Hương chè Bảo Hưng
- Cập nhật: Thứ tư, 18/2/2015 | 8:25:24 AM
YBĐT - Nếu như mùa xuân trên rẻo cao là vẻ đẹp của những cánh hoa đào, hoa mận nở khắp các lưng đèo, sườn núi thì ở Bảo Hưng, một xã vùng thấp của huyện Trấn Yên, đó là chiếc áo xanh đến mỡ màng của những búp chè Bát Tiên căng đầy nhựa sống.
Người dân xã Bảo Hưng thu hái chè.
|
Đứng giữa thôn Trực Thanh, có thể bao quát những vườn chè xanh mướt, nối đuôi nhau, chạy dài tít tắp. Qua đông, những rặng chè đã được cắt cúp gọn gàng, chỉ chờ mưa xuân xuống là đâm chồi, nảy lộc. Thấp thoáng trong màu xanh của chè là những ngôi nhà xây kiên cố, đủ kiểu dáng như tô thêm sắc thắm của mùa xuân đang về. Đồng chí Lê Ngọc Quỳnh - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Chè Bảo Hưng giờ đã sản xuất theo công nghệ VietGAP rồi, nổi tiếng thơm ngon và được người tiêu dùng tin tưởng. Trước đây, cây chè đã giúp người dân xóa đói, giảm nghèo thì nay với giống mới, công nghệ sản xuất mới, chè Bát Tiên đang giúp người dân trong xã vươn lên làm giàu”.
Trong làn mưa xuân bàng bạc, chúng tôi tới thăm gia đình anh Phạm Ngọc Úy, người đi đầu trong trồng chè Bát Tiên theo tiêu chuẩn VietGAP. Thấy có khách, anh Úy gọi vợ pha chè mời khách. Nghe danh đã lâu, nhưng hôm nay, tôi mới được “mục sở thị”. Thoảng trong không gian ấm áp, hương chè thật khó quên. Đầu tiên là vị chát đặc trưng của bao nhiêu nắng, bao nhiêu mưa, bao mồ hôi của người nông dân. Nhưng còn đọng mãi là vị ngọt nơi đầu lưỡi. “Chè Bát Tiên có khác, nước thơm, xanh và đậm đà quá”, anh bạn đồng nghiệp đi cùng tấm tắc khen.
“Ở đây không có chè cũ đâu nhé! Chè chúng tôi làm theo tiêu chuẩn từ cách dùng thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc, thu hái đến chế biến… nên bảo đảm hệ số an toàn rất cao. Chè sản xuất ra đến đâu, tư thương vào mua hết đến đó, nhiều khi còn đặt cả tiền trước cho chắc ấy chứ” - chị Tươi, vợ anh Úy khẳng định chắc nịch. Gia đình anh Úy có gần 1ha chè Bát Tiên, thu mỗi năm 6 lứa, khoảng 1,2 tấn chè khô với giá bán bình quân từ 170.000 - 200.000 đồng/kg, mỗi năm thu trên 100 triệu đồng. Quả là đáng nể! Và càng nể hơn khi ở Bảo Hưng đang có hàng trăm hộ nông dân như thế. Vào vụ chè mới, khắp các thôn Trực Thanh, Ngòi Đong, Khe Đay như có hội, những đồi chè xanh ngắt rôm rả tiếng nói, tiếng cười, máy sao chè hoạt động không nghỉ bất kể ngày đêm.
Theo tiếng gọi của Đảng từ Nam Định lên xây dựng vùng quê núi, ngay từ những ngày đầu tiên ấy, bác Trần Văn Dùng đã chọn cây chè để phát triển kinh tế. Thấm thoát, thế mà đã hơn bốn chục mùa xuân, qua bao thăng trầm, vui có, buồn có nhưng lão nông này vẫn thủy chung, gắn bó cùng cây chè như một cơ duyên. Nhấp ngụm chè nóng, bác tự hào: “Vậy là, gần 5 năm rồi, người dân ở đây sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Lúc đầu, mới chỉ mấy hộ tham gia, còn lại, bà con vẫn sản xuất theo phương pháp truyền thống, năng suất ngày một giảm. Sau một thời gian, những diện tích chè VietGAP đầu tiên đã cho thu hoạch, mang lại hiệu quả cao, dần dần người dân tham gia nhiều hơn. Đến nay, diện tích chè của xã cơ bản đã được cải tạo thay thế bằng các giống: Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, LDP1, LDP2 và đều sản xuất theo quy trình VietGAP cho năng suất, sản lượng cũng như giá thành cao gấp 3, 4 lần chè thường”.
Hội tụ đủ "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" nên nhiều hộ dân Bảo Hưng đã giàu lên từ cây chè. Để có được sản phẩm chè nổi tiếng thơm ngon, người nông dân ở đây dồn cả tâm, trí, lực vào đó, từ chăm sóc, thu hái cho đến chế biến, đến mức tỷ mẩn. Chè phải thu hái trước 10 giờ sáng, khi cái nắng chưa quá gắt. Thời điểm đó, búp chè đã “uống” sương đêm, đón những tia nắng ban mai đầu tiên, tích đủ nhựa và có chất lượng ngon nhất trong ngày. Và nhất thiết chè phải hái đúng tiêu chuẩn “một tôm hai lá, một cá hai chừa” và đựng bằng sọt tre mắt thoáng mới giữ được hết cái vị thơm ngon tự nhiên của chè. Khi hái xong, phải chế biến ngay, theo đúng quy trình kỹ thuật: sao, vò rồi lại sao. Có thế, chè mới được nước, được hương, được vị.
Mưa xuân lất phất bay, tiếp sức cho những vườn chè đâm chồi, nảy lộc. Những búp chè căng tràn nhựa sống. Hạt mưa xuân long lanh đọng trên búp chè mỡ màng như ướp thêm cho vị trà ngày xuân thêm đậm đà.
Hồng Duyên
Các tin khác
YBĐT - Năm 2014 là năm nước rút thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXI, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo, kịp thời và quyết liệt của các cấp, các ngành, sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, huyện Yên Bình đã giành được những thành tựu đáng kể trên tất cả các lĩnh vực.
YBĐT - Tết Ất Mùi đã cận kề. Những ngày này trên khắp các chợ, các đại lý trên địa bàn thành phố Yên Bái đã nhộn nhịp không khí mua sắm tết. Nhìn chung giá cả các mặt hàng trong dịp tết 2015 này đều không có nhiều biến động, hàng hóa phục vụ tết đa dạng phong phú.
YBĐT - Hôm nay, thôn Xuân Thịnh, xã Xuân Ái (Văn Yên) náo nhiệt hơn thường ngày bởi ngay từ sáng sớm, người dân đã tập trung làm vệ sinh khắp đường làng ngõ xóm để đón xuân. Tiếng nói cười rôm rả, tiếng chổi loẹt xoẹt khiến chúng tôi chộn rộn hòa với niềm vui của người dân thôn quê dưới chân núi Gò Cái. Trên con đường bê tông chạy dọc thôn, người quét rác, người rẫy cỏ ven đường, người cầm dao phát tỉa hàng rào với những câu chuyện vui về làm ăn kinh tế, về gia đình, về việc làng, việc xóm năm qua thật chân tình, cởi mở.
YBĐT - Đầu Xuân Ất Mùi 2015, về thăm quê hương Văn Yên anh hùng, đến đâu cũng thấy cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu rực rỡ mừng Đảng, mừng xuân, mừng những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã nỗ lực đạt được trong năm 2014 và cả nhiệm kỳ 2010 - 2015 treo trên khắp đường phố từ thị trấn Mậu A đến các bản, làng vùng cao của các xã: Viễn Sơn, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Châu Quế Hạ, Châu Quế Thượng...