Mù Cang Chải: Quyết tâm không để gia súc chết đói, chết rét trong mùa đông
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/12/2014 | 10:00:58 AM
YBĐT - Mới chỉ chớm đông nhưng nhiệt độ ở huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xuống dưới 150C, nhất là vào ban đêm nhiệt độ giảm chỉ còn khoảng 100C. Mặc dù thời tiết khắc nghiệt nhưng mùa đông năm nay, Mù Cang Chải quyết tâm không để gia súc bị chết đói, chết rét.
Chị Pàng chuẩn bị đầy đủ thức ăn cho đàn gia súc của gia đình trong mùa đông.
|
Bước vào những ngày đông, cả gia đình chị Lý Thị Pàng bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn đã tập trung che chắn lại chuồng trại và chuẩn bị rơm cho gần 10 con trâu, bò mà gia đình đang nuôi để phòng rét đậm, rét hại. Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi gia súc cùng kiến thức được tập huấn, chị Pàng và các thành viên trong gia đình đều biết cách chăm sóc đàn trâu của mình. Những kiến thức được cán bộ huyện, xã tuyên truyền đều được gia đình thực hiện đúng như: che chắn xung quanh chuồng trâu, dự trữ thức ăn khô, thức ăn tinh bột, cách nấu cám cho trâu ăn và cách phòng chống rét cho đàn trâu…
Cầm nắm cỏ voi vừa cắt về, chị Pàng bảo: “Con trâu đối với mình quý lắm, giờ chưa rét lắm nó đang còn khỏe nên cho nó đi cày ruộng để làm vụ đông xuân, mấy nữa rét xuống là cho trâu nghỉ. Toàn bộ rơm gặt vừa rồi mình mang hết về, nhà mình còn trồng cỏ voi cho nó ăn nữa”.
Không chỉ riêng gia đình chị Pàng có ý thức trong việc phòng chống đói rét cho đàn gia súc mà 3 năm gần đây hầu hết các hộ dân xã La Pán Tẩn nói riêng và huyện Mù Cang Chải nói chung đã biết bảo vệ “khối tài sản” của gia đình mình khi mùa đông đến.
Ông Giàng Chứ Ly - Bí thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn cho hay: “Công tác phòng chống rét cho gia súc, nhất là việc tu sửa, che chắn lại chuồng trại, dự trữ thức ăn, chủ yếu là rơm khô và trồng cỏ voi đã được xã thực hiện nghiêm túc. Xã đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống đói rét và dịch bệnh trên đàn gia súc trong mùa đông, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tận dụng bao tải, chăn cũ… làm áo giữ ấm cho trâu, bò; không chăn thả gia súc và không bắt gia súc làm việc khi thời tiết quá lạnh. Toàn xã có 900 con trâu, 230 con bò. Đến nay, 100% các hộ dân có gia súc đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét, nhà nào cũng có từ 1-3 lều rơm tùy thuộc vào số lượng gia súc của họ”.
Chính vì được tuyên truyền tốt nên nhận thức của người dân trong việc phòng chống đói, rét cho gia súc đã được nâng cao. Nếu như năm 2010, toàn huyện Mù Cang Chải có trên 2.000 con chết rét thì 3 năm gần đây đã giảm rõ rệt, năm 2013 chỉ có 11 con gia súc bị chết (trong đó: 2 con trâu, 5 con ghé, 1 con bò, 3 con bê). Trâu, bò đối với người dân vùng cao là cả một khối tài sản lớn nên mấy năm nay, ý thức của người dân về chăm sóc, dự trữ thức ăn, chống rét cho trâu, bò trong mùa đông cũng đã được nâng cao.
Ông Lê Trọng Khang - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để giành thế chủ động trong công tác phòng chống rét, huyện đã xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống đói rét cho gia súc trên địa bàn; hướng dẫn các xã xây dựng kế hoạch phòng chống đói rét cho gia súc; tập trung chỉ đạo các xã kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống đói rét và dịch bệnh trên đàn gia súc trong mùa đông và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong ban chỉ đạo; tích cực hướng dẫn, tuyên truyền tất cả các hộ chăn nuôi đều phải có chuồng nuôi nhốt gia súc và được che chắn bảo đảm giữ ấm cho gia súc”.
Cùng với vận động, tuyên truyền người dân chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc, vụ đông năm nay, toàn huyện được hỗ trợ 600 cây rơm cho người dân với mức hỗ trợ 300.000 đồng/cây. Đến nay, việc chuẩn bị thức ăn cho gia súc trong mùa đông cơ bản bảo đảm, hầu hết các hộ chăn nuôi đều có rơm khô dự trữ; tỷ lệ hộ dân có gia súc làm chuồng trại đạt trên 85%. Nhiều hộ mặc dù không được hỗ trợ cây rơm nhưng vẫn chủ động mang rơm về dự trữ cho gia súc nhà mình. Trong mùa đông giá rét, gia súc dễ bị mắc một số bệnh như thương hàn, tụ huyết trùng, lở mồm long móng ... Vì vậy, cùng với dự trữ thức ăn, tu sửa, che chắn chuồng trại thì công tác tiêm phòng bảo đảm sức đề kháng cho đàn gia súc cũng được huyện Mù Cang Chải quan tâm.
Đến nay, Trạm Thú y huyện đã triển khai 2 đợt tiêm phòng dịch bệnh định kỳ cho đàn trâu, bò, lợn; trong 11 tháng, đã thực hiện tiêm phòng được 17.819 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò, 4.233 liều vắc xin tụ huyết trùng lợn, 12.229 liều vắc xin dịch tả lợn, 6.576 liều lở mồm long móng, 17.000 liều vắc xin Newcastle và 3.782 liều vắc xin bệnh dại.
Với các biện pháp chỉ đạo đồng bộ, tập trung của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự chủ động và ý thức của các hộ chăn nuôi, huyện Mù Cang Chải đã chủ động làm tốt công tác phòng chống rét cho đàn gia súc, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do rét đậm, rét hại có thể xảy ra đối với đàn đại gia súc trên địa bàn toàn huyện.
Hồng Duyên
Các tin khác
YBĐT - Ngày 18/12, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó Bí thư Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Yên Bái nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2014, phương hướng nhiệm vụ năm 2015 và công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ IV nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Liên hiệp Hội.
YBĐT - Ổn định và duy trì đàn gia súc là một trong những nhiệm vụ chính để thúc đẩy phát triển chăn nuôi hàng hóa. Bởi vậy, ngay khi bước vào vụ đông năm 2014, Đảng ủy, chính quyền xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu đã lên phương án cụ thể phân công cán bộ phụ trách thôn, bản, đôn đốc nhân dân dự trữ rơm rạ, cỏ khô, làm chuồng trại che chắn, bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do giá rét gây ra đối với đàn gia súc của địa phương.
YBĐT - Phát huy thế mạnh đồi rừng, những năm qua, Yên Bái đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp. Từ những chính sách này, tốc độ trồng rừng ở Yên Bái diễn ra mạnh mẽ, không chỉ đưa độ che phủ rừng đạt 61,2%, đứng thứ 4 toàn quốc mà nghề rừng đã giúp hàng vạn hộ dân có thêm nguồn thu, góp phần xóa nghèo nhanh, bền vững.
YBĐT - Dự án “Xây dựng mô hình nhân giống và thâm canh chuối tiêu hồng bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào tại Yên Bái” được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) chủ trì triển khai từ giữa năm 2013 bước đầu đã mang lại kết quả. Dự án thực hiện sẽ góp phần chuyển đổi phương thức canh tác, cơ cấu giống cây trồng, phù hợp với chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Yên Bái.