Tất cả những yếu tố đó dẫn tới việc chúng ta phải chấp nhận nhập siêu đến năm 2020 mới cân bằng được. Có nghĩa là, từ năm 2020 trở đi mới có thể cân bằng cán cân thương mại, có xuất siêu một cách ổn định. Tính toán này có cơ sở thực tiễn lúc đó và có dự báo.

Trên thực tế, từ năm 2010-2011, nhập siêu vẫn diễn ra. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, tình hình có thay đổi. Nói là xuất siêu thì hơi sớm, mà chúng ta có thể cân bằng được cán cân thương mại. Năm 2012, xuất siêu hơn 700 triệu USD, năm 2013 chỉ hơn 10 triệu USD. Nhưng 10 tháng 2014, xuất siêu 1,87 tỷ USD. Dự báo cả năm 2014 xuất siêu 1,2 – 1,5 tỷ USD.

- Đây có thể xem là tín hiệu phấn khởi, nhưng vừa qua, nhiều ý kiến chuyên gia băn khoăn về tình hình xuất siêu không hoàn toàn đáng mừng? Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Câu hỏi này không phải không có lý, tuy nhiên, có thể thấy rằng trong gần 3 năm qua, chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ liên quan đến XNK như: Đẩy mạnh XNK, tháo gỡ khó khăn cho DN trong và ngoài nước để DN ổn định tăng trưởng sản xuất, từ đó khả năng cạnh tranh hàng hóa cũng tăng lên, tìm kiếm cơ hội, củng cố những thị trường hiện có và mở thêm những thị trường mới. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện kiểm soát nhập khẩu hợp lý.

Đối với một số mặt hàng chưa thiết yếu, chúng ta kiểm soát NK phù hợp với các cam kết quốc tế và phù hợp với luật pháp, không thể cấm NK mà có thể dùng biện pháp hợp lý; ví dụ: Dùng các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa, vận động doanh nghiệp, tổ chức trong nước ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, tăng cường năng lực sản xuất trong nước để thay thế hàng hóa lâu nay chúng ta phải NK...
 
Tất cả những biện pháp như vậy dẫn đến tình hình thương mại có những bước cải thiện. Thêm vào đó, tình hình hoạt động thị trường, nhu cầu bên ngoài dự báo (cũng có lúc, khả năng thực tế vượt dự báo xuất hiện những yếu tố trong ngắn hạn chưa nhìn thấy), góp phần kiểm soát NK tích cực hơn. Đây là những nguyên nhân khiến chúng ta duy trì được cán cân thương mại.

- Theo phân tích của Bộ trưởng và nhận định của Bộ Công Thương, năm 2015, liệu nhập siêu sẽ quay lại?

Theo tính toán phải đến năm 2020, chúng ta mới cân bằng được cán cân thương mại và năm 2015, dự báo nhập siêu khoảng 10,2% so với kim ngạch xuất khẩu. Thế nhưng tại sao chúng tôi lại trình Quốc hội phương án nhập siêu khoảng 5% so với tổng kim ngạch xuất khẩu?
 
Điểm lại các chuỗi chỉ tiêu về nhập siêu từ năm 2012 trở lại đây, một mặt, chúng ta đã đạt chỉ tiêu cân bằng cán cân thương mại sớm hơn thời điểm 2020, mặt khác, qua từng năm, kế hoạch trình Quốc hội về chỉ tiêu XNK và nhập siêu thì năm sau tỷ lệ nhập siêu thấp hơn năm trước. Ví dụ: Năm 2012, Quốc hội cho phép nhập siêu 10% so với tổng kim ngạch XK, năm 2013 là 8%, năm 2014 là 6%, năm 2015 tính toán 5%. Tỷ lệ nhập siêu đi xuống và sẽ về đích cân bằng cán cân thương mại trước năm 2020. Vì sao có con số 5% là do những biện pháp tích cực sử dụng trong thời gian qua nên cán cân được cải thiện.

Nhưng có điều đáng lưu ý là 3 năm qua, chúng ta thắt chặt chi tiêu công, vốn đầu tư toàn xã hội tỷ lệ trong GDP giảm dần, trong đó, chi tiêu từ ngân sách nhà nước cũng giảm. Trong kim ngạch NK, tỷ trọng thiết bị, máy móc cho các công trình đầu tư xây dựng cơ bản chiếm tỷ trọng lớn. Bình quân 1 năm, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu cần thiết chiếm trên 80% tổng kim ngạch NK cả nước. Nếu 3 năm vừa qua, chúng ta tiếp tục thực hiện tỷ lệ đầu tư như những năm trước, đương đương 40% GDP thì nhập khẩu sẽ lớn hơn nhiều con số đã thực hiện.

Vừa qua, Quốc hội thảo luận rất kỹ, chúng ta vẫn phải đầu tư cho nền kinh tế, không thể thấp hơn được nữa. Với những dấu hiệu tích cực của kinh tế năm 2014, xu hướng bên ngoài, chúng tôi tin rằng, bức tranh chung của nền kinh tế sẽ có nhiều điểm sáng hơn; tình hình đầu tư, sản xuất kinh doanh có bước thay đổi theo hướng tích cực hơn so với những năm trước. Vì vậy, NK máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu sẽ tăng lên; tốc độ tăng trưởng NK cao hơn nhiều so với năm 2014.

Trong khi đó, XK năm 2015 không có đột biến, vì một số mặt hàng có lợi thế của Việt Nam đã đến ngưỡng như: Xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu… không có sự xê dịch nhiều, chưa nói đến sự bấp bênh về giá. Một số mặt hàng công nghiệp như dầu thô cũng đã khai thác đến ngưỡng, không thể xuất khẩu nhiều hơn. Những mặt hàng của DN FDI gần đây có sự tăng trưởng đột biến như điện thoại di động, điện tử tốc độ tăng trong năm 2015 sẽ tăng chậm lại. XK tăng 10% nhưng khả năng NK sẽ tăng nhiều hơn con số đó (năm 2014 tăng 12% và năm 2015 có thể là 14%).

Con số nhập siêu 5% cũng đã có sự tính toán. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đặt mục tiêu phấn đấu XK đạt mức cao nhất, duy trì NK để càng rút ngắn thời gian, cân bằng cán cân thương mại.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

(Theo Dangcongsan.vn)

Các tin khác
Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị.

YBĐT – Ngày 11/11, tại huyện Trấn Yên, Ban chỉ đạo Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng vụ đông xuân năm 2013 – 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 – 2015.

Một góc phường Hợp Minh hôm nay.

YBĐT - Nhiều năm qua, phường Hợp Minh luôn là điểm sáng về công tác thu ngân sách Nhà nước của địa bàn thành phố Yên Bái. Đây là cơ sở quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển .

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh.

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Bên lề kỳ họp Quốc hội (QH), ngày 10-11, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh đã có những dự báo khá lạc quan.

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết ngày 30/11/2014, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ không phải thực hiện đăng ký giá, mà sẽ chuyển sang thực hiện kê khai giá.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục